15 năm trong “mái nhà chung” Báo Nghệ Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tháng 12/1975, Quốc hội khóa V quyết nghị hợp nhất 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh, cán bộ, phóng viên (CBPV) Báo Hà Tĩnh lại khăn gói hành quân về “thành phố Đỏ” với bao nỗi trăn trở, khó khăn của những ngày đầu đầu quân cho tờ báo mới mang tên Nghệ Tĩnh.

Tuy vậy, sự sáp nhập này đã tạo thêm thế mới, lực mới cho những người làm báo xứ Nghệ. Đó là đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên đông, mạnh và đồng bộ hơn. Địa bàn Nghệ Tĩnh rộng lớn, đa dạng, phong phú, luôn chứa đựng những đề tài hấp dẫn, những yếu tố thuận lợi cho hoạt động báo chí.

15 năm trong “mái nhà chung” Báo Nghệ Tĩnh

Báo Nghệ Tĩnh xuất bản số đầu vào ngày 1/1/1976 và duy trì 2 kỳ/tuần vào thứ ba và thứ sáu

Để tờ báo bước vào hoạt động được ngay, BTV Tỉnh ủy lâm thời bổ nhiệm đồng chí Trần Văn Trạc - Tổng Biên tập (TBT) Báo Hà Tĩnh làm TBT Báo Nghệ Tĩnh; đồng chí Nguyễn Hường - TBT Báo Nghệ An làm Phó TBT phụ trách xuất bản; đồng chí Đinh Nho Liêm - Phó TBT Báo Hà Tĩnh làm Phó TBT phụ trách về tổ chức. Đồng chí Lê Xuân Thụ được BBT chỉ định làm Trưởng phòng Thư ký. Báo Nghệ Tĩnh chính thức ra đời, xuất bản 2 kỳ/tuần vào thứ ba và thứ sáu, khổ 42x56 cm.

Trụ sở của tòa soạn là khu nhà ở và làm việc của Báo Nghệ An từ nơi sơ tán chuyển về, đó là thôn Phong Toàn, xã Hưng Dũng (nay là phường Hưng Dũng, TP Vinh). Cơ ngơi rất khiêm tốn, chỉ có 3 gian nhà gỗ lợp ngói dành cho BBT làm việc, 16 gian nhà tranh vách nứa, vách đất vừa là nơi ở, vừa là chỗ làm việc của CBPV.

Vốn là con em xứ Nghệ quen đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi, khó khăn cùng nhau nên việc hợp nhất tòa báo được tiến hành nhanh, gọn, bảo đảm cho số báo Nghệ Tĩnh đầu tuần xuất bản đúng vào ngày 1/1/1976 và luôn đều kỳ cho các số báo ra sau đó.

Sau hòa bình, cả Nghệ Tĩnh như một công trường lớn, đâu đâu cũng sôi động không khí xây dựng cơ bản, làm thủy lợi, khôi phục lại các cơ sở sản xuất. CBPV của tờ Nghệ Tĩnh có mặt hầu khắp mọi nơi, phản ánh kịp thời, sinh động không khí lao động trên các công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ, công trường tiêu úng sông Nghèn, Vách Bắc, hồ Vực Mấu. Một phong trào “Đồng khởi xây dựng quê hương”, “Hai tốt”… diễn ra rầm rộ khắp các vùng quê, tràn ngập trên các trang báo.

15 năm trong “mái nhà chung” Báo Nghệ Tĩnh

Trên công trường đại thủy nông Kẻ Gỗ, Ban Biên tập cử phóng viên thường trú tại đây để đưa tin, viết bài cho báo. Trong ảnh: Mít tinh khởi công xây dựng hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: Tư liệu.

Đội ngũ phóng viên ngày càng được tăng cường về số lượng lẫn chất lượng, nhiều cây bút đã trở thành thương hiệu trong lòng người đọc. Kinh tế có Tô Quốc Bảo, Trần Nhuệ, Lê Quý Kỳ, Bá Tân, Xuân Hương…; văn xã có Duy Thảo, Thanh Phong, Phan Thế Cải, Phan Huy Thàng, Lăng Phước, Quốc Khanh; QP-AN có Khắc Hiển, Văn Hiền, Hoàng Chỉnh… Nhờ vậy, Báo Nghệ Tĩnh đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm hình thức phong phú, đổi mới từng bước, nâng số lượng phát hành từ 2.000-3.500 tờ/kỳ, lúc cao nhất lên tới 4.000 tờ/kỳ.

Năm 1982, Tòa soạn Báo Nghệ Tĩnh được tỉnh cho chuyển địa điểm về nhà C1 khu tập thể Quang Trung (cạnh Rạp chiếu bóng 12/9). Đầu năm 1983, các đồng chí Trần Văn Trạc, Nguyễn Hường được nghỉ hưu theo chế độ. BTV Tỉnh ủy đề bạt đồng chí Đinh Nho Liêm làm TBT; các đồng chí Thái Ngô Dương, Lê Xuân Thụ - nguyên ủy viên BBT làm Phó TBT. Năm 1988, báo có thêm tờ Nghệ Tĩnh chủ nhật, khổ 30x42 cm, 16 trang, phát hành vào cuối tuần do đồng chí Phan Duy Thảo (sau này là đồng chí Nguyễn Khắc Hiển) phụ trách. Sự ra đời của tờ Nghệ Tĩnh chủ nhật cùng với sự đổi mới cả nội dung lẫn hình thức, với hàng loạt phóng sự điều tra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, Nghệ Tĩnh chủ nhật đã có tiếng vang lớn, tạo hiệu ứng hoan nghênh, ủng hộ trong xã hội vào thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trương cho mở chuyên mục thường xuyên “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân.

15 năm trong “mái nhà chung” Báo Nghệ Tĩnh

Báo Nghệ Tĩnh năm 1978.

Thể theo nguyện vọng và xét thực tế đòi hỏi chính đáng của báo, ngày 11/11/1983, BTV Tỉnh ủy ra quyết định thành lập xưởng in Báo Nghệ Tĩnh. Ngày 1/5/1985, Xí nghiệp in của báo chính thức ra đời. Các đồng chí Hồ Kim Tuấn - Trưởng phòng Bạn đọc được bổ nhiệm làm Giám đốc; đồng chí Đỗ Minh Tý - nguyên Giám đốc Nhà máy In Sở Văn hóa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật và quản lý sản xuất. Từ đó, Báo Nghệ Tĩnh bảo đảm xuất bản đúng kỳ, tránh được sai sót. Hoạt động của xí nghiệp dần dần được ổn định, đi vào nền nếp, ngày một phát triển, có lãi để đầu tư vốn cho dây chuyền sản xuất giấy bìa, bao bì, góp phần nâng cao đời sống cho đơn vị.

Quán triệt nội dung đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, thứ VII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh lần thứ X, XI, báo tập trung tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 100 của Ban Bí thư “Về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa VII) về đổi mới mạnh mẽ nông nghiệp.

Xác định đây là sự chuyển đổi cơ chế quản lý, xác lập vai trò kinh tế hộ xã viên, xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp, BBT chỉ đạo PV sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, có nhiều bài điều tra công phu, giới thiệu các HTX nông nghiệp thực hiện hiệu quả Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, nêu lên được những bài học kinh nghiệm rất bổ ích.

15 năm trong “mái nhà chung” Báo Nghệ Tĩnh

Các đồng chí lãnh đạo, phóng viên Báo Nghệ Tĩnh những năm 1980. Ảnh tư liệu.

Những điển hình về vấn đề này ở các HTX Liên Thành (Yên Thành), Hưng Tiến (Hưng Nguyên), Diễn Xuân (Diễn Châu), Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), Đức Thanh (Đức Thọ); hoặc việc xác lập vai trò hộ xã viên và chuyển đổi HTX kiểu mới ở Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu), Tân Sơn (Đô Lương), Hưng Tây (Hưng Nguyên), Nam Diên (Nam Đàn), Quang Lộc (Can Lộc), Hòa Hải (Hương Khê)… được bạn đọc hoan nghênh, đón nhận. Các gương điển hình của công trường, nhà máy, xí nghiệp, HTX thủ công nghiệp chuyển đổi nhanh công tác quản lý theo cơ chế mới, vươn lên làm ăn có lãi, kinh tế hộ cá nhân chủ động bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, làm ra những sản phẩm cho xã hội, được báo nêu nhận được sự hoan nghênh của bạn đọc cũng như lãnh đạo các cấp.

Những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống người dân cả nước rất khó khăn, Nghệ Tĩnh càng khó khăn, gian khổ hơn bởi thiên tai, lũ lụt đe dọa, mất mùa thường xuyên. Để đảm bảo cuộc sống, CBPV phải về Hưng Nguyên xin HTX cho mượn đất để trồng lúa. Phòng hành chính có sáng kiến lắp thêm rơ-moóc sau xe ô tô đít vuông của tòa soạn để mùa về, tết đến, ra tận Quỳnh Lưu, Yên Thành, vào Can Lộc, Đức Thọ xin mua dăm tấn thóc, vài ba con lợn thịt theo giá nội bộ về chia cho anh em trang trải thêm mấy ngày tết.

Địa bàn hoạt động rộng, phương tiện chủ yếu là xe đạp, thu nhập thấp, cuộc sống rất khó khăn, song bù lại, CBPV từ lãnh đạo đến nhân viên đều rất yêu thương, gắn bó, quý trọng nhau. Trước hoạn nạn, rủi ro, mọi người sẵn sàng sẻ chia, cưu mang lẫn nhau. Có lẽ đó chính là sức mạnh, sự cố kết bền vững nhất giúp tòa soạn thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được Đảng bộ và Nhân dân giao phó.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh

Chủ đề 60 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast