Doanh nghiệp vất vả "giữ chân" lao động!

(Baohatinh.vn) - Lâu nay, ở tỉnh ta vẫn xẩy ra tình trạng lao động loay hoay tìm việc, nhiều công nhân bị thất nghiệp do doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh (SXKD) không hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó cũng có những DN không tuyển được lao động, không giữ chân được công nhân khi họ đã vào làm việc. Điều này đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của DN.

Gian nan vấn đề lao động - việc làm (bài 1):

Doanh nghiệp cần người

Những ngày cuối năm 2015, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh có gần 400 công nhân làm việc ổn định và con số này có thể tăng thêm vài trăm lao động thời vụ nếu có đơn hàng. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tết cổ truyền, chỉ có 130 người trở lại làm việc. Để duy trì hoạt động, lãnh đạo DN phải chạy đôn, chạy đáo để tuyển dụng, tìm mọi biện pháp mời gọi công nhân trở lại. Việc công nhân nghỉ việc hàng loạt sau kỳ nghỉ tết, nghỉ lễ dài ngày là điều lãnh đạo DN đã tiên liệu và mang tính chu kỳ nhưng các biện pháp khắc phục cả về trước mắt lẫn lâu dài đều chưa phát huy hiệu quả.

Để đảm bảo sản xuất, sau mỗi dịp lễ tết, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh có nhiều chính sách thu hút và “giữ chân” công nhân.

Để đảm bảo sản xuất, sau mỗi dịp lễ tết, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh có nhiều chính sách thu hút và “giữ chân” công nhân.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để thu hút công nhân, công ty có chính sách hỗ trợ (ngoài lương) mỗi người 50.000 đồng/ngày đối với những người sớm trở lại nhà máy. Ngoài ra, dù còn nhiều khó khăn nhưng với mong muốn công nhân gắn bó lâu dài nên công ty đã có chính sách thể hiện sự quan tâm đến người lao động. Theo đó, đơn vị đã nâng mức thu nhập lên 4,2 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ tiền ăn, bố trí nơi ăn, chốn nghỉ tập trung, điều chỉnh giờ làm đối với những chị em đã có gia đình, các chế độ theo quy định đều được hưởng đầy đủ, kịp thời. Lãnh đạo DN cũng đã chủ động tìm kiếm đơn hàng để tạo việc làm thường xuyên và nâng cao thu nhập cho công nhân...

Ông Kiều Đức Phúc - Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết: “Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là những lao động có tay nghề không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả SXKD, tác động đến chiến lược phát triển lâu dài của công ty mà còn gây tốn kém chi phí. Chỉ tính riêng năm 2015, ngoài các nguồn hỗ trợ khác, chúng tôi đã phải bỏ ra hơn 568 triệu đồng để thực hiện công tác đào tạo tay nghề cho 498 công nhân mới tuyển dụng nhưng chỉ sau 1 năm lại bị thiếu hụt”.

Công nhân thiếu việc

Cùng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, trong khi Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh đang thừa việc, thiếu nhân công thì ở Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Đò Điệm, có sẵn nhân công, trang thiết bị máy móc nhưng không có việc làm. Đã mấy năm nay, DN này không ký được đơn hàng ngoài nước nên chỉ loay hoay với các đơn hàng nhỏ lẻ, cung cấp các sản phẩm chế biến từ tôm, cá cho một số nhà hàng, khách sạn, trường học trên địa bàn. Sản xuất cầm chừng, thậm chí là èo ượt khiến công nhân luôn “đói” việc, phải tản mát, “tự thân vận động”...

Do không có việc làm, công nhân tản mát nên cổng vào khu vực sản xuất của Công ty CP XNK thủy sảnS Đò Điệm luôn đìu hiu. Nơi niêm yết danh sách chấm công và các thông báo sản xuất bị gỡ bỏ dần

Do không có việc làm, công nhân tản mát nên cổng vào khu vực sản xuất của Công ty CP XNK thủy sảnS Đò Điệm luôn đìu hiu. Nơi niêm yết danh sách chấm công và các thông báo sản xuất bị gỡ bỏ dần

Theo phản ánh của một số người trong cuộc, vài ba năm gần đây, công việc của họ rất phập phù, được chăng hay chớ nên thu nhập hàng tháng chỉ mới tiệm cận với mức lương tối thiểu vùng (tương đương 1,9-2,4 triệu đồng/người/tháng). Điều này đã khiến họ vừa phải làm công nhân, vừa làm nông dân, vừa buôn bán nhỏ lẻ hay tham gia thu mua thủy, hải sản nguyên liệu. Khan hiếm đơn hàng, công nhân thiếu việc cũng đã dẫn đến 50-70% dây chuyền sản xuất phải “đắp chiếu”, doanh thu chỉ bằng ¼ so với trước đây, lợi nhuận không có và nếu tình hình không sớm được cải thiện thì nguy cơ phá sản dần hiện hữu...

Câu chuyện về lao động, việc làm cũng đang xẩy ra ở lĩnh vực may mặc, xây dựng cơ bản và một số ngành nghề khác. Tuy đây là điều không mới nhưng cả người lao động lẫn chủ sử dụng lao động đều chưa tìm ra hướng khắc phục tối ưu. Nên chăng, ngoài việc tái cấu trúc DN, có định hướng phát triển lâu dài thì đã đến lúc chúng ta phải quan tâm hơn đến vấn đề xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các cơ sở sản xuất?

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast