Học tập phong cách quần chúng của Bác Hồ

Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. . Người không chỉ để lại di sản tư tưởng lớn lao trên nhiều lĩnh vực lý luận và thực tiễn cách mạng mà còn để lại tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, trong sáng, đặc biệt về phong cách quần chúng...

hoc tap phong cach quan chung cua bac ho
Bác Hồ về thăm lại đồng bào Păc Bó - Cao Bằng, năm 1961. Ảnh tư liệu

Phong cách quần chúng trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện xuyên suốt mọi hành động trong cả cuộc đời cách mạng, phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của Người. Phong cách này bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin: quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

Hồ chí Minh luôn có lòng tin vô tận đối với quần chúng. Điều đó thể hiện bằng phong cách sâu sát quần chúng, vì lợi ích của quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và chính bản thân Người làm gương trước. Ngay từ phút đầu tiên ra mắt quốc dân (2-9-1945) khi vừa đọc Tuyên ngôn độc lập, Người đã dừng lại hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Chỉ là một câu hỏi thôi, một câu hỏi bình dị, tự nhiên mà thực sự đã làm xúc động trái tim hàng chục triệu đồng bào cả nước! "Cả muôn triệu một lời đáp: Có!". Đó là một điển hình mẫu mực về mối quan hệ gần gũi, thân thiết hiếm có giữa lãnh tụ với quần chúng, ngay ở những phút giây lịch sử trang trọng nhất.

Trong đời sống hàng ngày, Bác Hồ thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương, để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Điều đó đã trở thành một nhu cầu, một nếp sống, trở thành điều tâm niệm suốt đời của Người, từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi giữ cương vị Chủ tịch nước; từ việc lớn đến việc nhỏ Người đều thể hiện tư tưởng "Nước lấy dân làm gốc", "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng".

Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955- 1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác đã trên 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội... từ miền núi đến hải đảo để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi năm có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần Người gặp gỡ quần chúng. Đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một lãnh tụ ở tuổi 70.

Mỗi người dân Việt Nam đều giữ trọn trong trái tim mình hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo bình dị, lội ruộng với nông dân, cùng tát nước chống hạn, cùng cuốc đất, đẩy xe với người lao động. Mỗi khi xuống thăm các cơ sở, cơ quan trường học, Người không cho báo trước. Người muốn biết thực chất tình hình của cơ sở, chứ không chỉ nghe qua báo cáo. Khi xuống đến cơ sở điều quan tâm đầu tiên của Bác là xem nơi ăn nơi ở, đến nhà ăn tập thể, nhà vệ sinh trước rồi mới ra hội trường nói chuyện với mọi người. Tác phong sâu sát, tỷ mỷ, cụ thể thiết thực của Người là mẫu mực của phong cách người lãnh đạo, "đầy tớ của nhân dân" như Người nói.

hoc tap phong cach quan chung cua bac ho
Bác Hồ thăm bà con các dân tộc xã Hùng Sơn (Đại Từ - Thái Nguyên) nhân vụ mùa năm 1954.

Năm 1957, nói chuyện với đồng bào Quảng Bình, Người nhắc nhở nhiều điều, trong đó có việc phải chú ý chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình đồng bào miền Nam tập kết,... rồi Người đọc chậm rãi câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Bác đọc đến đâu, đồng bào đọc theo đến đó. Một âm thanh hòa quyện vang lên thân thiết giữa lãnh tụ và quần chúng. Được tận mắt chứng kiến việc này, các thành viên Tổ cổ động của Ủy ban kiểm soát và giám sát Quốc tế đóng tại Đồng Hới đã hết sức ngạc nhiên. Họ nói với cán bộ ta: "Trong đời chúng tôi chưa bao giờ được thấy một thủ lĩnh quốc gia nào gần gũi, thân thiết với nhân dân như Bác Hồ của Việt Nam".

Bác đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Mọi nghi thức đối với Người đều trở thành không cần thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải đi đúng đường lối quần chúng, đồng thời bản thân Người nêu cao tấm gương về lòng yêu mến và tin tưởng rất mực vào khả năng và sức mạnh của nhân dân. Bác nói: "Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". Bác thường xuyên căn dặn mọi người: "Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân". Vì vậy, "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".

Chính phong cách đi đúng đường lối quần chúng của Người có sức hút kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Người không chút e ngại mà bình thường, tự nhiên. Tác phong ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc nhất. Nhờ vậy, mọi người có thể nói hết những suy nghĩ, trăn trở của mình, còn Người thì lắng nghe để có thể hiểu được nhịp đập của cuộc sống xung quanh.

Bác thường yêu cầu cán bộ, đảng viên "phải từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng". Cán bộ, đảng viên phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Làm cho dân kính, dân yêu, dân tin là vấn đề thuộc về lòng người. Nếu cứ ỷ vào quyền lực thì chỉ có thể làm cho người ta ngại, xa lánh chứ không thể dành được sự tin yêu, kính phục.

Phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức "suốt đời phấn đấu cần, kiệm,liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân". Yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước là suy nghĩ nhất quán, thường trực trong con người Bác. Chính tư tưởng đạo đức của nhân cách bên trong con người Hồ Chí Minh đã thể hiện, bộc lộ ra bên ngoài bằng phong cách quần chúng ở Người.

Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Vì thế người Việt Nam từ già đến trẻ thuộc mọi tầng lớp, dân tộc, mọi thế hệ đều gọi Hồ Chí Minh bằng hai tiếng: Bác Hồ. Khi nhắc đến tên Người mỗi người dân Việt Nam nói riêng và những con người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều nghiêng mình kính trọng. Đây là trường hợp rất hiếm có trên thế giới.

Lối sống, tác phong quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là chuẩn mực nhân cách con người cách mạng mà lại không xa lạ với mỗi con người bình thường. Đó là phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Rất nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng có dịp tiếp xúc với Bác đã nói nét đặc biệt ở Hồ Chí Minh là khi gặp Người, ai cũng cảm thấy không có gì khác biệt với mình. Ai cũng có thể soi mình, học tập, noi theo.

Chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast