Với các cơ quan thông tấn, Facebook đang trở nên kém tin cậy hơn

Không phải chờ tới những công bố thay đổi thuật toán trong tháng 1, vai trò của Facebook trong việc phát tán tin tức cũng đã giảm đáng kể trong hơn một năm qua.

voi cac co quan thong tan facebook dang tro nen kem tin cay hon

Ảnh: FACEBOOK

Theo trang Wired, dữ liệu từ công ty Parse.ly, hãng công nghệ theo dõi lượt truy cập của người dùng vào hơn 2.500 trang web tin tức, cho thấy trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, hơn 40% lưu lượng truy cập vào những trang này đến từ Facebook.

Tuy nhiên cho tới cuối năm 2017, Facebook chỉ chiếm gần 26% lưu lượng truy cập của người dùng đến những trang cung cấp tin tức đó.

Facebook giảm ưu thế tin tức

Cùng với những thay đổi thuật toán mà Facebook vừa công bố, xu hướng này chắc chắn sẽ còn tiếp tục giảm.

Tại một hội nghị tổ chức hồi tháng 2 năm nay với sự tài trợ của trang Recode, Giám đốc phát triển News Feed của Facebook, ông Adam Mosseri, cho biết tin tức sẽ chỉ chiếm khoảng 4% nội dung trong bảng cấp tin, thấp hơn so với 5% trước thay đổi gần đây.

Vào một ngày trong tháng 2, dữ liệu thống kê của Parse.ly cho thấy lưu lượng người dùng truy cập đến các trang tin tức từ nền tảng Facebook đã giảm xuống chỉ còn 20%, thấp hơn mọi thời điểm khác kể từ năm 2013.

Theo Facebook, tình trạng sụt giảm đáng kể trong năm 2017 liên quan tới lưu lượng người dùng truy cập các trang tin tức từ nền tảng của họ bắt nguồn từ việc bùng nổ xu hướng sử dụng video trên bảng cấp tin sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Người phát ngôn cho mảng News Feed của Facebook, ông Tucker Bounds, cho biết người dùng thường mất thời gian xem các video nhiều hơn là lướt qua các đầu tin.

Ngoài ra, cũng theo ông Tucker Bounds, góp phần vào tình trạng sụt giảm đó còn có nguyên nhân những thay đổi thuật toán của Facebook làm giảm tình trạng câu view, tin tức giật gân, nhạy cảm và thông tin sai lạc, từ đó giảm lưu lượng người dùng trong những kết nối ngoài từ nền tảng này.

Ngoài ra, một nhân tố đáng kể khác dẫn tới sự sụt giảm của Facebook trong mảng tin tức chính là sự trỗi dậy mạnh mẽ của công nghệ Trang trên thiết bị di động được tăng tốc của Google (Google’s Accelerated Mobile Pages - AMP).

AMP là nỗ lực của Google nhằm giúp các nội dung tin tức được tải nhanh hơn trên các nền tảng di động và cũng giúp người dùng dễ tìm kiếm các nội dung này trên các trang của Google hơn.

Một lý do nữa là chính các cơ quan thông tấn đã góp phần vào việc giảm lưu lượng truy cập của người dùng từ nền tảng này. Trên thực tế, nhiều tờ báo đã không còn sẵn sàng tạo điều kiện để Facebook truy cập vào tất cả nội dung của họ nữa.

Chẳng hạn, trong giai đoạn 2015-2016, các cơ quan báo chí rất hứng khởi với tính năng Instant Articles của Facebook được thiết kế nhằm lúc tải nội dung của họ nhanh hơn.

Tuy nhiên tới năm 2017 nhiều tờ báo đã đi đến kết luận là thỏa thuận hợp tác với Facebook về tính năng này đã không mang lại lợi nhuận cho họ, từ đó cũng sản xuất ít nội dung hơn để phục vụ chương trình đó.

Facebook cũng đang rối?

Cho tới tháng 1 vừa qua, có thể thấy dường như Facebook đang khá bối rối trong việc quyết định về cách thức phát tán tin tức trên nền tảng của họ.

Chẳng hạn, một tuần sau khi tuyên bố đang thay đổi bảng cấp tin để ưu tiên hơn với các tương tác ý nghĩa giữa người dùng với bạn bè và gia đình họ, Facebook lại nói sẽ ủng hộ những nguồn tin báo chí đáng tin cậy dựa trên kết quả khát sát người dùng của họ.

Rồi một tuần sau đó Facebook lại thông báo sẽ hỗ trợ các nội dung từ báo chí địa phương.

Trong lần xuất hiện tại hội thảo do Recode tổ chức, ông Mosseri và bà Campbell Brown, người phụ trách mảng đối tác tin tức của Facebook, đã cố gắng lý giải những vấn đề còn chưa rõ ràng này.

Theo đó, những câu chuyện dài hơn, có sự đầu tư công sức tốt hơn của nhà báo, sẽ được ưu tiên trên bảng cấp hơn so với những tin tức kiểu lá cải, câu view.

Bà Brown thừa nhận ngay cả những tờ báo tiếng tăm nhất cũng tỏ ra khó chịu với cách tiếp cận của Facebook trong vấn đề quảng bá tin tức. "Chúng tôi sẽ phải minh bạch hơn với các cơ quan thông tấn".

Tuy nhiên bà cũng nói rằng Facebook sẽ chú trọng hơn về chất lượng thay vì số lượng tin tức.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast