Đại biểu Hà Tĩnh: Tăng chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ

(Baohatinh.vn) - Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, chi ngân sách nhà nước (NSNN) liên tục nhiều năm không đảm bảo cho giáo dục - đào tạo (GDĐT) và khoa học - công nghệ (KHCN).

Đại biểu Hà Tĩnh: Tăng chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu ý kiến sáng nay

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (13/6) về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng: Quyết toán NSNN năm 2018 cho thấy một bức tranh rất đẹp, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% cao nhất 10 năm trở lại đây, thì tỷ lệ bội chi NSNN năm 2018 là 2,8% thấp hơn rất nhiều so với mức 3,7% dự toán đề ra và mức 3,5% của năm 2017; mức chi đầu tư giảm 8.387 tỷ đồng, chi thường xuyên giảm 42.665 tỷ đồng, chi dự phòng NSNN giảm 32.097 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp chi thường xuyên giảm và tỷ lệ giảm ngày càng tăng (năm 2017 giảm 2,3%, năm 2018 giảm 4,4%). Điều này thể hiện sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc cắt giảm đầu tư công và tiết kiệm chi.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng việc tiết giảm chi xét về mặt nào đó lại ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của một số lĩnh vực quan trọng, nhất là chi cho hoạt động GDĐT, đào tạo nghề và KHCN.

Cho rằng, chi NSNN liên tục nhiều năm không đảm bảo chỉ tiêu dành cho GDĐT (20%) và KHCN (2%), đại biểu đưa ra số liệu cụ thể: chi GDĐT và dạy nghề năm 2018 bằng 14,2% tổng chi NSNN, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%, quyết toán chi GDĐT, dạy nghề chỉ đạt 96,2% dự toán; chi KHCN năm 2018 bằng 0,76% tổng chi NSNN, năm 2019 giảm xuống còn 0,74%, chi sự nghiệp KHCN chỉ đạt 91,1% dự toán.

Đại biểu Hà Tĩnh: Tăng chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ

Toàn cảnh phiên thảo luận

Đại biểu cũng đặt ra vấn đề, hiện nay việc phân bổ kinh phí cho GDĐT tính theo dân số là chưa sát đúng vì nhiều địa phương tuy dân số ít nhưng lượng học sinh lớn sẽ gây thiếu hụt. Đồng thời, việc khống chế định mức biên chế dẫn đến số lượng giáo viên trường thừa, trường thiếu, trong khi các họat động chuyên môn giảng dạy và học tập không đổi nên các trường đã thiếu biên chế giáo viên thì kinh phí phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập (18%) cũng sẽ không đủ. Kết quả là, không những phải bù kinh phí hoạt động thường xuyên mà địa phương còn phải bù cả chi phí giảng dạy cho các trường thiếu giáo viên.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 thì các khoản chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập chỉ đảm bảo 18% vào năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, còn những năm càng về sau thì tỷ lệ này sẽ càng giảm, do các khoản chi hoạt động chuyên môn thì ổn định cả giai đoạn trong khi mức lương cơ sở lại tăng hàng năm.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp khắc phục một cách tổng thể để tăng phân bổ NSNN cho lĩnh vực GDĐT và KHCN phù hợp với chiến lược phát triển các nhiệm vụ này trong từng thời kỳ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast