Hà Tĩnh mạnh tay xử lý vi phạm để nghề cá phát triển bền vững

(Baohatinh.vn) - Nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây chính là “cơ hội” để Hà Tĩnh xây dựng nghề cá theo hướng có trách nhiệm, bền vững.

Mạnh tay xử lý

Hà Tĩnh có 137 km bờ biển với vùng biển rộng lớn nên việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản còn nhiều khó khăn, bộc lộ những hạn chế nhất định. Có nhiều nguyên nhân, trước hết là lực lượng và phương tiện quản lý tàu cá còn hạn chế, năng lực tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên biển còn yếu, không được tổ chức thường xuyên. Trong khi đó, ý thức, nhận thức của ngư dân về việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) còn hạn chế.

Hà Tĩnh mạnh tay xử lý vi phạm để nghề cá phát triển bền vững

Lực lượng chức năng tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển.

Ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Tháo gỡ “thẻ vàng” được Hà Tĩnh xem là nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Bởi vậy, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trên tinh thần quyết liệt, mạnh tay xử lý, quản lý chặt chẽ. Năm 2019, lực lượng chức năng đã tổ chức 15 cuộc tuần tra, kiểm soát trên biển, trên sông với hơn 130 tàu cá; phát hiện và xử lý 35 trường hợp vi phạm, trong đó xử phạt 13 tàu giã cào, tịch thu 2 bộ lưới giã cào, 10 bộ kích điện, phạt tiền hơn 150 triệu đồng”.

Hà Tĩnh mạnh tay xử lý vi phạm để nghề cá phát triển bền vững

Chi cục Thủy sản tổ chức tuyên truyền, hướng dân ngư dân đánh bắt hải sản hợp pháp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, công tác tuyên truyền về các quy định khai thác thủy sản, hành vi khai thác bất hợp pháp được đẩy mạnh. Chi cục Thủy sản đã đến tận nơi, phát tận tay bà con ngư dân hơn 10.000 tờ rơi và xây dựng pano tuyên truyền tại các cảng cá, bến cá... Ông Nguyễn Văn Mạnh - Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá xã Xuân Yên (Nghi Xuân) cho biết: “Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho ngư dân ký cam kết nên tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp ở địa phương giảm hẳn. Từ đó, nguồn lợi hải sản dồi dào, sản lượng tăng lên, bà con ngư dân phấn khởi”.

Quản lý chặt chẽ

Trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, tháng 5/2018, Hà Tĩnh đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim (Lộc Hà). Từ đó đến nay, “lỗ hổng” kiểm soát tàu thuyền xuất, cập cảng từng bước được khắc phục.

Hà Tĩnh mạnh tay xử lý vi phạm để nghề cá phát triển bền vững

Cán bộ Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá hướng dẫn ngư dân khai báo sản lượng hải sản sau khi cập cảng Cửa Sót...

Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc BQL Các cảng cá Hà Tĩnh, Trưởng Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh cho hay: Việc thành lập văn phòng đại diện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quản lý, giám sát các tàu cá. Để quản lý, truy xuất nguồn gốc, tất cả các chủ tàu thuyền cập cảng Cửa Sót đều phải khai báo sản lượng các loại hải sản đánh bắt được. Đồng thời, phải xuất trình được đầy đủ hồ sơ theo quy định, đăng ký nghề khai thác trước khi rời cảng.

Hà Tĩnh mạnh tay xử lý vi phạm để nghề cá phát triển bền vững

Phát hiện và xử lý các tàu cá vi phạm theo quy định của IUU.

Trong năm 2019, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đã kiểm soát hơn 16.000 lượt tàu cá ra vào các cảng cá, kiểm soát đối với 9.689 tấn hải sản các loại, qua đó phát hiện 41 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 100 triệu đồng (áp dụng biện pháp không cho xuất cảng đối với 5 tàu cá không đủ điều kiện, cảnh cáo 30 trường hợp). Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá cũng được triển khai quyết liệt. Đến thời điểm này, 11/14 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đã tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Hà Tĩnh mạnh tay xử lý vi phạm để nghề cá phát triển bền vững

Khắc phục “thẻ vàng” là cơ hội để Hà Tĩnh phát triển nghề cá bền vững.

Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và ý thức cao của bà con ngư dân, Hà Tĩnh đang vượt qua sóng cả để góp phần cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản Việt Nam. Quan trọng hơn, từng bước đưa nghề cá ở Hà Tĩnh phát triển theo hướng có trách nhiệm, bền vững”.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast