Các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bão số 6

Trước dự báo bão số 6 có thể đổ bộ vào Bắc Trung bộ, các đơn vị, địa phương ở Hà Tĩnh đã triển khai các biện pháp chủ động phòng chống.

* Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng; công an các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các phương án phòng chống nhằm đối phó kịp thời khi có sự cố xẩy ra, không để đột xuất, bất ngờ.

Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp có phương án đối phó với bão số 6
Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp có phương án đối phó với bão số 6

Văn phòng công an tỉnh, đội cơ yếu Công an các huyện, thành phố, thị xã phải đảm bảo thông tin liên lạc; 100% quân số phải ứng trực 24/24h. Cán bộ, chiến sĩ cần tăng cường về cơ sở, ở những địa bàn xung yếu, trọng điểm làm tốt công tác ANTT, đảm bảo ATGT, bảo vệ an toàn Trại tạm giam, nhà tạm giữ, chuẩn bị vật tự phương tiện, tham gia phòng chống bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đối với các địa bàn ven biển như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, cần phối hợp với lực lượng chức năng như: Bộ đội, Biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; đặc biệt nghiêm cấm mọi hoạt động trên biển. Đối với những vùng xung yếu, vùng sơ tán, nơi neo đậu tàu thuyền… lực lượng Công an huyện phối hợp với Công an các xã làm tốt công tác ANTT, bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng của người dân. ở các huyện miền núi, có nhiều sông, suối như: Hương sơn, Hương khê, Vũ quang, Đức Thọ, Thị xã Hồng Lĩnh dễ xẩy ra lũ quét, sạt lở đất…

Cán bộ, chiến sĩ ngành công an tỉnh giúp dân thu hoạch lúa hè thu
Cán bộ, chiến sĩ ngành công an tỉnh giúp dân thu hoạch lúa hè thu

Công an các đơn vị nắm chắc tình hình tham mưu kịp thời cho cấp ủy chính quyền các cấp có phương án đối phó, đồng thời di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chuẩn bị mọi lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để ứng cứu kịp thời khi có mưa, lũ, sạt lở gây chia cắt.

Hiện nay, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở ứng trực thường xuyên, bố trí trên 50 chục chiếc xuồng máy, trên 1.500 áo phao và một số vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm khác sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

* Huyện Cẩm Xuyên vừa tổ chức cuộc họp đột xuất triển khai các biện pháp phòng chống bão số 6 với sự tham dự của Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Trần Nam Hồng.

Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn của huyện Cẩm Xuyên yêu cầu các xã Cẩm Vịnh, Cẩm Thành triển khai lực lượng thu hoạch hết lúa hè thu trong ngày 4/9, đồng thời phải có phương án phơi sấy kịp thời hạn chế tối đa tình trạng lúa ẩm mốc.

Các địa phương kiểm tra lại lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ, tiến hành chặt tỉa cây cối, neo chằng nhà cửa nhất là nhà của những hộ dân nghèo. Cùng đó, huyện Cẩm Xuyên sẵn sàng di dời 254 hộ dân với 947 người ở vùng cửa sông, cửa biển khi có bão cấp 8, cấp 9.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị Ban Chỉ huy PCBL huyện Cẩm Xuyên phải triển khai đầy đủ, chi tiết các phương án phòng chống bão số 6 đến tận cơ sở, tận từng người dân nhằm nâng cao ý thức phòng chống của từng đơn vị, từng người; nắm chắc số lượng tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu đúng nơi an toàn, nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền ra khơi; kiểm tra hệ thống đê điều, triển khai phương châm “4 tại chỗ” để có phương án đối phó với tình hình xấu.

* Huyện Đức Thọ tiếp tục tăng cường về cơ sở chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối phó với cơn bão số 6.

Đến thời điểm này, toàn huyện Đức Thọ đã thu hoạch được 98% diện tích lúa hè thu. Số diện tích lúa hè thu còn lại huyện Đức Thọ tập trung chỉ đạo các địa phương thu hoạch gọn trước ngày 5/10.

Ngay sáng nay (4/10), Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thiều Đình Duy cùng các đ/c lãnh đạo huyện Đức Thọ đã trực tiếp kiểm tra cụ thể phương án "4 tại chỗ" ở các địa phương. Hiện, huyện Đức Thọ đã chuẩn bị 35 xe ô tô, 8 máy đào, máy ủi, 43 thuyền, xuồng máy, 2.600 cây tre, 100.000 bao tải, hoàn chỉnh lực lượng tuần tra, xung kích sẵn sàng xử lý các tình huống mưa, bão lũ xẩy ra… Đặc biệt đối với công trình đê La Giang, cống Bùi Xá, 4 xã vùng thượng đức, 7 xã ngoài đê và 6 xã ven đê huyện Đức Thọ triển khai cụ thể công tác ứng cứu khi cần thiết, phương án sơ tán dân và tài sản khi nước lũ lên báo động 1; tăng cường lực lượng tuần tra bảo vệ các công trình trọng điểm đê, kè, hồ đập; triển khai các phương án xả lũ khi cần thiết.

Qua kiểm tra công tác PCLB ở huyện Đức Thọ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thiều Đình Duy yêu cầu huyện Đức Thọ cần tập trung chuẩn bị, thực hiện tốt phương án "4 tại chỗ"; tăng cường công tác tuyên truyền đến tận mọi người dân các địa phương, tuyệt đối không được chủ quan lơ là nhằm đảm bảo và giảm thiểu thiệt hại về tài sản đặc biệt là tính mạng của người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast