Những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền trên biển

(Baohatinh.vn) - Mặc dù nghề đánh bắt trên biển mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều ngư dân Hà Tĩnh, song cũng tiềm ẩn rủi ro… Bởi vậy, việc hình thành các tổ đội sản xuất trên biển là yếu tố quan trọng để ngư dân hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế biển.

Những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền trên biển

Việc liên kết, hỗ trợ nhau trên biển đã giúp tàu cá của gia đình anh Nguyễn Xuân Long (thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Là một huyện ven biển với 12 km đường bờ biển và hệ thống sông phân bổ khá đều, Lộc Hà đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 506 ha, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng bình quân hằng năm đạt trên 6.000 tấn, giá trị bình quân trên 30 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Hà Hoàng Xuân Ty, những năm qua, hội đã tăng cường vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân thành lập các mô hình HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt, chế biến và cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong hơn 5 năm qua, toàn huyện đã thành lập mới 6 HTX, 15 tổ hợp tác. Nhìn chung, các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản, bảo hộ an toàn lao động và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên biển.

Những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền trên biển

Mỗi lần đánh bắt, khi một thuyền phát hiện luồng cá thì phát tín hiệu để các thuyền khác tổ chức khai thác, việc này vừa tiết kiệm thời gian, năng suất đánh bắt cũng cao hơn trước đây

Ông Nguyễn Xuân Long - Tổ trưởng Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản thôn Long Hải, xã Thạch Kim cho hay: "Từ khi có tổ hợp tác, chúng tôi đã tập hợp nhau lại, đoàn kết không chỉ trong tổ mà còn liên kết với các tổ khác phối hợp đánh bắt, giúp đỡ nhau trên biển.

Mỗi lần đánh bắt, khi một thuyền phát hiện luồng cá thì phát tín hiệu để các thuyền khác tổ chức khai thác, việc này vừa tiết kiệm thời gian, năng suất đánh bắt cũng cao hơn trước đây. Bên cạnh đó, việc lênh đênh trên biển hàng ngày, hàng tháng khó có thể tránh khỏi rủi ro, bất trắc như thuyền hỏng, gặp bãi rạn san hô, thiên tai… Khi đó, chúng tôi kêu gọi các thuyền khác trong tổ đến ứng cứu, kéo ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhờ tổ đội hỗ trợ nhau, sản lượng đánh bắt cá tăng lên, riêng tổng thu nhập của thuyền chúng tôi hiện nay mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng, cao hơn so với trước đây".

Việc liên kết trong đánh bắt thủy sản còn giúp các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi thông tin về ngư trường, thị trường tiêu thụ, kịp thời khai thác các luồng cá tập trung; đặc biệt, một số tổ đã bắt đầu hình thành việc phân công tàu thuyền chuyên làm công tác hậu cần, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm…

Những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền trên biển

Tham gia nghiệp đoàn nghề cá, những chuyến ra khơi của ông Phạm Minh Tịnh ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Đặc biệt, năm 2015, nghiệp đoàn nghề cá ra đời và đi vào hoạt động đã góp phần đáp ứng nguyện vọng của ngư dân về đầu tư phương tiện khai thác thủy hải sản hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày, mở rộng ngư trường, phát triển các cơ sở chế biến và kinh doanh cũng như tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho ngư dân.

Ông Phạm Minh Tịnh (thôn Giang Hà, xã Thạch Kim) - thành viên nghiệp đoàn nghề cá, chia sẻ, từ khi có nghiệp đoàn, những chuyến ra khơi của ngư dân ngày càng hiệu quả hơn. Các tàu cá mạnh dạn vươn ra những ngư trường lớn, đánh bắt xa bờ, sản lượng tăng lên qua các năm. Trung bình một chuyến biển kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, thu về hàng trăm triệu đồng.

Sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển xa bờ chính là những “cột mốc sống” góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast