Làng vạn dưới chân cầu Thọ Tường

Không đông đúc như làng nghề cào hến xã Trường Sơn, làng vạn chài dưới chân cầu Thọ Tường thuộc khối 7 - thị trấn Đức Thọ từ bao đời nay chỉ lặng lẽ khiêm nhường núp bóng. Ngày lại qua ngày từ lúc chạng vạng bến sông cho đến khi mặt trời khuất dần bóng núi họ vẫn âm thầm bươn chải cốt làm sao để ngày mai, ngày kia các thế hệ con cháu họ có được một cuộc sống tốt hơn.

Bến sông La níu chân người đất Quảng

Mùa hè vốn oi nồng là vậy, song dưới chân cầu Thọ Tường không khí vẫn mát mẻ, trong lành, dịu dàng đến xuýt xoa. Địa giới hành chính thuộc Thị trấn Đức Thọ, thế nhưng bao trùm lên làng vạn chài khối 7 là từng lũy tre xanh nghiêng mình tỏa bóng. Con đường nhỏ men ra bến sông cũng chỉ khúc khuỷu, gập gềnh trông chẳng khác nào một vùng quê thanh bình, yên ả. Dường như từng đợt gió nồm từ giữa lòng sông thổi về làng vạn tuy có mát hơn đôi chút, nhưng lại có cảm giác như chính nó đang làm cho bến sông thêm phần hiu quạnh.

Nhịp sống mới của ngư dân dưới chân cầu Thọ Tường
Nhịp sống mới của ngư dân dưới chân cầu Thọ Tường

Đi trên chiếc cầu khỉ ra thuyền, tôi và ông bạn đồng nghiệp phải tay nắm chặt tay để không bị rơi tỏm xuống nước. Chới với một lúc chúng tôi cũng tiếp cận được mạn thuyền. Thấy có người lạ lũ trẻ vội vã chạy ùa ra đón, nhưng thật bất ngờ chỉ trong chớp mắt cả bọn lại lỏn vào khoang thuyền lấy những chiếc mền mỏng che kín cửa.

Từ chiếc thuyền nhỏ một người phụ nữ bước lên, một tay xách đống lưới, còn tay kia đang khệ nệ bưng bê rỗ cá đặt nhẹ xuống mũi thuyền. Vừa nhặt nhạnh mấy cộng rác rưởi vướng vào mẻ lưới vứt xuống sông, ánh mắt nhìn xa xăm chị chậm rãi kể: Chị quê gốc ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi chị cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc vùng quê chị gặp phải cơn đại hồng thủy, nước sông tung bọt đỏ ngầu, làng mạc bị nhấn chìm đến tiêu điều, xơ xác. Lánh nạn trong cơn bĩ cực, ông nội chị đặt tên cho cháu là Hoàng Thị Thật với ước mong là sau này cháu có cuộc sống thật đàng hoàng, sung túc chứ không tất bật, lam lũ quanh năm như các thế hệ cha ông.

Vậy nhưng “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, vào những năm 90 của thế kỷ trước, cuộc sống khốn khó nên người dân vùng quê chị đành phải lũ lượt kéo nhau vào Nam ra Bắc mưu sinh. Đến tuổi trưởng thành, chị lấy chồng rồi cũng phải theo chồng và một nhóm người khác lặn lội di cư đến bến sông La tiếp tục nối nghiệp cha ông làm nghề chài lưới. Khoát tay hết chỉ hướng này lại quay sang hướng khác, chị Thật buột miệng: Ban đầu cả xóm vạn chài chỉ lèo tèo có 6 hộ dân, với hơn 20 nhân khẩu đều quê ở tỉnh Quảng Bình. Tìm đến sông La để mưu sinh, hay nói đúng hơn đây chính là nơi cả nhóm người lánh nạn. Phận người may mắn làm sao, năm 1992 gia đình chị và những hộ ngư dân khác đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhập khẩu vào Thị trấn Đức Thọ. Bước ngoặt lớn trong cuộc đời của cả nhóm ngư dân gốc Quảng Bình bởi từ đây tất cả họ đã được đùm bọc, chở che, được tạo thuận lợi trong sinh hoạt tín ngưỡng Thiên chúa giáo chứ không còn kiếp sống lênh đênh, phiêu dạt như trước đây.

Những dấu ấn trên quê hương thứ hai

Con thuyền nhỏ chồng chềnh giữa bến sông, từng làn sóng nhẹ vẫn cứ nối tiếp nhau vỗ bờ trong vô định. Rời thuyền chị Thật, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến thăm một số ngư dân khác. Được tiếp xúc với nhiều người, được chứng kiến cuộc sống đổi thay với những gam màu tươi sáng tôi thực sự thấm thía câu nói đầy triết lý của một nhà văn: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Đúng vậy, hôm nay tuy chưa thực sự giàu có sung túc, song ngư dân làng vạn chài khối 7 Thị trấn Đức Thọ đã có của ăn, của để. Trên bờ họ đã xây nhà, dựng cửa đẹp đẽ, khang trang, còn dưới bến sông nhà nào nhà nấy cũng có từ hai đến ba chiếc thuyền để buông câu, thả lưới.

Chị Hoàng Thị Thật đang nhặt nhạnh rổ cá tôm để đưa lên phố huyện.
Chị Hoàng Thị Thật đang nhặt nhạnh rổ cá tôm để đưa lên phố huyện.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lương Sỹ Tuấn - Trưởng khối phố 7, Thị trấn Đức Thọ cho biết: Ngày mới phiêu dạt đến bến sông La cuộc sống, sinh hoạt của bà con hết sức khó khăn, thiếu thốn. Hộ giàu có lắm cũng chỉ có một chiếc thuyền nhỏ làm nơi tá túc và ngót nghét mấy mảnh lưới, chùm câu buống xuống lòng sông kiến cá đổi gạo qua ngày. Số đông còn lại thì phần lớn ngư cụ đã cũ kỹ rách nát nhưng không có điều kiện mua sắm nên việc mưu sinh cứ thế lại càng trở nên khó khăn hơn. Trước tình hình đó khối phố 7 đã tham mưu lên cấp ủy, chính quyền tạo thuận lợi cho tất cả ngư dân được nhập cư và thực hiện một số chính sách hỗ trợ, giúp đỡ nhằm ổn định cuộc sống cả trước mắt lẫn lâu dài. Theo đó mỗi hộ làm nghề chài lưới ven sông định cư hợp pháp đều được cấp đất ở, được tạo điều kiện cho vay ít vốn làm ăn. Chủ trương này như một luồng gió mới ấm nồng thổi vào làng vạn. Từ đây ngư dân đã có tiền mua sắm ngư cụ, đóng mới thuyền bè và cứ thế cuộc sống, sinh hoạt từ chỗ ổn định đã khấm khá dần lên.

Ông Tuấn cho biết thêm: Khát vọng lên bờ được thắp sáng, thời gian qua 12 hộ dân với hơn 80 nhân khẩu ở làng vạn đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực tuyên truyền vận động lẫn nhau thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, sống phúc âm- tốt đời đẹp đạo. Khi công tác dân số được thực hiện đồng bộ hơn, cũng là lúc nạn thất học được đẩy lùi, con em làng vạn đều được cắp sách đến trường đúng độ tuổi. Không dừng lại ở đó, mấy năm gần đây đời sống vật chất của ngư dân được nâng lên kéo theo đó là các hoạt động văn hóa tinh thần, thể dục thể thao luôn diễn ra sôi nổi. Làng vạn đã tiên phong thành lập được câu lạc bộ bơi thuyền truyền thống, câu lạc bộ bóng đá, kéo co thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia và đã giành được những thành tích cao trong các giải thi đấu, mang vinh quang về cho khối phố 7. Phong trào xây dựng gia đình, khối phố văn hóa được đẩy mạnh, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, nhân đạo từ thiện…đã được bà con ngư dân hưởng ứng, đóng góp một cách tích cực.

Cầu Thọ Tường vững chãi bắc qua sông La, như là một biểu tượng tinh thần để những ngư dân quê gốc Quảng Bình vượt qua muôn trùng sóng gió đến với bến bờ tìm cho mình tương lai, hạnh phúc. Qua mỗi ánh mắt, nụ cười của những ngư dân chân chất, tôi biết hôm nay cuộc sống, sinh hoạt ở làng vạn chài khối 7 Thị trấn Đức Thọ đã đổi thay với những hành trang mới hơn ngoài dự định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast