Tránh đột quỵ khi nắng nóng

Vào hè, thời tiết thay đổi đột ngột và trở nên nắng nóng, đây là một trong những nguyên nhân khiến số người bị đột quỵ có xu hướng gia tăng.

Những ai có nguy cơ cao đột quy?

Bất kể ai đều có nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Các chuyên gia cũng lưu ý, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên, người bị mắc bệnh mạn tính như tim, phổi, thận, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, những người uống quá nhiều rượu và người không uống đủ nước... là những đối tượng dễ bị đột quỵ do nắng nóng. Người già và trẻ em dễ bị tổn thương do nhóm đối tượng này thích nghi với sự tăng nhiệt chậm hơn những người khác.

tranh dot quy khi nang nong

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không khó để nhận ra những dấu hiệu của đột quỵ. Đó là cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể, ví dụ yếu liệt tay và chân bên trái); Đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi (nói ngọng, khó nghe) hoặc bệnh nhân (BN) nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột nhức đầu dữ dội; chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn (đặc biệt đi kèm với chóng mặt).

Theo TS.BS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, khi thấy người thân có những biểu hiện như trên, gia đình cần nhanh chóng đưa BN vào cơ sở y tế gần nhất có chuyên môn sâu về điều trị đột quỵ. Đồng thời, người nhà BN cũng cần biết một số thao tác sơ cứu ban đầu cho BN. Chẳng hạn: đặt BN nằm nghỉ ngơi, tốt nhất là đặt BN nằm nghiêng sang một bên để phòng khi bệnh nhân nôn, tránh bị sặc ở phổi.

BS Tôn khuyên, không nên cho BN dùng bất cứ một loại thuốc gì vì đôi khi BN có thể sặc và gây suy hô hấp cấp. Lưu ý, không nên dùng các biện pháp dân gian để sơ cứu ban đầu cho BN như: đánh gió hoặc chích máu đầu ngón tay, ngón chân, hoặc cho sử dụng một số loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Điều quan trọng phải nhanh chóng gọi xe cấp cứu để đưa BN vào viện.

Giảm nguy cơ tái phát

Theo thống kê, tỷ lệ đột quỵ tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 100 BN sống sót sau đột quỵ, sẽ có 25 trường hợp bị tái phát sau đó. Để làm giảm mức độ tái phát đột quỵ, người bệnh cần uống thuốc đúng theo toa bác sĩ và đi tái khám đều đặn. Không ai có thể bảo đảm đột quỵ tái phát sẽ không xảy ra, nhưng khả năng tái phát có thể giảm thiểu tối đa bằng chế độ điều trị thích hợp, liên tục và lâu dài.

Có nhiều cách để có thể làm giảm nguy cơ tái phát của đột quỵ: kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và thay đổi chế độ sinh hoạt. Các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ là cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường và hút thuốc lá. Cao huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Nếu không kiểm soát tốt tình trạng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ rất cao. Kiểm soát huyết áp bao gồm chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress, và uống các thuốc thích hợp. Nếu cao huyết áp được kiểm soát tốt, sẽ làm giảm được 38% nguy cơ đột quỵ và giảm 40% nguy cơ tử vong gây ra do đột quỵ.

Nguy cơ quan trọng thứ hai sau cao huyết áp là bệnh tim. Bệnh lý tim nguy hiểm nhất liên quan đến đột quỵ là rung nhĩ. Sử dụng thuốc kháng đông lâu dài có thể làm giảm 67% nguy cơ gây ra đột quỵ tái phát của rung nhĩ. Tiếp đó là người mắc bệnh tiểu đường, khi BN có bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc đột quỵ sẽ tăng gấp 3 lần. Chế độ ăn phù hợp để tiết chế lượng đường trong máu, đồng thời sử dụng các thuốc điều chỉnh đường huyết có thể giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng của tiểu đường.

Kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu, ngưng hút thuốc lá, không sử dụng các loại thuốc ngừa thai chứa hàm lượng estrogen cao, đồng thời giảm stress, duy trì chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thường xuyên cũng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast