Nhà báo Trần Nhuệ - phong cách giản dị, tâm hồn sáng trong

(Baohatinh.vn) - Ông ra đi thật đột ngột. Căn bệnh viêm tụy cấp chưa đầy hai mươi ngày đã đưa ông về chốn vĩnh hằng với cây cỏ. Dẫu đã bước vào tuổi 73 - cái tuổi thuộc lớp người "xưa nay hiếm" - nhưng sự ra đi của nhà báo Trần Nhuệ vẫn làm đồng nghiệp, bạn bè bằng hữu vừa sửng sốt vừa ngâm ngùi tiếc nuối.

Làng Già Lam (Phú Lộc - Can Lộc) trong chiều buồn 2/11/2014 - khi nhà báo Trần Nhuệ vừa trút hơi thở cuối cùng. Ảnh: H.X

Làng Già Lam (Phú Lộc - Can Lộc) trong chiều buồn 2/11/2014 - khi nhà báo Trần Nhuệ vừa trút hơi thở cuối cùng. Ảnh: H.X

Nhà báo Trần Nhuệ sinh năm 1942, quê ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông cầm tinh "con ngựa" nhưng đồng nghiệp thường gọi đùa ông là "con trầu cày" của làng báo Hà Tĩnh. Quả thực trong bốn mươi năm thủy chung với nghề báo, Trần Nhuệ đã tỏ ra là con người dồi dào bút lực, dồi dào sức khỏe, cần mẫn như một con trâu kéo cày trên "cánh đồng" chữ.

Cuộc đời của nhà báo Trần Nhuệ là đi và viết, viết và đi, bất luận hoàn cảnh nào, ông vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ khi được tòa soạn phân công. Đối với nhà báo Trần Nhuệ, không chỉ có tôi mà đồng nghiệp hôm nay và mai sau vẫn phải học đạo đức, về kiến thức tích lũy từ thực tiễn. Tôi hiểu được bản chất của Trần Nhuệ đó là con người có lối sống giản dị, chân thành và cương trực, bản lĩnh vững vàng.

Ông là người suốt cả cuộc đời không cầu mong địa vị và danh lợi. Với bạn bè, Trần Nhuệ rất mực thủy chung, là người đánh giá nhìn nhận rất khách quan, yêu ghét rạch ròi, do vậy cả cuộc đời làm báo của ông khi tiếp xúc với cơ sở đều để lại sự cảm phục trong lòng mọi người.

Riêng tôi, khi nhắc tới nhà báo Trần Nhuệ có nhiều kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong ký ức. Dạo ấy vào tháng 8 năm 1978, tôi vừa ở đoàn 40 Quân khu 4 về nhận công tác tại Tòa soạn Báo Nghệ Tĩnh. Một buổi tối tại phòng trà của ông Trần Văn Trạc - Tổng biên tập, tôi thấy một người đàn ông da dẻ đỏ au, người khỏe như một đô vật đang kể say sưa về chuyện phát triển lợn giống ở Trại lợn Đức Long. Từ chuyện họ cho thức ăn khẩu phần mỗi con lợn mạ trong kỳ sinh nở bao nhiêu, chuyện phối giống thế nào, chuyện đàn lợn tăng trưởng ra sao cứ rành mạch như một kỹ sư chăn nuôi vậy. Tôi từ tốn hỏi ông Trạc: Anh ấy là kỹ sư ở dưới trại giống lên à? - Ông Trạc cười giới thiệu: Đây là anh Trần Nhuệ ở báo Nghệ Tĩnh nhà ta, chuyên viết về mảng nông nghiệp đó; rồi quay sang phía Trần Nhuệ bảo: Đây là chú Phan Thế Cải hay làm thơ đăng báo mình, bữa ni về cơ quan mình công tác đấy. Vốn tính chân thành và cởi mở, Trần Nhuệ nói: Nhìn chú đang quá trẻ, chắc chưa vợ con chứ gì. Vậy thì cố gắng thi mà một khóa đại học chính quy về nghề báo đi, sắp tuyển khóa ba rồi đó. Ông Trạc bảo: Lấy Phan Thế Cải về là để đi đào tạo đấy, Ban biên tập đã bàn kỹ rồi.

Anh Nhuệ cười rất thiện cảm rồi xuống xem nơi ở của tôi, khi nhìn chiếc xe đạp Thống Nhất mới cứng của tôi, anh Nhuệ nói nếu xe chưa đăng ký thì chiều mai sau khi họp công đoàn xong, anh sẽ đưa tôi đăng ký biển số xe đạp ở công an cho. Sự quan tâm rất mực cụ thể của anh đã cho tôi hiểu thế nào là tình đồng nghiệp, tình đồng chí cái thuở ban đầu "tôi như con nai vàng ngơ ngác" ấy.

Sau khi học xong khóa đào tạo chính quy tại Hà Nội, tôi trở lại Báo Nghệ Tĩnh công tác và được sống cùng anh suốt 15 năm tại thành phố Vinh. Đó là giai đoạn kinh tế cả nước nhiều khó khăn, tỉnh Nghệ Tĩnh lại thiếu lương thực nghiêm trọng nên đời sống nhà văn, nhà báo, giáo viên rất gieo neo vất vả. Đối với nhà báo Trần Nhuệ - vợ làm nông nghiệp - phải đảm đương gánh vác 6 đứa con: Thiện, Vinh, Sinh, Tân, Hùng, Hào đang tuổi ăn, tuổi học quả là quá sức. Vậy mà, cả 6 đứa con anh đều được nuôi dạy chu đáo, nhất là kỷ cương gia giáo, truyền thống gia đình, dòng họ.

Có lần tôi hỏi: "Tại sao hồi nớ khổ rứa mà anh chèo chống được", anh bật mí rằng: "Mình vừa đi cơ sở viết bài, vừa dành thời gian giúp đỡ gia đình. Mình phải cày ruộng thật sự mới ra gạo, ra khoai được, rồi phải biết nuôi lợn nái. Bán lợn nái nuôi thêm bò, làm đủ mọi cách để nuôi mấy đứa ăn học.

Rồi anh kể nhờ bạn bè thương nên giúp bán giá bao cấp cho anh lúc vài yến cám, khi dăm yến khô dầu, vài con lợn giống; nhờ đó, vợ chồng bắt đầu gây dựng lên. Nhắc đến chuyện này, nhà thơ Duy Thảo kể chuyện vui về bạn mình nhưng trong chuyện vui đựng đầy nước mắt.

Nhà báo lăn lộn trong đời sống bao nhiêu thì lăn lộn trong nghề bấy nhiêu. Điều dễ thấy ở Trần Nhuệ là người khi làm việc bao giờ cũng nghe và ghi chép rất cẩn thận. Câu hỏi đặt ra đều có một chủ đề, điều gì chưa rõ ông lựa lời để họ giải thích cho mình hiểu. Có lần ngay tại bữa ăn, qua tâm sự của ông với chủ tịch huyện mà giúp tôi phát hiện thêm đề tài phóng sự mới. Trần Nhuệ là một người có tố chất về các bộ môn khoa học tự nhiên nên tất cả các bài viết của Trần Nhuệ đều là tư duy lô gich, lời lẽ bài viết không bay bướm nhưng những thông số mà ông đưa ra đều chính xác, sát thực. Văn tự ông cũng không bao giờ dài dòng, mà đi thẳng những vấn đề mình định nói.

Tôi nhớ hồi ở Báo Nghệ Tĩnh, ông Trần Nhuệ đã tranh luận gay gắt với ông Quốc Bảo về một số quan điểm. Khi Quốc Bảo làm thư ký tòa soạn lại để "lọt lưới" một số tin bài bạn đọc gửi nội dung phản ánh không đúng với tình hình làm sản xuất vụ đông ở cơ sở. Khi tái lập tỉnh Hà Tĩnh, trở về Báo Hà Tĩnh, tôi có dịp được gần gũi ông hơn. Đi với ông, tôi càng phục thêm ông ở đức khiêm tốn, và giản dị. Ông chẳng câu nệ gì về nghi thức xã giao của họ. Có lẽ vì thế mà trong mỗi chuyến đi ông không bao giờ thất bại.

Gần ba thập kỷ nhưng những bài viết của ông như "Yên Thành từ đất một vụ chuyển sang ba vụ" hay "Sơn Tây cây lạc lên đồi" cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị kinh nghiệm. Những bài báo này không chỉ lãnh đạo khen ông là người biết phát hiện vấn đề mà cơ sở cũng biết ơn ông đã giúp họ một tiếng nói hay.

Không chỉ đi nhiều, Trần Nhuệ còn là người đọc nhiều. Ông nhạy cảm thông tin vấn đề chính trị - xã hội trong nước, quốc tế. Đặc biệt, ông có một trí nhớ khá mẫn tiệp, những vấn đề gì có ích cho nghề nghiệp ông luôn chú trọng. Đối với Trần Nhuệ, khi đã hứa với ai và giúp ai việc gì thì ông không bao giờ quên và bỏ cuộc.

Bây giờ, ông trở về nằm yên trong mảnh đất mà ông sinh thành. Mảnh đất ấy có những cánh đồng lúa chín vàng bông, có hương thơm mùa gặt, có tình quê chan chứa, chắc ông chẳng bao giờ hiu quạnh, cô đơn.

Nhà báo Trần Nhuệ vẫn sống mãi với bạn bè và đồng nghiệp về phẩm chất đạo đức và lòng say mê nhiệt huyết.

Đêm 2/11/2014

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast