Rượu không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn lan!

(Baohatinh.vn) - Theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về SXKD rượu, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn mác, đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương... Tuy nhiên, đến nay, tình trạng buôn bán rượu tự nấu, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn lan tại nhiều địa phương Hà Tĩnh.

Không cần biết đến quy định

Trên địa bàn toàn tỉnh, lượng rượu được tiêu thụ hiện nay chủ yếu là do người dân tự nấu bằng các phương pháp thủ công truyền thống. Loại rượu này có mặt khắp nơi, từ các quán ăn, nhà hàng cho đến các tiệc cưới, hỏi, việc ma chay...

ruou khong nhan mac nguon goc xuat xu van tran lan

Người dân nấu rượu truyền thống hầu hết chưa đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường.

Điều đáng quan tâm là các loại rượu thường xuyên được mua bán nói trên chủ yếu không có nhãn mác theo quy định. Khi hỏi về việc này, chị Nguyễn Thị Lan, một người sản xuất rượu ở Thạch Hương (Thạch Hà) cho biết: “Bao đời rồi nhà tui đều nấu rứa có can chi mô. Mà nhà tui cũng nấu vào những lúc nông nhàn chứ không thường xuyên. Rượu tự nấu nên người uống cũng yên tâm. Không chỉ dân trong làng mà nhiều người xa quê cũng thường đặt mua để mang đi vì rượu Thạch Hương ngon có tiếng”.

Người sản xuất không quan tâm, người tiêu dùng cũng chẳng đoái hoài. Anh Nguyễn Viết Hà (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nhãn mác đôi khi cũng chỉ là hình thức. Như ngoài thị trường hiện nay, nhiều chai có nhãn, có mác mà uống độc vẫn cứ độc, thật - giả lẫn lộn, không biết đường mô mà lần. Nên cứ rượu cuốc lủi nhà ta vẫn cảm thấy yên tâm nhất”...

Còn nhà chức trách thì... lo lắng. Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường cho biết: “Trên địa bàn Can Lộc có 4 doanh nghiệp, HTX đăng ký SXKD rượu thì có đến 3 cơ sở đã ngừng hoạt động. Toàn huyện hiện có 317 cơ sở sản xuất rượu truyền thống nhỏ lẻ, sản xuất từ 2.536 - 4.755 lít/ngày. Công tác quản lý các cơ sở sản xuất này hiện đang rất khó khăn”.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Theo thống kê bước đầu của UBND các huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.535 hộ và 4 doanh nghiệp, HTX sản xuất rượu với sản lượng trung bình từ 22.390 - 40.135 lít/ngày. Qua theo dõi và báo cáo của các địa phương cho thấy, đa số các hộ sản xuất rượu thủ công, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa được cấp giấy phép sản xuất rượu, chưa đăng ký với chính quyền địa phương tại nơi sản xuất, chưa đăng ký bản công bố hợp quy, sản phẩm không có nhãn hàng hóa theo quy định...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Trần Hữu Hạnh cho biết: “Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Hà Tĩnh cũng có 2 trường hợp, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền các cấp tiến hành rà soát lại toàn bộ các hộ nấu rượu và kinh doanh rượu trên địa bàn. Các sở, ngành liên quan đã tiến hành kiểm tra, xử lý 18 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; tiêu hủy 514 chai và 118 lít rượu”.

Tuy nhiên, để đưa việc SXKD rượu theo đúng quy định vẫn là bài toán khó. Khó nhất hiện nay là việc xử lý vi phạm của các hộ sản xuất rượu truyền thống hầu như không thể thực hiện được, trong khi đây lại là lực lượng chủ yếu cung cấp rượu cho thị trường. Vì vậy, đối với nhóm đối tượng này, cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền cấp xã, trước hết là tuyên truyền nâng cao nhận thức. Đặc biệt, nên vận động các hộ sản xuất thủ công bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến, xử lý sản phẩm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội):

Trong quy trình nấu rượu, nếu người nấu khống chế được nhiệt độ, áp suất sẽ tách được một số độc tố như methanol, acid, furfurol, aldehyt, acétaldehyt..., nhưng đa phần các lò nấu rượu thủ công không thể tách được những chất này. Kể cả các loại rượu thuốc, rượu ngâm thảo dược, ngâm động vật... được cho là có khả năng chữa bệnh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc. Vì hiện nay, dược liệu giả dùng ngâm rượu bán tràn lan, ngay cả dùng dược liệu thật cũng không đảm bảo vì cây cỏ hiện nay cũng nhiễm độc nhiều.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoàng Quang Trung:

Chiếm từ 60-70% bệnh nhân xơ gan được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có nguyên nhân từ rượu. Đặc biệt, rất nhiều bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện bị loạn thần do rượu. Hàng năm, số bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu tại bệnh viện khá lớn, đó là chưa kể đến các nhóm bệnh nhân khác như tim mạch, chấn thương… có tác nhân từ rượu chiếm tỷ lệ đáng suy ngẫm.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) Nguyễn Quốc Sỹ:

Toàn xã có 61 hộ sản xuất với mục đích thương mại. Việc đưa các hộ này vào quản lý, biết rằng là rất khó nhưng dù khó mấy cũng phải làm để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Xã đang cố gắng vận động, giải thích cho người dân hiểu, từng bước tham gia đăng ký để được cấp phép sản xuất. Bước đầu, người dân đồng tình và hợp tác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast