Truyền thống văn hóa, cách mạng - điểm tựa để Hà Tĩnh phát triển bền vững

(Baohatinh.vn) - Vùng đất Hà Tĩnh nổi tiếng bởi truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, người dân kiên cường, anh dũng, cần cù, hiếu học và giàu khả năng sáng tạo. Các thế hệ người dân Hà Tĩnh đã cùng nhau xây dựng, vun đắp, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của quê hương.

Truyền thống văn hóa, cách mạng - điểm tựa để Hà Tĩnh phát triển bền vững

Thành phố Hà Tĩnh đang dần tới đích đô thị loại II.

Thế hệ hôm nay luôn khắc sâu niềm tự hào, biết ơn đối với danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du, về Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ khí phách hiên ngang, vừa giỏi thơ văn, vừa có tài kinh bang tế thế; về một Đại danh y nhân từ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, những nhà sử học tinh thông như Sử Hy Nhan, Nguyễn Nghiễm, Phan Huy Ích; về những chí sỹ yêu nước, sẵn sàng xả thân vì dân tộc Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng; những nhà giáo dục, nghiên cứu xuất sắc Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch; những bậc hiền tài trong thế kỷ XX như: Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Phan Chánh; các Tổng Bí thư của Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập; Anh hùng Lý Tự Trọng, 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc...

Truyền thống văn hóa, cách mạng - điểm tựa để Hà Tĩnh phát triển bền vững

Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh không ngừng phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh và phát triển. Ảnh Nguyễn Thanh Hải

Phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng của quê hương, trải qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã không ngừng phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh và phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn dân, đạt kết quả toàn diện, là điểm sáng của cả nước. Hết năm 2018, toàn tỉnh đã có 139 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 61% tổng số xã). Đặc biệt, huyện Nghi Xuân vừa được công nhận là huyện NTM đầu tiên của tỉnh.

Truyền thống văn hóa, cách mạng - điểm tựa để Hà Tĩnh phát triển bền vững

Nhờ công cuộc xây dựng NTM, những diện tích đất trống đồi trọc đã mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Mạnh dạn thực hiện nhiều giải pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Tĩnh đã liên tục tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế. Đến thời điểm hiện nay, các chỉ tiêu KT-XH của năm 2018 đã hoàn thành. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh năm 2018 đạt 20,8%, thu ngân sách đạt 12.300 tỷ đồng. Hà Tĩnh luôn duy trì vị trí top 4 về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và nằm trong tốp 10 bảng xếp hạng cấp tỉnh về phát triển Chính phủ điện tử.

Đến nay, Hà Tĩnh đã thu hút được 806 dự án, trong đó có 735 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn là 106.921 tỷ đồng. Khu kinh tế Vũng Áng đã thể hiện rõ vai trò động lực, với các sản phẩm chủ lực như: Thép, điện, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương với quy mô lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Truyền thống văn hóa, cách mạng - điểm tựa để Hà Tĩnh phát triển bền vững

Sự hoạt động hiệu quả từ dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương đã tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Cùng với phát triển kinh tế, đảm bảo QPAN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Hà Tĩnh luôn quan tâm đến phát triển văn hóa, giáo dục. Trong đó, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Năm 2018, Đề án “Bảo tồn, phát huy các giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều và Mộc bản Phúc Giang” đã được HĐND tỉnh thông qua; Hoàng Hoa sứ trình đồ của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh ở Trường Lộc (Can Lộc) đã được Ủy ban Chương trình ký ức thế giới (MOWCAP) công nhận di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới. Giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng với số lượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế ngày càng nhiều.

Thế hệ trẻ Hà Tĩnh ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống cha anh, khẳng định mình trong lao động, học tập. Cùng với những tên tuổi ghi danh trên bảng vàng trong các cuộc thi của quốc tế còn có nhiều thanh niên đam mê khoa học, say mê sáng tạo, không ngừng đóng góp trên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Truyền thống văn hóa, cách mạng - điểm tựa để Hà Tĩnh phát triển bền vững

Trò Kiều - một trong những sinh hoạt dân gian độc đáo xuất phát từ sự yêu thích, niềm tự hào đối với Truyện Kiều của người dân Nghi Xuân

Hà Tĩnh xác định văn hóa là nền tảng và là động lực để đưa KT-XH tỉnh nhà phát triển bền vững, đồng thời là yếu tố quan trọng đảm bảo QPAN, xây dựng khối đoàn kết bền chặt trong các tầng lớp nhân dân.

Tỉnh đã và đang tiếp tục ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, du lịch, nhất là hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, chung sức đồng lòng, tiếp tục đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa, phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh đi vào chiều sâu; quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nhất là di sản văn hóa ca trù và dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Truyện Kiều, Mộc bản Trường Lưu, Hoàng Hoa sứ trình đồ... để Hà Tĩnh tiếp tục là đề tài, nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhà thơ, nhạc sĩ tạo nên những tác phẩm lay động hồn người.

Truyền thống văn hóa, cách mạng - điểm tựa để Hà Tĩnh phát triển bền vững

Ca trù - một trong nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy trong đời sống.

Dịp này, Hà Tĩnh vinh dự và tự hào tổ chức lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh, tưởng niệm 160 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Công Trứ. Những giá trị to lớn mà Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - một “cây thông” khảng khái, cương trực mà rất nhân ái, nhân văn; một vị quan có tài kinh bang tế thế trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự, nhà “doanh điền sứ”, “ông hoàng hát nói”, nhà thơ kiệt xuất... để lại đang tiếp tục được nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng vào thực tiễn phát triển hiện nay.

Trong ngày lễ trọng đại tưởng nhớ Nguyễn Công Trứ, quê hương của ông - huyện Nghi Xuân cũng đồng thời được công nhận huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của Hà Tĩnh. Vùng đất mang dấu ấn của bậc tiền nhân, nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế này đang được tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng thành trung tâm văn hóa - du lịch trọng điểm của tỉnh và quốc gia, trở thành một khu vực động lực trong chặng đường phát triển bền vững của Hà Tĩnh.

Kỷ niệm 240 năm ngày sinh, tưởng niệm 160 năm ngày mất của Nguyễn Công Trứ là dịp để khơi dậy niềm tự hào, biết ơn các danh nhân Hà Tĩnh, truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng của quê hương, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng đất nước, quê hương giàu đẹp, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XVIII.

Chủ đề KỶ NIỆM NGÀY SINH DANH NHÂN NGUYỄN CÔNG TRỨ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast