Kim ngạch xuất khẩu có về đích 85 triệu USD?

Giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt hơn 40 triệu USD là sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch năm (85 triệu USD) thì ngoài sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp thì rất cần sự đồng hành của tỉnh nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Mặc dù 6 tháng đầu năm lãi suất ngân hàng giảm nhưng các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Mặt khác, thị trường xuất khẩu biến động thất thường, giá một số mặt hàng bị giảm xuống đáng kể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của tỉnh. Hầu hết các sản phẩm nông sản giá xuất khẩu đều giảm (trừ mặt hàng hạt tiêu), nhất là cao su giảm 31,6%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 16,5%... Riêng mặt hàng khoáng sản ilmenite có mức tăng trưởng cao sau khi được Chính phủ cho phép xuất khẩu tinh quặng Ilmenite. Vì vậy, các doanh nghiệp tập trung chế biến, xuất khẩu hàng tồn kho, làm kim ngạch xuất khẩu khoáng sản tăng “đột biến” (258 %). Một số mặt hàng khác như lưới thép gai, dăm gỗ, gỗ xẻ, gỗ ván sàn vẫn tăng trưởng ổn định.

Với thực trạng trên buộc các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu phải tự cứu mình. Trước hết , xây dựng kế hoạch sản xuất suất kinh doanh phù hợp , huy động nguồn vốn vay bằng nhiều nguồn kênh, đồng thời nắm bắt khảo sát để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài duy trì thị trường xuất khẩu cũ ….thì các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, một số sản phẩm như khoáng sản, chè, mây tre đan… đã được xuất sang thị trường Nga, Ấn Độ, Afganistan, Thái Lan…Sự nỗ lực trên của các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển. Sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh về chính sách hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp cũng là một trong những yếu tố quan trọng để kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 40,2 triệu USD, tăng 11,96% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 11,175 triệu USD, tăng 324% so với cùng kỳ năm 2011; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,767 triệu USD, chiếm 42%, giảm 13%; kinh tế tư nhân đạt 12,262 triệu USD, giảm 7%.

Do khó khăn về vốn và nguyên liệu chế biến một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã không thực hiện xuất khẩu. Vì vậy, số doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm, hiện toàn tỉnh có 59 doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu trực tiếp và ủy thác xuất khẩu, trong đó có 28 doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường các nước, số còn lại thực hiện mở tờ khai xuất khẩu vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Thủy sản luôn là mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Hà Tĩnh
Thủy sản luôn là mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Hà Tĩnh

85 triệu USD là mục tiêu đặt ra cho giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2012. Trong khi 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 40,2 triệu USD, vì vậy, để đạt được con số trên rất cần sự năng động của các doanh nghiệp và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh trong thời gian tới. Trước tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp các thông tin về cơ chế chính sách, thị trường xuất khẩu và hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật để các doanh nghiệp của tỉnh khai thác, phát triển thêm một số thị trường xuất khẩu mang tính bền vững hơn thị trường Trung Quốc, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, cao su. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sớm đầu tư hoàn thiện các dự án đưa vào hoạt động để tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là Dự án lắp ráp ô tô, xe đạp điện của Công ty cổ phẩn đầu tư Việt Lào (VLI) ở KKT Cầu Treo và Nhà máy sản xuất rượu Văn Lâm, Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Sen Vàng, Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Phonesack tại KKT Vũng Áng.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Công thương thì Quyết định 09/2011/QĐ-UBND mới được thực hiện hơn 1 năm nhưng đã góp phần giúp các doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn về nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu tích cực tìm kiếm thị trường mở rộng quy mô và nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số quy định hỗ trợ về tìm kiếm thị trường xuất khẩu; hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ đối với cơ sở sản xuất hiện có; hỗ trợ lãi suất thu mua dự trữ hàng hóa, nguyên liệu để chế biến xuất khẩu... chưa phù hợp, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận được chính sách “ưu đãi” trên. Vì vậy, trong thời gian tới rất cần sự “chia sẻ” của tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu vượt qua khó khăn, phát triển ổn định, đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tăng trưởng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast