"Đủng đỉnh" triển khai đề án về xử lý rác thải sinh hoạt!

(Baohatinh.vn) - Theo kế hoạch, đầu tháng 12/2015, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ hoàn thành đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới có 3 địa phương hoàn thành dự thảo đề án là Thạch Hà, Can Lộc, huyện Kỳ Anh, những đơn vị còn lại vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”. Nguyên nhân của việc lỗi hẹn xuất phát từ nhiều phía...

Xử lý rác bằng lò đốt tại HTX Dịch vụ tổng hợp và môi trường xã Thạch Bằng (Lộc Hà).

Xử lý rác bằng lò đốt tại HTX Dịch vụ tổng hợp và môi trường xã Thạch Bằng (Lộc Hà).

Huyện Cẩm Xuyên hiện có 26 HTX, 1 tổ hợp tác thu gom, xử lý rác thải, tuy nhiên, việc vận chuyển rác sau thu gom thực hiện chưa tốt, thậm chí, có thời điểm, rác ùn ứ tại các điểm trung chuyển. Nguyên nhân được Trưởng phòng TN&MT huyện Trần Viết Chiến lý giải là do thiếu phương tiện vận chuyển, nhất là xe chuyên dụng; cùng với đó, chưa có quy định chặt chẽ về vận chuyển, xử lý.

Ông Chiến cho hay: “Sở dĩ đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác chưa hoàn thành vì chúng tôi dành nhiều thời gian để khảo sát, lấy ý kiến chi tiết về các công đoạn. Mức thu thấp (10.000 đồng/hộ/tháng đối với xã) và nguồn thu không ổn định nên hoạt động của các HTX môi trường lâu nay gặp nhiều khó khăn. Trong khi, hầu hết các xã đều giao cho các HTX thu phí, ngoại trừ: Cẩm Dương, Cẩm Minh, Cẩm Nhượng... Chúng tôi sẽ cụ thể chủ trương giao xã thu vào đề án để duy trì hoạt động của HTX, làm cơ sở để hoạt động bền vững. Hiện tại, kinh phí vận chuyển vẫn do các xã lo, chủ yếu lấy từ nguồn thu phí môi trường của các HTX”.

Ngoài ra, kinh phí phục vụ việc xử lý rác cũng là nỗi lo của huyện này khi riêng năm 2015 phải chi trên 1,34 tỷ đồng, dự kiến năm 2016, dao động từ 2,7-3 tỷ đồng. Ông Chiến đề xuất, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ mua xe chuyên dùng vì kinh phí khá lớn, khoảng 700 triệu đồng.

Lâu nay, huyện miền núi Hương Khê chưa thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải. Đến nay, trên địa bàn mới thành lập 1 HTX, 6 tổ hợp tác môi trường; hầu hết các xã đều tự xử lý, chỉ riêng thị trấn Hương Khê có bãi chôn lấp. Anh Phan Công Thức - Giám đốc HTX Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải thị trấn Hương Khê cho hay: “HTX thành lập năm 2002 với 20 thành viên, mỗi ngày, thu gom, xử lý 12 tấn rác thải nhưng hoạt động rất khó khăn do mức thu thấp (15.000 đồng/hộ/tháng); phương tiện chỉ có 1 xe ép rác chuyên dụng. Đến nay, mới chỉ có 66% người dân nộp phí”.

Được biết, hiện huyện Hương Khê đã quy hoạch bãi rác tập trung tại xã Hương Thủy với diện tích gần 5 ha, nhưng đang “bí” kinh phí do việc kêu gọi xã hội hóa chưa thành. Đại diện Phòng TN&MT huyện cho rằng, địa bàn rộng, chi phí vận chuyển cao là nguyên nhân dẫn đến khó khăn khi xây dựng đề án.

Mặc dù chủ động xây dựng đề án khá sớm, đã lấy ý kiến góp ý của các xã, thị trấn, các phòng liên quan và nhận được góp ý của Sở TN&MT, Sở Xây dựng, tuy nhiên, huyện Thạch Hà vẫn cân nhắc chưa ban hành đề án. Trưởng phòng TN&MT huyện Hoàng Việt Hùng cho hay: Huyện đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp mở rộng để tiếp tục xin ý kiến góp ý chi tiết trước khi ban hành, vì đây là đề án không dễ thực hiện.

Ông Hùng cũng cho rằng, cái khó của việc xây dựng đề án là bài toán nguồn lực. Theo ước tính, để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác, mỗi năm, cần khoảng 8 tỷ đồng, trong đó, huyện dự tính huy động các tổ chức, cá nhân 2 tỷ đồng. Chỉ tính riêng các xã Thạch Tân, Tượng Sơn, Thạch Văn, để vận chuyển rác vào bãi rác ở Cẩm Xuyên, mỗi xe “ngốn” 8-10 triệu đồng. Để giải quyết vấn đề kinh phí, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện các công đoạn. Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà cũng băn khoăn về việc chưa có quy định phân cấp ngân sách huyện, xã trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Trao đổi về đề án, ông Phạm Xuân Đức (Phòng Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường) cho hay: “Trước thực trạng chậm tiến độ, đầu tháng 3, tỉnh đã ban hành công văn đôn đốc các đơn vị triển khai xây dựng đề án. Theo kế hoạch, sắp tới, sẽ có 5 địa phương xây dựng lò đốt rác, giá mỗi lò khoảng 1,7 tỷ đồng (công suất 8-10 tấn/h), góp phần đưa việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác tại các địa phương này đi vào khuôn khổ. Tuy nhiên, đang gặp khó khăn về kinh phí”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast