Nghề nấu bánh chưng Tết

(Baohatinh.vn) - Như đã hẹn ước với mùa xuân, bánh chưng luôn được tỉ mẩn chuẩn bị, nâng niu trong tết Việt cổ truyền. Cũng như muôn vàn thức quà khác, bánh chưng đang dần có mặt trên thị trường. Nghề nấu bánh chưng xuất hiện đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại.

Nghề nấu bánh chưng xuất hiện đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại.
Nghề nấu bánh chưng xuất hiện đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại.

Bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho đất - trời, từ câu chuyện về lòng hiếu thuận của chàng Lang Liêu hiền lành sống vào thời Hùng Vương thứ 6. Sự giản đơn của chúng làm nên bản sắc Việt rất riêng và độc đáo. Mỗi độ xuân về, đặc biệt với người miền Trung thì không thể thiếu dăm ba cặp bánh chưng. Ngày nay, tuy không còn nhiều gia đình giữ tục nấu bánh, nhưng thứ bánh xanh vuông vắn ấy vẫn không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên. Người ta có thể đặt mua bánh từ nhiều cơ sở trong tỉnh.

Tại Hà Tĩnh, nổi tiếng nhất có lẽ là thương hiệu “Bánh chưng Bà Thu Công Đoàn” (bà Từ Thị Thu - nguyên cán bộ Khách sạn Công đoàn). Tìm đến gia đình vào những ngày cuối năm, chúng tôi càng nhận thấy không khí tất bật, nhộn nhịp của ngày tết cận kề. Chỗ này thì gói bánh, chỗ kia đun nấu, chỗ thì vớt bánh ra ép. Công việc không quá nặng nề nhưng đòi hỏi sự khéo léo cao. Mỗi bàn tay thoăn thoắt như nâng niu cả đất trời…

“Công xưởng” của bà Thu là một gian nhà rộng khoảng 60m nằm cạnh ngôi nhà chính. Ban đầu bánh chưng nấu chủ yếu là phục vụ nhu cầu của thực khách, tiệc tùng, lễ hỏi được tổ chức ở khách sạn. Về sau, số lượng khách muốn thưởng thức bánh chưng do chính tay bà nấu càng đông, có nhiều người đến tận nhà đặt hàng. Đam mê và gắn bó với giá trị truyền thống nên sau khi nghỉ hưu, bà Thu tiếp tục duy trì nghề.

Không chỉ dịp tết mà ngay từ tháng 9 âm lịch, bánh chưng đã rộn ràng “vào mùa”. Gia đình phải thuê thêm nhân công để làm bánh, ngày thường 6 người, dịp cận tết có khi tới 10 người. Từ ngày 20 âm lịch, các nguyên liệu đã được chuẩn bị kỹ càng. Đến ngày 25, 26, bắt đầu gói và các nồi bánh liên tục đỏ lửa. Giá một chiếc bánh chưng là 30 nghìn đồng, được bán ở 3 cơ sở chính trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, được phân phối cho nhiều nhà hàng, khách sạn lớn trong toàn tỉnh và cả khách ngoài tỉnh.

Bà Thu cho biết: “Những ngày giáp tết này, 8 nồi, mỗi nồi khoảng 150 chiếc bánh liên tục đỏ lửa. Trung bình mỗi ngày xuất ra 400-500 chiếc, có ngày lên tới 1.000 chiếc. Lượng bánh tùy vào đơn hàng người mua. Tuy nhiên, chúng tôi không chạy theo đơn hàng mà chú trọng về chất lượng. Vì vậy, bánh làm đến đâu bán hết đến đó”.

Hàng nghìn chiếc bánh làm ra vuông 8 góc, mướt xanh một màu và tỏa ra mùi thơm ngon, béo ngậy. Khi chúng tôi hỏi về bí quyết làm bánh chưng ngon, đẹp, bà Thu chỉ cười và nói: “Chính chất lượng nguyên liệu làm nên chiếc bánh ngon và kỹ thuật từ đôi bàn tay khi gói chứ không có bí quyết gì cả”. Vậy mới biết, để làm nên chiếc bánh chưng tuy không khó nhưng cũng không hề đơn giản nếu chúng ta thiếu tỉ mỉ, cẩn trọng.

Rời cơ sở sản xuất của bà Thu, chúng tôi đến xưởng làm bánh chưng của Công ty TNHH Khách sạn Du lịch Công đoàn Thiên Cầm. Đây cũng là một địa chỉ tin cậy được nhiều khách hàng tìm đến. Dịch vụ nấu bánh chưng của Công ty chỉ mới ra đời hơn 4 năm, bên cạnh các chuỗi hoạt động kinh doanh về du lịch, nhà hàng và một số dịch vụ khác. Tuy ra đời chưa lâu nhưng với chất lượng đảm bảo, bánh chưng Công đoàn Thiên Cầm đã nhanh chóng chiếm lĩnh một thị trường không nhỏ. Không chỉ các gia đình mà các siêu thị trong thành phố cũng đặt hàng.

Ông Nguyễn Hữu Thắng - Giám đốc Công ty cho biết: “Điều chúng tôi tâm niệm đó là chất lượng và chữ tín. Các nguyên liệu được lựa chọn đều là loại tốt nhất. Bánh được làm thủ công, vẫn đun bằng bếp củi để đảm bảo chín đủ độ lửa, bánh xanh mướt đặc trưng và ngon, dẻo”.

Được biết, dịp tết, xưởng sản xuất bánh chưng của công ty cung cấp ra thị trường 4.000-5.000 chiếc. Bánh chưng của Công ty đã được Sở Y tế kiểm định chất lượng, được phân phối rộng rãi. Đi kèm với bánh chưng, công ty còn sản xuất bánh tét, bánh chay phục vụ dịp tết.

Ngoài những cơ sở sản xuất có tiếng, chúng tôi tìm đến một số quầy bán bánh chưng tại chợ Vườn Ươm và đường Nguyễn Công Trứ, giá rẻ hơn, dao dộng từ 25-30 nghìn đồng/chiếc. Khi chúng tôi hỏi với ý định đặt mua nhiều, muốn tìm hiểu về nơi nấu bánh thì họ chỉ nói: Em nói rõ lượng bánh đặt và thời gian lấy, đến ngày là có bánh, cứ yên tâm về chất lượng. Sự khó dễ của một số người bán làm chúng tôi không khỏi phân vân về nguyên liệu, nguồn gốc cũng như an toàn vệ sinh tại một số cơ sở làm bánh khác. Vì vậy, khi đặt mua bánh, khách hàng nên lựa chọn những nơi có uy tín, đảm bảo về chất lượng.

Sẽ chưa đầy đủ hương vị tết nếu trên bàn thờ gia tiên mỗi gia đình thiếu những cặp bánh chưng. Bên cạnh mâm ngũ quả đủ đầy, thức quà như kẹo bánh, rượu… thì bánh chưng dân tộc vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast