Ngành giao thông Hà Tĩnh nhanh chóng khắc phục hậu quả trên các tuyến đường

Giao thông Hà Tĩnh là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua với hàng chục ngàn khối đất, nhựa, bê tông bị xói lở; nhiều cầu, cống bị hư hỏng. Tuy vậy, ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên các tuyến đường.

Ông Trần Phi Được, Giám đốc Công ty CP Quản lý & Xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh cho biết: Hầu hết các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh đều bị thiệt hại nặng nề như: quốc lộ 15A, quốc lộ 8B; các tuyến tỉnh lộ 1,2, 3, 5, 9, 17, 19/5, 22/12 và đường 22. Ngoài ra, nhiều cầu cống, ngầm tràn trên các tuyến đường cũng bị hư hỏng, gây mất an toàn cho việc lưu thông. Trước tình hình trên, ngay sau khi nước lũ rút, đơn vị cùng các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá thiệt hại để triển khai phương án khắc phục.

Công nhân Công ty CP Quản lý & Xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh kịp thời khắc phục hư hỏng trên tuyến Tỉnh lộ 5
Công nhân Công ty CP Quản lý & Xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh kịp thời khắc phục hư hỏng trên tuyến Tỉnh lộ 5

Do khối lượng khắc phục sữa chữa rất lớn nên đơn vị đã chia làm 2 bước: chỉ đạo các đội thi công, hạt quản lý giao thông trên các địa bàn khẩn trương nạo vét bùn trên mặt đường, rãnh thoát nước và dắm vá những đoạn bị bong tróc, xói lở mặt đường và 2 bên nền, lề đường; xử lý các công trình bị hư hỏng tiểm ẩn nhưng chưa đến mức độ nguy hiểm và đang có khả năng thông xe. Theo đó, bước 1 dự kiến khối lượng đất phải đào đắp tu bổ nền, lề đường là 21.194m3 , nạo vét bùn đất, trên mặt đường, rãnh dọc là 15.745m3 , tương ứng với kinh phí gần 800 triệu đồng. Nghiêm trọng nhất là tỉnh lộ 5 từ Đức Hoà (Đức Thọ) lên đến Đức Lạng (Vũ Quang). Toàn bộ tuyến đường này đều bị lũ tàn phá nặng nề, mặt đường láng nhựa bị cuốn trôi nhiều đoạn gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, đặc biệt là tại 3 đoạn từ km 12+720- km 14+ 00; km 14+600- km 14+950; km 14+270- km 14+283. Tương tự tuyến quốc lộ 15A từ thành phố Hà Tĩnh đến Phúc Đồng (Hương Khê) cũng bị thiệt hại nặng, nhiều đoạn trên tuyến này bị nước lũ cuốn trôi.

QL15A vốn đã xuống cấp nghiêm trọng càng tệ hại hơn sau trận lũ vừa qua
QL15A vốn đã xuống cấp nghiêm trọng càng tệ hại hơn sau trận lũ vừa qua

Công ty CP Quản lý & Xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh dự kiến, khoảng 20 ngày nữa thì khối lượng công việc của bước 1 sẽ được hoàn tất. Đối với bước 2, tuy chưa nằm trong tình trạng báo động khẩn cấp, vẫn có thể lưu thông trong một thời gian nhất định nhưng đơn vị cũng đã có kế hoạch lập dự toán chi tiết, khối lượng, biện pháp khắc phục sữa chữa trình lên Sở GTVT Hà Tĩnh thẩm định để triển khai công tác ngay sau khi bước 1 hoàn thành.

Cũng theo ông Được, để khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua gây ra cần khoảng 18 tỷ đồng. Do đó, với nguồn kinh phí ít ỏi mà đơn vị được cấp theo kế hoạch duy tu, sửa chữa hàng năm thì không thể đáp ứng được.

Trao đổi với chúng tôi, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh - Nguyễn Trân cho biết: Ngay sau khi nước lũ rút, ngành đã chỉ đạo đơn vị quản lý tập trung khắc phục hậu quả trước mắt như: dọn bùn, đất bị bồi lấp, sạt lở trên mặt đường, đồng thời khắc phục ngay những đoạn hư hỏng nặng nhằm bảo đảm giao thông thông suốt. Trước mắt, ngành giao thông trích nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên để khắc phục những điểm hư hỏng nặng, đồng thời vận động đơn vị quản lý vay vốn để tập trung khắc phục, sửa chữa nốt những điểm hư hỏng còn lại nhằm duy trì giao thông từ nay cho đến cuối năm.

Thời gian tới, ngành giao thông tập trung thống kê, khảo sát những thiệt hại để tìm ra phương án giải quyết, đồng thời tham mưu cho tỉnh, Cục đường bộ hỗ trợ kinh phí trong thời gian sớm nhất.

Ông Trân cho hay, đợt lũ vừa qua làm 2 tuyến đường bị ngập sâu và chia cắt hoàn toàn đó là QL15A và TL5. Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng tuyến đường vượt lũ từ thành phố Hà Tĩnh đi Hương Khê để tránh lũ; đối với TL 5, cần có phương án cho nâng cấp đoạn Đức Lạc (Đức Thọ) lên Đức Bồng (Vũ Quang), đồng thời cho thay thế cầu treo chợ Bôộng vì đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện qua cầu.

Theo báo cáo của đơn vị quản lý duy tu, sửa chữa, hiện nay, các công trình giao thông bị hư hỏng do trận lũ vừa qua trên địa bàn toàn tỉnh đã được khắc phục kịp thời, đảm bảo lưu thông an toàn. Để phát huy tốt hiệu quả của các công trình, ngoài việc tuần tra, kiểm tra thường xuyên của đơn vị quản lý, các địa phương có công trình đi qua cần quan tâm nhằm phát hiện kịp thời những sự cố có thể xẩy ra, như: sụt lún, sạt lở nền, mặt đường và các cầu cống, ngầm tràn... Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với ngành chức năng xử lý kịp thời, đảm bảo độ an toàn cao nhất cho người và phương tiện lưu thông trong mùa mưa lũ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast