Nốt trầm giữa Trường Sơn hùng vĩ

Chiến tranh ác liệt và tàn khốc. Chiến tranh đã lấy đi năm tháng thanh xuân đẹp đẽ của biết bao người. Chiến tranh cũng đã tạo nên cho Tổ quốc Việt Nam những con người và những địa danh anh hùng. Và trong những ngày tháng 7 tri ân, khi cả đất nước như chùng xuống trong các hoạt động đền ơn đáp thì những tên đất, tên người đã ngã xuống vì đất nước lại vang lên trong tâm thức bao người như một bản hùng ca bi tráng…

Có một con đường mãi mãi tuổi 20

Với quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại thì những cung đường như đường 21, đường 15, đường 20… cũng đã viết nên những bản anh hùng ca của hàng triệu TNXP. Những con đường được làm nên bằng ý chí, sức mạnh của tuổi thanh xuân nên dẫu đi qua sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh vẫn có một sức sống bền bỉ cùng thời gian. Máu và hoa và ong bướm Trường Sơn đã cùng nhau viết nên những huyền thoại bất tử cho Tổ quốc Việt Nam anh hùng.

Lịch sử ghi lại, vào những năm 1964 – 1965, trước nguy cơ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại hoàn toàn và chính quyền tay sai sụp đổ, đế quốc Mỹ buộc phải dùng chiến lược “chiến tranh cục bộ”- đổ quân Mỹ vào miền Nam cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trước tình hình đó, cuối năm 1965 Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các lực lượng, chủ công là Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đảm nhận nhiệm vụ mở đường 20 thực hiện chiến lược lật cánh sang Tây Trường Sơn để tăng cường sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 20-12-1965, toàn tuyến nổ loạt bộc phá đầu tiên mở đầu chiến dịch mở đường. Sau gần 5 tháng, tuyến đường dài 123 km từ làng Phong Nha (huyện Bố Trạch) qua ngã ba Lùm Bùm thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào) rồi thông ra đường 9 đã cơ bản hoàn thành.

Đường 20 Quyết thắng
Đường 20 Quyết thắng

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đường 20 trở thành một trong những tuyến giao thông quan trọng bậc nhất của quân và dân ta đối với chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh. Cũng chính vì lẽ đó mà từ năm 1965- 1972, cung đường này cũng phải hứng chịu hàng ngàn loạt bom đánh phá của đế quốc Mỹ. Mỗi khúc cua, mỗi địa danh trên cung đường huyền thoại này là một tọa độ lửa mà mỗi lần nhắc đến đều khiến người ta sởn gai ốc. Trong những tọa độ lửa đó, Cua chữ A thuộc trọng điểm ATP (Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pulanhic) là một trong số 42 điểm địch đánh phá ác liệt nhất trên 16 nghìn km mạng lưới đường mòn Hồ Chí Minh. Tại trọng điểm này, giặc Mỹ huy động 3.020 lần máy bay đánh phá, trong đó có 270 lần máy bay B52 ném xuống đây 20.600 quả bom phá, 790 quả bom sát thương, 3.400 loạt bom bi, 216 quả bom cháy. Có ngày địch đánh tới 93 trận, trong đó 8 trận máy bay B52 rải thảm. Ác liệt là thế nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, với khát vọng được sống cuộc sống thanh bình, bằng khẩu hiệu "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm", hàng vạn bộ đội, TNXP, dân công… vẫn kiên cường bám trụ trên tuyến lửa. Chúng tôi đã cùng nhau đi qua những địa danh như Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pulanhic, Trọng điểm Trạ Ang, Km14…, dẫu không ai nói ra nhưng trong mỗi đôi mắt ngân ngấn nước đều ẩn chứa sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn một thế hệ đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Tại cung đường này, 552 người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh để viết nên huyền thoại của một tuyến đường bất tử, trong đó Hang 8 TNXP như một minh chứng cho sự khốc liệt của chiến tranh. Và con đường này cũng trẻ mãi cùng tuổi 20 của các chiến sỹ đã nằm lại giữa đại ngàn…

Huyền thoại hang 8 cô

Trong mạng lưới đường Trường Sơn huyền thoại dày đặc những câu chuyện hy sinh anh dũng của lực lượng TNXP nhưng có lẽ câu chuyện về sự hy sinh tại “Hang 8 cô” là câu chuyện thật lẫm liệt và đau thương. Tại trọng điểm km16+200 đường 20 có một hang sâu, lòng hang rộng, rất thuận lợi cho bộ đội và TNXP tránh máy bay địch thả bom. Với địa thế thuận lợi đó, các đơn vị thường nhường cho các nữ TNXP vào ẩn nấp. Một thời gian dài, tiểu đội 8 nữ TNXP quê ở huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) được giao nhiệm vụ bám trụ bảo đảm cho đoạn đường thông suốt và cái hang trở thành nơi trú ẩn của 8 cô TNXP. Tên gọi “Hang 8 cô” bắt nguồn từ đó.

Du khách thắp hương tại ban thờ trong hang 8 cô
Du khách thắp hương tại ban thờ trong hang 8 cô

Chiều 14-11-1972, Mỹ cho máy bay B.52 ném bom rải thảm tuyến đường 20 từ trọng điểm km 16. Đội thanh niên xung phong 163 của ban 67 đang ở hiện trường vội vã chạy vào hang đá bên đường trú ẩn. Tiểu đoàn pháo phòng không lập tức tổ chức đánh trả. Cả quãng đường qua Km 16 bị bom cày nát, một loạt bom đã khiến năm chiến sĩ pháo binh hi sinh phía cửa hang và liền ngay sau đó tảng đá hàng ngàn tấn trên cửa hang bị sập xuống bịt kín miệng hang. Trong hang có 8 TNXP đều cùng quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) là Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương và Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Mậu Kỷ, Hoàng Văn Vụ. Tất cả đều đang trong độ tuổi 19 - 20. Sau 9 ngày trời tìm mọi cách mở cửa hang và luồn ống ty – sô tiếp cháo, sữa cho đồng đội thì những tiếng kêu cứu từ trong hang đã tắt lịm. Hang đá thành nấm mộ chung cho tám chiến sĩ thanh niên xung phong. Núi rừng như cũng ướt đẫm nước mắt của các chiến sỹ. Sau này khi xác định được danh tính 8 TNXP, hang đá cũng được đổi tên là “Hang 8 TNXP”. Năm 1996, tỉnh Quảng Bình quyết định phá tảng đá lấp cửa hang để đưa hài cốt những liệt sĩ thanh niên xung phong về quê nhà. Địa danh này cũng trở thành di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Du khách thắp hương trước đền thờ các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên đường 20 Quyết thắng. Ảnh Thế Công
Du khách thắp hương trước đền thờ các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên đường 20 Quyết thắng. Ảnh Thế Công

Đường 20 Quyết Thắng giờ nằm lặng lẽ trong lòng Trường Sơn hùng vĩ, hang đá khi xưa đã được mở lại lòng hang, trước cửa hang có tấm bia ghi tên tuổi của tám thanh niên xung phong và năm chiến sĩ pháo binh đã hi sinh trong buổi chiều 14-11-1972. Bên cạnh đó có đền thờ bộ đội và các TNXP đã hy sinh trên tuyến lửa này. Dẫu xa ngái nhưng mỗi ngày di tích này đều có người lặn lội tìm vào thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ.

Hoa rừng đã nở, chim rừng đã hót những bài ca của đại ngàn trên từng tấc đất, ngọn cây còn lưu giữ hồn phách các anh hùng liệt sỹ. Trường Sơn lồng lộng những chiến tích anh dũng. Trường Sơn cũng lặng lẽ ôm trọn trong mình những câu chuyện bi hùng của một thời đạn lửa chiến tranh. Những con đường lịch sử vẫn âm thầm chạy giữa Trường Sơn như một nốt trầm trong bản anh hùng ca của đất nước. Và chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên giữa thời bình mỗi lẫn đến thăm những khu chứng tích chiến tranh trong lòng Trường Sơn cũng thấm nhận vào tâm hồn mình những giá trị nhân văn cao cả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast