Các địa phương ở Hà Tĩnh cần quyết liệt trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh xuất hiện 10 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó có 8 ổ dịch tại Lộc Hà và TX Kỳ Anh. Để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn từ cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân.

Tại xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà), từ ngày 13/6 đến nay, đã xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết với 10 ca mắc. Ngoài ổ dịch tại thôn Vĩnh Phú đã được kiểm soát thì ổ dịch tại thôn Đồng Xuân và thôn Xuân Tây vẫn đang được ngành chức năng tập trung triển khai các giải pháp khống chế.

Các địa phương ở Hà Tĩnh cần quyết liệt trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà lấy mẫu xét nghiệm cho một trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết tại xã Hộ Độ.

Bác sỹ Trần Hải Đường - Trưởng trạm Y tế xã Hộ Độ cho biết: "Hằng năm, Hộ Độ luôn là địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch sốt xuất huyết. Nguyên nhân là do người dân địa phương chủ yếu làm thầu khoán ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh nên nguy cơ mang mầm bệnh về là rất lớn. Hơn nữa, dù đã có nước máy song người dân vẫn duy trì thói quen sử dụng chum, vại, lu để đựng nước mưa, tạo điều kiện cho lăng quăng, bọ gậy phát triển”.

Ngoài các ổ dịch tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà còn từng xuất hiện ổ dịch tại thôn Đại Lự (xã Hồng Lộc) với 2 ca mắc.

Các địa phương ở Hà Tĩnh cần quyết liệt trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Người dân xã Hộ Độ vẫn còn thói quen sử dụng các dụng cụ chứa nước mưa dù xã đã có nước máy.

Còn tại thị xã Kỳ Anh, từ đầu năm đến nay cũng đã phát hiện 5 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó, tại địa bàn xã Kỳ Nam có 2 ổ dịch với 15 ca mắc và tại địa bàn phường Kỳ Phương có 3 ổ dịch với 52 ca mắc. Đến nay, 2 ổ dịch tại xã Kỳ Nam đã được kiểm soát, còn lại 3 ổ dịch tại phường Kỳ Phương, ngành chức năng vẫn đang tập trung khống chế.

Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Phương Lê Văn Chương cho biết: "Ngay khi xuất hiện các ổ dịch, địa phương phối hợp với ngành y tế, nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác vệ sinh môi trường của người dân tại các tổ dân phố còn rất hạn chế. Hơn nữa, Kỳ Phương cũng là địa bàn có mật độ dân cư đông với nhiều lao động từ các địa bàn khác về sinh sống, làm việc, nên nguy cơ dịch luôn tiềm ẩn”.

Hiện nay, ngành y tế đang bố trí lực lượng tổ chức giám sát tại các ổ dịch để phát hiện kịp thời các bệnh nhân mắc mới, nhanh chóng điều trị và khống chế, không để dịch lan rộng.

Các địa phương ở Hà Tĩnh cần quyết liệt trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh tiến hành phun tiêu độc, khử trùng và diệt muỗi trưởng thành tại ổ dịch xã Kỳ Nam.

Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang ở thời kỳ cao điểm, song tình hình dịch trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát hiệu quả, không có các ổ dịch phức tạp, lây lan rộng. Tuy vậy, qua giám sát tại các ổ dịch ở TX Kỳ Anh, Lộc Hà cho thấy, việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch và ý thức tự giác thực hiện các khuyến cáo phòng, chống dịch của địa phương và người dân vẫn chưa triệt để. Đây sẽ là một trong những nguyên nhân xuất hiện thêm các ổ dịch mới.

Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chấp hành, phối hợp triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Mỗi người dân cũng cần nêu cao ý thức tự giác trong công tác phòng, chống dịch”.

Các địa phương ở Hà Tĩnh cần quyết liệt trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại Lộc Hà.

Tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 169.136 trường hợp mắc, 62 trường hợp tử vong. Tại Hà Tĩnh, tổng số mắc sốt xuất huyết đến nay là 293 ca (trong đó 124 ca vãng lai và 169 ca mắc tại chỗ). Ngành y tế khuyến cáo, cấp ủy, chính quyền và người dân hằng tuần cần triển khai phát động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại nơi sinh sống nhằm hạn chế dịch lây lan và bùng phát trên diện rộng. Chủ động rà soát vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch và giám sát ca bệnh nghi ngờ tại cộng đồng.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast