Rời làng

Mưa ngớt sau mấy ngày rả rích liên miên, trời chưa nắng hẳn nhưng cũng hưng hửng những tia nắng hiếm hoi lấp ló sau lớp mây màu bạc. Khôi lật tung tấm bạt cũ che đống thóc bên hiên, mùi thóc ấp hơi ngai ngái xộc vào mũi kèm đó là hơi nóng sực thoát ra sau mấy ngày bị ủ kín.

Rời làng ảnh 1

Nhà văn trẻ Hoàng Hiền

Mẹ Khôi mở cánh cổng sắt, lích kích dắt chiếc xe đạp cà tàng vào nhà, giỏ xe chất rau, cà chua, thịt đậu… Anh cả thì đã ra ở riêng còn cô em gái ở mãi trên thị xã nên mỗi lần Khôi về bà lại lọ mọ đi chợ khi trời còn tờ mờ sáng, tranh thủ mua tí lòng heo còn nóng, ít bánh cuốn mới tráng xong và gom góp thông tin trong làng ngoài xã trong khi chờ anh thịt lợn cắt miếng lòng, khi cô bánh cuốn rắc hành vào bánh, khi chọn mớ cà chua rau sống, khi túc tắc đạp xe về, cứ như thế bao nhiêu năm nay, những người đàn bà như mẹ Khôi trở thành “bản tin thời sự” của cả xóm. Lúc dọn thức ăn lên bàn bà thao thao kể cho anh nghe chuyện về đám bạn của Khôi hồi bé lớp này thế nào, đợt này về Khôi nên đến thăm ai, rằng cái Chợ Quỳ bé tí bé ti giờ ai còn ai mất. Lúc nào bắt đầu câu chuyện cũng là: Hồi bố mày còn sống thằng ấy con nọ thế này, Chợ Quỳ thế này, tao thế này…

Khôi nghe những chuyện ấy đã quen, chàng vốn kiệm lời, rong ruổi rày đây mai đó theo hết công trình này đến công trình khác chàng đã chán nghe số phận, chán nghe rên than. Anh về thăm bà cụ, chuẩn bị làm đám giỗ cho cha, đợt này vợ anh vừa sinh cháu không về cùng, nhà chỉ có một mẹ một con khiến anh mải mê trong nhiều hồi ức cũ. Nhiều lần anh hối mẹ bán nhà vào Nam ở nhưng bà không chịu đi, lần nào bà cũng bảo: Tao ở đây còn cung phụng bố mày, người đã khuất còn cung phụng gì, cung phụng hương nhang hôm rằm mồng một, bát cơm quả trứng ít quần áo rằm tháng bảy, mâm quả ngày tư ngày tết, tao vào trong Nam bố mày biết đường đâu mà vào, rồi bà đưa tay chấm nước mắt. Khôi lại mủi lòng, thành ra cứ một năm hai lần, giỗ cha và ngày tết Khôi và vợ con lại lếch lếch từ Nam ra với bà.

Dần thành quen, giả dụ bà bán nhà đi thật thì trong lý trí của Khôi sẽ mang một vết lõm không gì bồi đắp được về cái bể nước phủ lớp rêu xanh và bụi vạn niên thanh quanh năm xanh tốt, hồi bé Khôi chơi trốn tìm từng đu hay tay vào hai bên thành bể thả người xuống lửng lơ đến lúc mệt quá rơi ùm xuống suýt chết đuối, về hai cây bàng sứng sững đầu ngõ Khôi đã chứng kiến nó lớn lên từ khi anh học lớp vỡ lòng, về cầu bến trước nhà tết năm nào mẹ cũng mang gạo nếp đậu xanh ra đãi để gói bánh chưng…

Nếu không về nữa, tất cả liệu có nằm nguyên trong ký ức của Khôi hay sẽ mai một đi, cạn dần đi theo năm tháng, có cái gì bền mãi với thời gian? Con người ta thường đặt ra cho mình những dấu mốc để cố gắng, đển chép miệng “thôi qua cái đận này”. Khôi cũng có hai dấu mốc giỗ cha và ngày tư tết. Bao nhiêu năm rong ruổi anh vẫn cảm thấy chưa tìm được chỗ dừng chân nhưng cũng chưa biết chỗ dừng chân sau này là ở đâu, khi nào thì dừng lại, anh vẫn nghĩ về những buổi sáng thư thái ngồi nhấp ngụm trà, không phải nghe điện thoại hối tiền công, tiến độ xây dựng, bình yên ngắm những cây quả trong vườn nhu nhú mỗi ngày, Sài Gòn không đủ bình yên để anh gầy dựng những điều ấy và làng anh thì cũng đang vỡ dần rồi.

Làng vỡ rồi - lúc anh thả mình xuống gối rồi phải ngồi bật dậy khi nghe mẹ bảo năm nay không trồng mùa, mà không phải năm nay, từ năm trước mà anh không để ý. Vậy là cái thống nước bố xây để ngâm giống tỏi bỏ khô, đồng bỏ hoang hả mẹ. Làng mình lấy su hào bắp cải đâu mà ăn, hay cũng ăn rau tẩm hóa chất như người thành phố. Mẹ anh cười giòn:

- Anh đi đây đó bao nhiêu năm mà lạc hậu thế? Cái bắp cải trồng ra bao công chăm bón bán nghìn ba chiếc to đùng mà còn ế ều ra đấy, su hào thì cho chẳng đắt. Làng mình mua rau của làng Bình Yên.

Làng Bình Yên nằm phía trên làng anh có truyền thống làm nồi nhôm, trước kia dân làng anh thường buôn giấy lót nồi bán cho làng ấy, cũng có người đi làm công cho họ khi về làng đều kể hóa chất làm nồi nhôm thải ra bao nhiêu đều dồn hết xuống những làng dưới hạ, trong đó có làng anh, cầu bến trước nhà giờ không ai dám vo gạo đãi đỗ ngày tư tết, ngay cả giặt chiếu chăn cũng trải ra sân giếng rồi múc nước giội từng gàu. Làng ấy mấy năm nay nhà cao tầng mọc lên như nấm, giờ lại cung cấp rau ăn cho cả mấy làng bên.

- Mẹ cứ trồng rau mà ăn, rau mua toàn thuốc sâu bọ rồi thì sinh bệnh.

Anh nói như hụt hơi, mẹ anh bảo: Cả làng cả tổng bỏ không một mình mình trồng để mà béo chuột ấy a? Anh lo gì chẳng lo, lại đi lo ba cái rau với rác, một mình tôi ăn đáng bao nhiêu, có anh về thì còn dọn mâm dọn bát chứ một mình tôi cứ cắm mỗi nồi cơm ăn cả ngày rồi ra ngã tư cây bàng mua mấy đồng bạc canh rau, mấy nghìn cá thịt kho sẵn là xong, bếp núc lích rích, tôi ăn chả bao nhiêu.

Ô hay, bếp núc rộng thênh, vườn bỏ trống mà phải đi mua mấy đồng bạc canh rau, đất đồng bỏ hoang vụ đông chỉ cấy hai vụ lúa, trẻ con không có khoai mà đào nướng , không có bắp mà bẻ, Tết đến sân nhà trống không không hề có tỏi hành, những xe bò chở hành tỏi đầy vun kĩu kịt đi qua ngõ mùi cay nồng sẽ không còn nữa. Mới có hai năm mà làng đã đổi thay đến thế ư. Mẹ anh bảo:

- Sang năm có khi tôi chả cấy nữa cũng nên, ăn chả bao nhiêu mà bán thóc thì không đủ tiền công thuê cấy gặt. Cánh đàn ông thì đi làm phụ hồ, thợ xây tứ xứ, đám thanh niên mới lớn thì làm công nhân, ông già bà cả ở nhà giữ cháu. Anh thấy tiên tiến không, có thua gì thành phố mà anh cứ bắt tôi vào mãi Sài Gòn?

Mẹ anh còn rỉ rỉ nói bao nhiêu chuyện trong làng, rằng mẹ của cậu bạn thân của anh ngày xưa mới mất vì ung thư tụy, rằng cả xóm chưa được hai trăm nóc nhà tính cả bố anh là mười bảy người chết vì ung thư tất cả, rằng may mà mày không lấy cái Đông con ông Hoạt vì nó lấy chồng ba bốn năm nay chẳng thấy chửa đẻ gì, mà chả phải mỗi nó, bây giờ chúng bay chơi bời thế nào mà chả sanh đẻ được con, rằng có nhà nào giàu còn bắt chửa trước rồi mới cưới.

Anh chìm vào trong giấc ngủ mệt nhoài, trong đầu vẫn ong ỏng câu: Làng vỡ rồi, vỡ rồi kêu ri ri như tiếng dế nhái ngoài bờ mương vọng lại.

Qua đêm.

Khôi thức dậy sớm, đứng vươn vai bên cửa, mẹ anh sửa soạn đi chợ. Bà bảo hôm nay cái Linh nó sắm sửa đủ hết đồ mã, đồ khô ở trên thị trấn, Linh là em gái út kém anh bốn tuổi lấy chồng thuê nhà ở trên thị trấn. Bà chờ con dâu cả sang chở đi mua ít đồ tươi, họ hàng đi làm xa tứ tán, người về được người không chỉ làm dăm mâm là tươm tất lắm.

Mới tám giờ sáng họ hàng bạn bè đồng đội của của cha anh đã đến, cậu em rể xăng xái pha trà, anh đứng đầu ngõ đón khách, đám giỗ mà xem chừng tấp nập, cũng phải thôi chả ai buồn mãi được, cứ tự nhiên là hay nhất, anh sợ những gương mặt kịch, lúc nào miệng cũng chực mếu, chực cảm thông. Mẹ anh hôm nay bận chiếc áo tím hoa cà, đi ra đi vào chỉ đạo các cháu nấu nướng, rồi lại chạy lên tiếp khách, lúc nào khóe miệng cũng sẵn một câu chào. Nếu có ai tỏ vẻ thân tình nhắc đến cha anh hồi còn mồ ma là bà lại đưa cánh tay lên quẹt mắt rồi buông một câu trách phận: Buồn lắm bác ơi!

Lúc bà xin phép quay đi “chỉ đạo” việc khác lần nào anh cũng thấy bà đi tấp tểnh mà chân bà thì có đau đâu.

Cỗ bàn xong xuôi, khách khứa ngừ ngật ra về, hai bom bia hơi cạn sạch, mười lăm chai rượu nút lá chuối do chính tay mẹ anh nấu cũng sạch bách. Lâu không uống vừa bia vừa rượu anh thấy nhức đầu, cái gì cũng ong ong. Chiều tỉnh dậy, thấy Linh ngồi ở bậc cửa đang bóc bưởi ăn, cây bưởi đào cha anh trồng, quả nhỏ nhưng mọng ngọt. Anh sà xuống, bóc một mái, bảo Linh hái thêm vài quả ăn. Linh bảo:

- Phải chờ mẹ về, bà vừa đi sang hàng xóm, mấy lần em tự hái thì y như rằng đêm ấy bố về cầm cái roi tre dư dứ ở đầu giường hỏi đứa nào kều bòng, đứa nào kều bòng, kinh.

Khôi nhảy phóc ra vườn, thoắt cái đã tót lên cành gần nhất hái hai trái bự thả xuống đất đánh bộp, Linh trợn mắt le lưỡi.

Chờ Khôi xuống ngồi bên, Linh nói thầm vào tai anh.

- Anh có nhớ ông Nhất không, cái ông mặt tròn, vào nhà rồi còn đội mũ cối mà liên tục thắp nhang cho bố ấy.

Anh gật gật đầu. Linh thẽ thọt: Bồ của mẹ đấy, mẹ có bồ.

Anh nghe thế suýt bật cười, Linh nghiêm mặt.

- Em không đùa đâu, mấy bà đi tập thể dục trong làng bắt được đấy, cả làng biết cả, ngót sáu mươi mà còn bắt bồ, còn chưa trót đời, anh đi xa không biết chứ em về làng muối mặt lắm, chả biết rúc vào đâu. Lần này anh nhất quyết bảo mẹ vào Nam đi, đừng để đến lúc lại về bế em ẵm ngửa.

Linh đổi giọng đay nghiến, anh quắc mắt quay sang nhìn cô em gái, tự bao giờ nó trở nên hằn học với mẹ thế này, có phải từ ngày mẹ theo cánh các già thi thoảng đi chùa Hương chùa Bái Đính dăm ba bữa và theo chị em tập hát chèo mỗi dịp hội làng? Hay từ khi mẹ không còn kho cá nỏ nồi cho vợ chồng nó mang lên thị trấn ăn dần cả tuần, không sát sẵn gạo cho nó về chở đi bao nhớn bao bé, từ ngày con gái nó theo bố mẹ đi học trên thị trấn không cần bà đưa đón hay là từ lúc nó thanh lý được mấy tấn giấy lót nồi bị ế gửi cả mấy năm thối ung ủng một góc nhà? Anh đổi giọng lạnh lùng gần như quát:

- Bố mất ba bốn năm rồi, mẹ chẳng sống được bao lâu nữa, mẹ muốn làm gì thì làm, miễn là mẹ vui.

Linh trề dài môi nhưng tuyệt không dám cãi.

Anh nhảy ra vườn, vớ cây cuốc chim phạt gốc cây đu đủ đực vứt vào một góc, rồi lật tung lớp đất chai khô vun lên hai luống đất nâu tơi. Mồ hôi vã ra như tắm, Linh đã xào nấu lại chỗ thức ăn ban trưa còn lại, mẹ anh vừa bước vào cổng là rú lên:

- Ai chặt cây đu đủ đực, để lấy hoa mà hấp mật ong trị ho cho mấy đứa trẻ con hàng xóm.

Linh chạy ra nói mát:

- Cả bác Nhất cũng ho khù khụ suốt mẹ nhì?

Khôi nhìn em hất hàm nghiêm nghị rồi quay sang mẹ nói:

- Mẹ mua ít hạt về mà gieo rau, làng quê gì mà thì là, rau mùi không thơm, muốn kiếm cái hoa chuối bóp nộm ăn mà đi khắp làng không có, chắc tết năm nay con chả về.

Tối hôm ấy cả nhà ngồi quây quần bên bàn nước, ông anh cả còn chưa tỉnh rượu nói tiếng được tiếng mất, người chị dâu ngồi khép nép tận cuối mép giường tay ôm khư khư đứa con nhỏ lúc nào cũng chực giật mình khi ai đó gọi tên.

Ông em rể chồng Linh sau một hồi nói những chuyện vô thưởng vô phạt thì nghiêm túc nói:

- Hay là mẹ vào ở với anh Khôi, nhà cửa vườn tược để lại cho vợ chồng con, con có hơn hai trăm, mẹ lấy bao nhiêu còn thiếu bao nhiêu bọn con làm vài năm con trả.

Linh đưa mắt dò ý Khôi và anh cả. Ông con rể điềm nhiên rót nước trà đưa lên miệng chờ mẹ gật đầu.

Bà chậm rãi bảo:

- Tôi còn khỏe mạnh, bố các anh các chị mất mấy năm này cũng chưa ai phải hầu hạ tôi bữa canh rau. Tôi ở đây còn cung phụng bố các anh các chị.

Ông em rể khẽ bĩu môi, Khôi biết cứ mỗi câu mẹ anh nói ra, mỗi cơm canh hôm rằm mồng một, mỗi nải chuối đĩa chè con ong ngày tư tết là dăm bảy câu ông em rể cãi lại trong đầu, chỉ cần Khôi tỏ một tia ý đồng tình là hắn có thể phun ra bằng hết, khi ấy mọi ràng buộc mong manh đều đứt khẽ khàng như màng tơ.

Ông anh cả thì chỉ có một câu cứ lải nhải đi nhải lại: “Không có tiền thật khổ”- cho đến khi mẹ anh bảo:

- Nào tôi có bắt anh góp giỗ năm nào đâu.

Khôi thấy ngột ngạt quá dù trời thu rất mát, thấy câu chuyện chả đi tới đâu bèn dứt khoát:

- Muộn rồi, bác cả về nghỉ đi.

Anh rút cái áo dài treo trên mắc khoác vào người rồi bách bộ ra đường. Trăng sáng quá, mới bảy giờ tối mà chẳng có đứa trẻ nào đùa chơi, đường xá vắng teo như làng đi đâu hết cả, đây cầu bến chỗ cha anh hay ngồi với mấy ông bạn gìa bàn chuyện chương trình trên thời sự, ông nào dẫn đầu đoàn đến thăm nước nào ở đâu đâu. Cầu bến vắng teo, vệ cỏ sát mé mương còn nhìn rõ mấy ống kim tiêm bọn nghiện hút vứt lại. Ai đã mang những thứ khủng khiếp ấy về nơi gốc bàng mát rượi có bàn ghế đá một thời cha anh ngồi chuyện vãn với các già? Hình như hơi rượu vẫn còn, tiếng ếch nhái lại rộ lên ri ri “làng vỡ”.

Có ai đó choàng tay ôm anh từ phía sau, hơi thở nín đi thật khẽ bộ ngực mềm ôm sát lưng anh. Anh xoay người lại: Đông - mặt cô nhòe nhoẹt nước, anh ôm trọn lấy cô vào ngực. Đông hổn hển thầm thì:

- Cho em một đứa con, em không phải là gái độc, cho em một đứa con anh ơi.

Khôi ghì chặt nàng trong lòng cái cơ thể ấm mềm, tấm lưng ong chắc lẳn mà xưa kia anh từng ngụp lặn, khai phá buổi đầu tiên, lòng dấy lên thương xót. Từ ngày lấy vợ đây không phải là lần đầu tiên Khôi ấp ôm người đàn bà khác, hơn nữa lại là người anh từng mắc nợ. Có cả ngàn lý do để anh gật đầu, môi anh lướt xuống mặt, xuống cổ Đông. Một mùi nước hoa rẻ tiền quen thuộc sực vào mũi, mùi nước hoa của đám nhân viên váy ngắn rót bia nơi quán nhậu khiến anh rùng mình. Phảng đâu đó mùi bầu sữa quen thuộc của vợ anh trên đôi má bé thơ con gái. Khẽ đẩy Đông ra, anh nói xin lỗi rồi quay gót ra về.

Ở phía sau, Đông khóc.

Tiếng ếch nhái lại ran lên ran lên “làng vỡ’. Anh gieo mình xuống giường rồi tỉnh dậy vào trưa hôm sau. Sài Gòn đón anh bằng cơn mưa mát lành, phố đêm chợt thênh thanh lạ, vợ anh đón anh ở cổng choàng tay ôm lấy bụng anh, dụi đầu vào ngực vào nách mà hít hà, nàng lúc nào cũng ấm mềm mỗi khi anh trở về từ những chuyến đi xa. Đặt mình bên cạnh con gái, hơi sữa thơm phả vào mũi dễ chịu lạ lùng, anh nắm lấy bàn tay bé nhỏ của con rồi chìm vào giấc ngủ.

Bình yên…

Theo Hoàng Hiền/nhavantphcm.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast