Tiền lương phải đủ sống

Bao giờ lương tối thiểu mới đáp ứng được mức sống tối thiểu, tác động của lương tối thiểu đến kinh tế vĩ mô, sản xuất kinh doanh... là những chủ đề đáng chú ý được đưa ra thảo luận tại ngày làm việc thứ hai (26/11) Hội thảo "Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập".

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định: tiền lương phải đủ sống, hay nói cách khác, chỉ khi nào tiền lương tối thiểu đáp ứng với mức sống tối thiểu mới có thể nói đến vấn đề tăng năng suất lao động.

Theo ông Điều, mức lương tối thiểu để các doanh nghiệp làm cơ sở chi trả lương cho người lao động ở Việt Nam hiện nay vẫn ở dưới mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, vấn đề bất bình đẳng về lương giữa các nhóm lao động ngày càng gia tăng.

Ông Điều dẫn chứng: Lương của công nhân làm việc trực tiếp từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng, có nơi còn thấp hơn. Trong khi đó, có những lao động đạt mức lương tới 40 triệu đồng/người/tháng. Việc phân hóa phụ thuộc vào từng lĩnh vực. Những lĩnh vực dễ tuyển dụng thì doanh nghiệp thường ấn định chung mức lương. Những lĩnh vực khó tuyển dụng thì lương cao hơn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, với những thay đổi mạnh mẽ do Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại, cùng với các chính sách hỗ trợ đúng đắn, Việt Nam có thể gia tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường quốc tế trên cơ sở năng suất cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn. Theo đó, khi năng suất lao động cao hơn chắc chắn tiền lương sẽ tăng lên. Năng suất lao động và tiền lương luôn tỷ lệ thuận với nhau. Tuy nhiên, năng suất lao động không thể tăng đột biến ngay được vì vậy tiền lương sẽ chỉ tăng từ từ.

Chính sách tiền lương ở Việt Nam là một thách thức lớn khi GDP bình quân đầu người thấp, năng suất lao động thấp. Trong khi đó, hiện nền kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp phá sản hàng loạt nên rất khó để giải quyết những hạn chế này. Mặc dù theo lộ trình đến năm 2017 mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu song do tình hình kinh tế khó khăn nên rất nhiều doanh nghiệp phải đề nghị kéo dài lộ trình đến năm 2020 - Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết.

Bà Sandra Polaski - Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khẳng định, lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất lao động. Nghiên cứu mới nhất cho thấy tăng tiền lương khiến người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư kỹ thuật, quá trình làm việc hiệu quả hơn. Tiền lương và cách phân chia tiền lương có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với người lao động mà còn đối với cách xã hội phát triển và tiến hóa. "Tiền lương là một chỉ số quan trọng cho thấy một xã hội sẽ trở lên bình đẳng hơn – hay bất bình đẳng hơn. Báo cáo tiền lương thế giới ILO cho năm 2014-2015 sắp tới sẽ trình bày những phát hiện mới của nghiên cứu về mối liên hệ giữa sự phân chia tiền lương và bất bình đẳng thu nhập nói chung" - bà Sandra Polaski chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại quốc tế, tất yếu sẽ dẫn tới gia tăng việc làm. Bên cạnh đó, cơ hội dịch chuyển lao động sẽ gia tăng đáng kể, sự cạnh tranh thị trường lao động trong khối là điều không tránh khỏi. Việc tăng lương để cạnh tranh sẽ là xu thế tất yếu.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến các đại biểu đã đề xuất mục tiêu lâu dài là các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu nhưng phải theo lộ trình, không thể "tạo cú sốc"; tăng cường các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, nhằm đảm bảo quyền lợi hài hòa cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động...

Theo Phúc Hằng/baotintuc.vn

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast