9 ngày ở châu Á của Obama và sự chỉnh hướng quan trọng của Mỹ

Đích thân Tổng thống Mỹ đã vận động cho chiến lược “trở lại châu Á” của mình và giới quan sát nhận định, trở về Washington sau chuyến công du khu vực 9 ngày, ông Obama đã đạt được các kết quả mỹ mãn trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và địa-chiến lược.

9 ngày ở châu Á của Obama và sự chỉnh hướng quan trọng của Mỹ ảnh 1

Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)

TPP và chiến lược ngoài thương mại

Trong chặng đầu tiên đến Hawaii, nơi ông Obama sinh ra, Tổng thống Mỹ đã chủ trì Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 10-13/11.

Tại đây, ông Obama đã thu được thành công quan trọng: Thúc đẩy dự án thành lập khu vực tự do trao đổi thương mại lớn nhất thế giới, lôi kéo thêm được Nhật Bản, Canada và Mexico vào vòng đàm phán, đưa tổng số nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên thành 12 quốc gia.

TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương nhằm tự do hóa hơn nữa các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi các cuộc đàm phán hoàn tất, TPP sẽ đưa hầu hết các mức thuế nhập khẩu thương mại ở nhóm nước này về mức “0” trong khoảng 10 năm.

Ngoài các loại hàng hóa lâu nay đã được bao gồm trong những hiệp định như vậy trước đó, TPP sẽ bao gồm cả khu vực dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước cùng nhiều lĩnh vực khác.

Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk mô tả hiệp định này như là một hiệp định của "thế kỷ 21" sẽ dẫn đến sự hưng thịnh trong hoạt động thương mại của khu vực.

Nhưng theo giới phân tích ở Bắc Kinh và quốc tế, TPP cũng là mũi tấn công thứ hai của Mỹ trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc. “Mỹ đang hành động nhằm đoàn kết tất cả những nền kinh tế trong khu vực đang quan ngại về những chính sách thương mại và hối đoái của Trung Quốc”, một tờ báo Trung Quốc phân tích.

Chưa tính Nhật Bản, Canada và Mexico, đối với Mỹ, 8 quốc gia thành viên của TPP, với dân số tổng cộng khoảng 200 triệu người là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của họ, chỉ sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Việc Nhật Bản quyết định cũng tham gia đàm phán TPP đã khiến tầm quan trọng của TPP tăng mạnh.

Sự hiện diện quân sự

Chuyến thăm Australia trong hai ngày 16-17/11, dịp để Tổng thống Obama kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Liên minh Quân sự giữa Mỹ, Australia và New Zealand.

Washington đã lên tiếng ca ngợi vai trò quan trọng của liên minh này đối với an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong buổi họp báo tại thủ đô Canberra (Australia) ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố một thỏa thuận song phương mới giữa Mỹ và Australia. Theo đó, trong vòng 5 năm tới, 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ sẽ đồn trú ở Darwin, phía Bắc Australia.

Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường sử dụng sân bay quân sự Tindal của Australia để làm căn cứ cho máy bay chiến đấu, trong đó có máy bay B-52.
Theo hãng tin ABC của Australia, căn cứ quân sự Mỹ tại Australia vượt ngoài tầm với của tên lửa đạn đạo mới từ Trung Quốc. Căn cứ này cho phép Mỹ kiểm soát sự di chuyển của các tàu chiến và máy bay tại vùng Biển Đông.

Tổng thống Obama cũng cam kết việc Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch tăng cường quân đội nước này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo báo chí Mỹ, trước tham vọng phát triển hải quân và chiến lược “thu hút” các quốc gia nhỏ trong khu vực, Mỹ muốn tái khẳng định quyết tâm giữ vùng Thái Bình Dương luôn là “hồ của Mỹ”.

Một số chuyên gia cho rằng việc Mỹ tăng cường mối quan hệ quân sự với Australia nhằm tạo ra thế đối trọng với Trung Quốc trước sự trỗi dậy của nước này, và việc Mỹ mở rộng vai trò ở châu Á-Thái Bình Dương có thể khiến Trung Quốc cảm thấy bất an.

Ngay sau tuyên bố của Mỹ và Australia, người phát ngôn Chính phủ Trung Quốc Lưu Vi Dân cho rằng thỏa thuận mới giữa Australia và Mỹ là "không phù hợp", đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc chưa từng thành lập một liên minh quân sự như vậy.

Giáo sư Jia Qingguo thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bắc Kinh, cho biết Chính phủ Australia đã tỏ ra thiếu khôn ngoan khi củng cố liên minh quân sự với Mỹ bởi điều đó không giúp ích cho an ninh Australia mà còn có thể gây ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc.

Indonesia cũng bày tỏ mối quan ngại về kế hoạch đồn trú tại phía Bắc Australia của thủy quân lục chiến Mỹ. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cảnh báo động thái này của Mỹ có thể gây ra những tác động tiêu cực, vì thế, Mỹ cần minh bạch kế hoạch để tránh hiểu nhầm.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama từng bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ đang lo sợ và tìm cách loại trừ Trung Quốc. Theo ông Obama, Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy một cách hòa bình của quốc gia này.

EAS và mục đích rõ ràng

Chuyến đi châu Á của Tổng thống Mỹ kết thúc với cuộc thăm chính thức Indonesia và tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Bali. EAS lần thứ 6 này đánh dấu sự tham gia chính thức của Mỹ và Nga vào khối 18 nước trong đó có Trung Quốc.

Phần lớn các nhà quan sát chính trị đều nói rằng Tổng thống Mỹ đã thành công về mặt ngoại giao trong chuyến đi này.

Một trong những thành quả mà ông Obama đạt được là cuộc thảo luận thẳng thắn về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực, và vấn đề an ninh hàng hải để tàu thuyền mọi quốc gia đều có thể qua lại ở vùng biển đang tranh chấp này.

Tổng thống Obama đã khẳng định lập trường của Mỹ là bảo vệ tự do giao thông, tự do giao thương và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ôn hòa. Tổng thống Mỹ nói rõ là Washington không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền, nhưng tin tưởng vấn đề này phải được giải quyết bằng đường lối ôn hòa.

Tổng thống Mỹ đã tuyên bố với các lãnh đạo châu Á rằng Mỹ muốn diễn đàn Đông Á là nơi đặc biệt để các thành viên cùng nhau xem xét mọi hồ sơ quan trọng, từ tự do giao thông đến cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các viên chức Nhà Trắng cho biết trong cuộc gặp bên lề đầy bất ngờ ở EAS, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với ông Ôn Gia Bảo rằng Mỹ rất quan tâm đến vấn đề an ninh hàng hải, quyền được tự do đi lại của các thương thuyền trên tuyến đường biển quan trọng trong vùng Biển Đông.

Vẫn theo viên chức Nhà Trắng thì sau cuộc gặp đó, các nhà lãnh đạo dự Cấp cao Bali đã găp nhau, trình bày rất thẳng thắn quan điểm của nước họ về an ninh hàng hải và những vấn đề liên quan tới Biển Đông.

Trong dịp này, nguyên thủ Mỹ thông báo sẽ cử Ngoại trưởng Hillary Clinton sang Mianma vào tháng 12/2011, sau những động thái đáng khích lệ của chính quyền dân sự.

“Thông điệp của nhà lãnh đạo Mỹ rất rõ ràng: Tại vùng châu Á-Thái Bình Dương của thế kỷ 21 này, Mỹ hoàn toàn có vị trí của mình”, hãng tin AFP bình luận.

Những quyết định mới của Mỹ đối với Châu Á-Thái Bình Dương đã khiến cho Trung Quốc phải lên tiếng dưới nhiều hình thức khác nhau.

“Nhiều quốc gia trong vùng thắc mắc, nghi ngờ về chiến lược của Mỹ… Washington sẽ gặp thất bại nếu vẫn nuôi dưỡng ý tưởng từng có dưới thời chiến tranh lạnh”, hãng tin Xinhua viết, còn Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo rằng không một thế lực bên ngoài nào nên can dự vào vụ tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với những nước khác.

Trong khi đó, với những tuyên bố và động thái trên của Mỹ, phần lớn các nhà quan sát chính trị đều nói rằng Tổng thống Mỹ đã thành công về mặt ngoại giao trong chuyến đi này, vì ông đã tái khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Mỹ ở vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ông Tom Donilon, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương lần này thể hiện “sự chỉnh hướng quan trọng và chiến lược trong chính sách của Mỹ, một sự cân bằng lại”.

Nguồn: Dantri.com

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast