Hà Nội - Ngôi Sao mai rạng rỡ

Bất chợt sáng nay giữa muôn phần rét mướt, tiếng em thơ cất lên bài hát Quốc ca trong buổi chào cờ khiến lòng tôi mênh mang nỗi nhớ Hà Nội. Trái tim hồng của Tổ quốc mẹ hiền qua bao cuộc chiến chinh luôn là ngôi sao mai rạng rỡ trên bầu trời nước Việt và cả trong trái tim những người dân yêu nước...

Nơi ấy như nhà văn Thạch Lam từng viết: “… có một sức quyến rũ đối với những người ở nơi khác... Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mờ của Hà Nội chiếu lên nền mây…”. Nơi ấy, trầm tích nền văn hiến quốc gia cũng là nơi ghi dấu thiên anh hùng ca vĩ đại của lịch sử dân tộc. Và trong những ngày lịch sử nhắc nhớ về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không này, Hà Nội lại trở về thật thiêng liêng trong mỗi lồng ngực nhỏ. Để trong khúc Tiến quân ca sáng nay có tiếng đoàn quân trùng trùng ra trận, có niềm tự hào về Tổ quốc gian lao mà anh dũng, có Hà Nội đau thương mà rất đỗi oai hùng…

NSND Lan Hương trong vai "Em bé Hà Nội" - Ngọc Hà năm 1973

NSND Lan Hương trong vai "Em bé Hà Nội" - Ngọc Hà năm 1973

Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không như nhát đòn cuối cùng giáng xuống sự ngoan cố, tàn ác của giặc Mỹ. Để đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù, Hà Nội đã phải gồng mình gánh chịu muôn nỗi đau thương mất mát. Một trong những cách kể lại lịch sử - bộ phim “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh được đánh giá là đã tái hiện lại thành công nhất, xúc động nhất hình ảnh thủ đô Hà Nội sau cuộc chiến 12 ngày đêm ác liệt. Thông qua câu chuyện của em bé Ngọc Hà, một Hà Nội đổ nát, hoang tàn và đau thương đã hiện lên rõ rệt. Câu nói mà Ngọc Hà nói với cô nhân viên mậu dịch: “Cô đừng gạch tên mẹ cháu, em cháu” và những diễn biến trong cảnh phim ấy đã khắc họa chân thực nỗi đau ly tán và sự đồng cảm của những ai sống ở Hà Nội những ngày đó. Trong hoạn nạn, con người như xích lại gần nhau hơn, nỗi đau riêng hóa thành nỗi đau chung và mỗi người đều biết tự nén lòng mình lại để biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu với quân thù. Ngay cả một em bé như Ngọc Hà cũng nhận thức rất rõ điều đó. Một lần nữa phẩm chất đoàn kết, yêu nước, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, anh hùng của quân và dân ta lại tỏa sáng để bảo vệ trái tim hồng thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhớ lại những tháng ngày ấy, NSND Lan Hương trong lần về thăm Hà Tĩnh mới đây cho biết: “Tháng 12/1972, khi Mỹ đưa B52 ném bom Hà Nội tôi mới 9 tuổi đầu, sống cùng ông bà ngoại ở phố Hoàng Hoa Thám. Tôi còn nhớ đêm đầu tiên Mỹ ném bom, rất bất ngờ, cả nhà tôi chỉ kịp nhìn thấy mưa bom, chớp giật ầm ầm, sau đó là tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng gào vang lên từ khắp các phố. Gia đình tôi cuống cuồng lao ra hầm trú ẩn cá nhân. Gia đình bà ngoại tôi có 9 người con, chết mất 7 người, chỉ còn lại mẹ tôi và một người bác. Ông bà ngoại tôi quyết tâm, gia đình đi đâu cũng phải có nhau, nếu chết cùng chết. Sáng sớm hôm sau cả nhà tôi sơ tán về Bình Đà, ngay sát gần Hà Nội. Ngày ấy tôi còn nhỏ nên những gì gieo vào trí nhớ thì còn đậm sâu mãi. Thành phố hoang tàn, đổ nát, khắp mọi nẻo đường tôi đi đều có tiếng khóc than, điều đó gieo vào tôi nỗi sợ hãi rất lớn. Có lẽ vì thế mà năm 1973, khi chú Hải Ninh giao vai Ngọc Hà, tôi đã diễn thành công như thế”.

“Em bé Hà Nội” năm nào giờ đã là nghệ sỹ nhân dân, là Phó Giams đốc Nhà hát Tuổi trẻ Viêt Nam và với chị vai diễn Ngọc Hà luôn là một nén hương thắp cho Hà Nội những năm tháng ác liệt nhất.

Bom đạn giặc Mỹ có thể phá nát Hà Nội nhưng tấm lòng kiên trung, ý chí chiến đấu của quân dân ta thì không gì có thể lung lạc được. Từ trong 12 ngày đêm chiến đâu ngoan cường, Tổ quốc lại ghi danh thêm những anh hùng thời đại. Và thủ đô yêu dấu cũng ôm trọn vào lòng mình những người con trung hiếu đã ngã xuống cho đất nước đứng lên.

Chiến tranh kết thúc, những “em bé Hà Nội” lại cắp sách đến trường để dựng xây lại thủ đô. Hà Nội 40 năm sau ngày bị B52 rải thảm đã hồi sinh trở lại với những sắc màu tươi mới. Một Thăng Long anh hùng và hào hoa lại ghi dấu trong những thành tự về văn hóa, kinh tế… Dấu tích của bom cày đạn xới năm xưa giờ còn lại không nhiều nhưng ký ức người Hà Nội về năm tháng ấy vẫn chưa hề mờ phai. Trong ngày tháng lịch sử này, đài tưởng niệm Khâm Thiên đón nhiều hơn những lượt người đến thắp hương tưởng niệm đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh trong loạt bom ác nghiệt năm xưa. Và tôi biết, ở những phương trời xa, muôn người dân nước Việt cũng hướng lòng mình về phía ấy lắng nghe thiên anh hùng ca của đất nước để khắc đậm hơn lòng tự hào về một thủ đô muôn đời rạng rỡ như ánh sao mai…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast