Hà Tĩnh có 10/12 nhóm hàng bán lẻ tăng doanh thu trong 7 tháng qua

(Baohatinh.vn) - 7 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Hà Tĩnh đạt 28.613,8 tỷ đồng. Trong đó, 10/12 nhóm ngành hàng có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021.

Hà Tĩnh có 10/12 nhóm hàng bán lẻ tăng doanh thu trong 7 tháng qua

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm đạt 28.613,8 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát ổn định, hoạt động sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa có nhiều thuận lợi. Thêm vào đó, do thời tiết mùa hè, các mặt hàng điện lạnh, hàng may mặc, thực phẩm, đồ uống tiêu thụ mạnh; nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ các công trình đang thi công tăng và nhiều mặt hàng được điều chỉnh tăng giá nên tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu từ Sở Công thương, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm đạt 28.613,8 tỷ đồng, tăng 14,91% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Tĩnh có 10/12 nhóm hàng bán lẻ tăng doanh thu trong 7 tháng qua

Doanh thu bán lẻ từ nhóm hàng xăng, dầu trong 7 tháng đầu năm tăng 41,24% so với cùng kỳ năm trước.

Xét trong 12 nhóm ngành hàng, có 10 nhóm đạt doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, nhóm lương thực, thực phẩm đạt 12.379 tỷ đồng (tăng 16%); hàng may mặc đạt 1.467 tỷ đồng (tăng 10,45%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 2.878,5 tỷ đồng (tăng 6,47%); gỗ và vật liệu xây dựng đạt 1.426 tỷ đồng (tăng 18,6%);

Phương tiện đi lại (trừ ô tô con) đạt 1.390 tỷ đồng (tăng 10,44%); xăng, dầu các loại đạt 3.108,5 tỷ đồng (tăng 41,24%); nhiên liệu khác đạt 585 tỷ đồng (tăng 36,36%); đá quý, kim loại quý các loại đạt 510 tỷ đồng (tăng 33,66%); hàng hóa khác đạt 1.490 tỷ đồng (tăng 12,17%); doanh thu sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy đạt 728 tỷ đồng (tăng 8,67%).

Hà Tĩnh có 10/12 nhóm hàng bán lẻ tăng doanh thu trong 7 tháng qua

Hàng lương thực, thực phẩm có doanh thu cao nhất trong 12 nhóm ngành hàng.

2 nhóm hàng có doanh thu biến động giảm so với cùng kỳ năm 2021 gồm: vật phẩm văn hóa giáo dục đạt 135,5 tỷ đồng (giảm 1,4%) và ô tô con đạt 2.516,3 tỷ đồng (giảm 2,83%).

Dù kết quả ngành thương mại - dịch vụ nhìn chung đạt mức tăng trưởng khá, song, theo đánh giá của ngành chức năng, hoạt động của các cơ sở bán lẻ hàng hóa trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn khi giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao do ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất và vận chuyển.

Thời gian tới, hoạt động kinh doanh thương mại được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn khi đời sống xã hội đi vào ổn định, các hoạt động sản xuất - kinh doanh được phục hồi và phát triển.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast