Hai phía Đèo Ngang một mối tơ hồng

(Baohatinh.vn) - Nhắc đến Xuân Diệu, người ta nghĩ ngay đến các biệt danh “ông hoàng của thơ tình”, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Với ông, người ta còn biết đến một vẻ ngoài toát lên sự mơ màng và chân thực; đặc biệt, người ta biết đến một thái độ sống nhiệt thành tới mức riết róng.

Có được những phẩm chất đáng quý ấy, có người nói, là do ở ông có sự pha trộn phẩm tính cộng đồng của miền quê cha - quê mẹ. Niềm tự hào quê cha đất Nghệ, quê mẹ Bình Định đã trở đi, trở về trong thơ văn của ông, trong đó, nổi bật nhất là bài thơ "Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong" sáng tác vào năm 1960.

Đứng từ góc độ phương pháp sáng tạo thi ca, đây chưa hẳn đã là bài thơ hay, song lại là một bài thơ rất có giá trị. Giá trị ở chỗ, nó là sự tự thể hiện, tự bộc lộ của nhà thơ về hoàn cảnh bản thân cũng như tâm tình, tính cách của chính tác giả. Sự kết tạo của hai vùng đất, hai miền văn hóa trong một con người đã được chủ nhân nhìn nhận như một niềm ân huệ lớn. Chẳng thế mà, ông tự hào nhắc lại chuyện mẹ và cha xưa: Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong/ Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ/ Vượt Đèo Ngang kiếm nơi cần chữ/ Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong/ Hai phía Đèo Ngang một mối tơ hồng.

Hai phía Đèo Ngang một mối tơ hồng ảnh 1

Dưới chân Đèo Ngang (Ảnh: Sỹ Ngọ)

Sóng đôi những đặc tính của quê cha - quê mẹ được nhà thơ xây dựng như một thủ pháp nghệ thuật trong kết cấu của bài thơ. Ông viết về quê cha: Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang/ Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát và quê mẹ: Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát/ Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm. Nói đến quê cha là nói đến một miền khắc nghiệt với “gió lào thổi rạc bờ tre” (Nguyễn Bùi Vợi), nói đến ám ảnh nhút, cà và đầy vơi ngày đói. Nhưng, nhắc đến quê cha cũng là nhắc đến miền đất trọng sự học, coi sự học là lẽ vinh quang ở đời.

Từ đây, có thể giải thích vì sao ông đồ Nghệ trở thành “đặc sản” trong không gian Xứ Nghệ. Bù lại sự khắc nghiệt, thậm chí, đến mức cực đoan trong tính cách, quê mẹ nằm bên bờ biển ở khu vực Nam Trung bộ thổi gió nồm vào từng giấc mơ, câu hát, đưa bóng tháp Chàm lung linh trong đời sống tâm linh, tính cách con người. Nét đẹp của cư dân được thể hiện ở hình ảnh “cô làm nước mắm” rất dân dã, đời thường mà chứa đựng cả chiều sâu văn hóa (vùng đất nơi đây là xứ sở của nước mắm, trong đó, nguồn gốc xa xưa là cư dân Chàm rất giỏi bơi lặn, kiếm sống ven sông, biển). Điều này còn được thể hiện trong bài thơ Đêm ngủ ở Tuy Phước được viết vào năm 1976 khi nhà thơ trở về thăm vạn Gò Bồi, Tuy Phước:

“Khi má anh sinh ra

Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi

Nên tới già thơ anh còn đậm đà thấm thía”.

Sự quấn quýt của những đặc tính khác nhau ở từng vùng tiếp tục được nhà thơ khai thác ở khía cạnh rất đặc trưng, đấy là ngôn ngữ. Nói đến Nghệ Tĩnh là nói đến phương ngữ đậm tính thổ âm với âm trầm, đục, nặng. Chẳng thế mà, Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ. Nhưng cái “trọ trẹ” ấy đã kết hợp với chất giọng của miền trong, tạo nên sự pha trộn hài hòa, đẹp đẽ. Những câu thơ lúc này có âm điệu khá thú vị: Tiếng Đàng Trong tiếng Đàng Ngoài quấn quýt/ Vào giữa mái tranh, giường chõng, cột nhà/ Rứa, mô, chừ? cha hỏi điều muốn biết/ Ngạc nhiên gì, mẹ thốt: úi chui cha. Đặc biệt, nhà thơ tài hoa này không quên nhắc đến hai đặc sản tinh thần của hai xứ ấy là âm nhạc dân gian: Mẹ thảnh thót: Qua nhớ thương em bậu/ Cha hát dặm bài Phụ tử tình thâm. Tác giả nhìn nhận ấy là “hai điệu bổng trầm”. Phải chăng, cái bổng, trầm ấy cũng là sự hội tụ trong tính cách, tố chất con người thi nhân.

Thành phố Quy Nhơn (Ảnh internet)

Thành phố Quy Nhơn (Ảnh internet)

Khi nghiên cứu về Xuân Diệu, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã cho rằng: “Cái máu Nghệ Tĩnh của “cha Đàng Ngoài” đã giúp cậu (tức Xuân Diệu) gan góc và quyết tâm. Và cái máu Quy Nhơn của “mẹ Đàng Trong” thì giúp cậu những tình cảm đắm say, sôi nổi. Những cuốn sổ tay học sinh còn lại kia cho biết, cậu đã tập viết văn làm thơ từ năm 15 tuổi (1931) một cách quyết liệt thế nào. Làm rất nhiều, làm đủ loại: thất ngôn, lục bát, từ khúc, bút ký, truyện ngắn, tiểu luận và phê bình văn chương, làm cả văn tế, ca trù, câu đối, bài hát xẩm lói Tiễn chân anh khóa của Trần Tuấn Khải… Đến năm 1933, 1934 thì bắt đầu có thơ hay. 1935 có thơ đăng báo và bắt đầu nổi tiếng” (Nhà văn Việt Nam hiện đại – Chân dung và phong cách, Nxb Văn học, 2003, trang 61).

Sóng đôi niềm tự hào về hai miền khác biệt còn được nhà thơ khắc họa qua sản vật từng vùng: Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong/ Muốn ăn nhút, thì về quê với bố/ Muốn ăn quýt, ăn hồng, theo cha mày mà về ngoài đó/ Muốn uống nước dừa, ăn xoài chín đỏ/ Muốn ăn bánh tét, bánh tổ/ Thì theo tao, ở mãi trong này. Tác giả kết thúc bài thơ bằng tấm lòng trân trọng, biết ơn: Đội ơn thầy, đội ơn má sinh con/ Cảm ơn thầy vượt Đèo Ngang bất kể!/ Cảm ơn má biết yêu người Xứ Nghệ/ Nên máu con chung hòa cả hai miền.

Chung hòa hai miền trong một con người, hơn thế lại là con người thi nhân, đó là một may mắn, cũng như Nguyễn Du trong sự hội tụ của văn hóa Hồng Lam và Kinh Bắc. Chính sự may mắn ấy đã kết tạo nên phẩm chất tài hoa mà uyên bác của một cây bút đa phong cách, một tình yêu tha thiết, nồng cháy với cuộc sống và con người. Bởi lẽ đó, không khó để nhận thấy bóng dáng của ký ức cộng đồng Đàng Trong, Đàng Ngoài trong hồn thơ và cả phong cách phê bình, tính cách con người Xuân Diệu. Và ông, đã trở thành một biểu tượng đẹp của mối tình kết nghĩa sắt son Hà Tĩnh – Bình Định.

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast