Vợ chồng nghệ nhân “giữ lửa” trò Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

(Baohatinh.vn) - Với lòng say mê và những tình cảm đặc biệt dành cho trò Kiều, vợ chồng nghệ nhân dân gian Nguyễn Mậu (72 tuổi, thôn An Mỹ, Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng (66 tuổi) vẫn dành bao tâm huyết giữ và truyền “lửa” trò Kiều cho thế hệ con cháu.

Vợ chồng nghệ nhân “giữ lửa” trò Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

Kịch bản trò Kiều được ông Mậu nâng niu và cất giữ cẩn thận

Là giáo viên dạy Toán về hưu nhưng đến nay, niềm say mê với câu hát Kiều từ thuở cậu bé Mậu 10 tuổi vẫn vẹn nguyên trong ông. Còn đối với người dân Tiên Điền, không ai lạ gì với vợ chồng ông chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) trò Kiều Nguyễn Mậu, là người đã phục dựng, hồi sinh trò Kiều ở vùng đất này.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ với gia tài là những thùng trang phục, dụng cụ biểu diễn trò Kiều, ông Mậu nhớ lại: “Tiên Điền là cái nôi trò Kiều, những năm 1958 - 1960, trò Kiều phát triển thịnh vượng lắm. Hồi đó, tôi thường đi xem đoàn văn nghệ xã biểu diễn. Sau này, vì điều kiện đất nước chiến tranh nên không còn ai tập, trò Kiều bị mai một dần, rồi nhiều loại hình văn hóa phát triển làm cho trò Kiều càng bị lãng quên.

Khoảng năm 2000, ông Nguyễn Ban khi đó là Trưởng phòng Văn hóa huyện tới gặp vợ chồng tôi và đặt vấn đề về khôi phục trò Kiều, nhưng lúc đó, các kịch bản đã mất hết nên rất khó khăn”.

Vợ chồng nghệ nhân “giữ lửa” trò Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

Gia tài của vợ chồng ông Mậu - bà Phượng là những thùng trang phục, dụng cụ biểu diễn trò Kiều

Không thể đứng nhìn lối diễn trò đậm chất quê hương đi vào dĩ vãng, ông Mậu quyết tâm sưu tầm những câu hát Kiều còn sót lại trong ký ức của những người già và sáng tác, biên soạn thành kịch bản hoàn chỉnh.

Năm 2000, khi gánh nặng cơm áo gạo tiền để nuôi 3 người con ăn học đang đè nặng trên vai, ông bà Mậu vẫn không quản ngại khó khăn, đi khắp làng trên, xóm dưới để tìm những người trước đây đã tập trò Kiều với hi vọng còn ai nhớ được chút ít rồi gom nhặt từng câu, từng đoạn hát Kiều.

“2 vợ chồng đạp xe chở nhau đi khắp các xã, ra tận Hồng Lĩnh, về Xuân Liên, hỏi thăm người này người kia nhưng gần như không ai nhớ gì về hát Kiều. Ngay cả chị gái ông Mậu trước đây đã diễn trò Kiều rất nhiều nhưng cũng chỉ nhớ dăm ba làn điệu nên những gì tìm lại được rất ít” – bà Phượng kể.

Lần giở lại kí ức trong những lần đóng vai Thúy Vân, Thúy Kiều khi chỉ mới 15-17 tuổi, bà Phượng đã cùng chồng “song kiếm hợp bích” để hoàn thiện kịch bản. Cứ thế, chồng sưu tầm, biên soạn, vợ bổ sung rồi tập hát, tập diễn từng trích đoạn.

Vợ chồng nghệ nhân “giữ lửa” trò Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

Niềm vui của ông Mậu - bà Phượng là khi thấy thế hệ trẻ tiếp nối để phát triển trò Kiều

Vừa làm kịch bản, 2 ông bà vừa tìm người tham gia CLB. Theo bà Phượng, tìm người không dễ vì người diễn trò Kiều phải vừa có “thanh”, vừa có “sắc”, vào vai phù hợp mới được. Ví dụ như Từ Hải thì phải người to lớn, vai Hoạn Thư phải có nét đanh đá, Thúy Kiều thì vừa phải đẹp dáng lại giọng hay…

Rồi CLB Trò Kiều Tiên Điền ra đời với 16 thành viên do ông Mậu làm chủ nhiệm. Hai ông bà đều là giáo viên nên ngày đi dạy, tối về tập cùng CLB, những hôm cuối tuần, trời mưa, không lao động sản xuất thì tập cả ngày. Trong các buổi tập, ông bà hỗ trợ nhau để truyền lại từng câu hát, từng cách luyến láy cho các thành viên. Vì sợ thất lạc, mất mát kịch bản, ông Mậu còn cẩn thận sao ra nhiều bản để cất giữ.

Đến nay, CLB có 12 thành viên. Ông Mậu - bà Phượng vẫn truyền lửa về món ăn tinh thần như đã ngấm vào máu của cặp vợ chồng già này. Mỗi khi tham gia các chương trình của huyện, của tỉnh, ông bà luôn sát cánh bên các thành viên, vừa biểu diễn, vừa hướng dẫn để các vai diễn trọn vẹn hơn.

Vợ chồng nghệ nhân “giữ lửa” trò Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

Trước giờ biểu diễn, bà Phượng luôn hướng dẫn để các thành viên CLB có vai diễn trọn vẹn hơn

Bà Phượng bày tỏ: “Giờ 2 vợ chồng tuổi đã cao nhưng còn sức là sẽ còn tập cho các bạn trẻ. Hy vọng sau này thế hệ trẻ sẽ tiếp nối để đưa trò Kiều phát triển hơn. Nhờ được quần chúng mến mộ, đón nhận nên bao nhiêu năm qua, trò Kiều vẫn luôn có đất diễn và chúng tôi càng hăng say “làm trò” hơn”.

Với những đóng góp cho loại hình nghệ thuật này, năm 2016, ông Mậu được công nhận là nghệ nhân dân gian. Mới đây, bà Phượng vừa được phong tặng là nghệ nhân ưu tú. Đó cũng là nguồn động viên, khích lệ to lớn để vợ chồng nghệ nhân tiếp tục cống hiến cho loại hình nghệ thuật này.

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast