Thân thương Vôn-ga-grát anh hùng

Nhắc đến Vôn-ga-grát/Xta-lin-grát là nói đến thành phố anh hùng lừng lẫy chiến công trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Xô-viết. Và hôm nay, nơi đây hiện có một cộng đồng người Việt gắn bó thân thương với con người và mảnh đất huyền thoại này. Cộng đồng người Việt có những cách làm sáng tạo, vừa ổn định cuộc sống của bà con mình, vừa có đóng góp thiết thực vào đời sống của nhân dân sở tại.

Nhân kỷ niệm 96 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/2013)

Anh hùng và thanh bình bên bờ Vôn-ga

Vôn-ga-grát là thành phố lớn nhất trong những thành phố bên bờ sông Vôn-ga, cách Mát-xcơ-va khoảng 1 nghìn km. Trong các tài liệu lịch sử, nơi này lần đầu tiên được nhắc đến với cái tên Xa-rít-xưn (tên một con sông đổ vào Vôn-ga) từ năm 1589. Năm 1925, Xa-rít-xưn được đổi thành Xta-lin-grát.

Tượng đài “Mẹ - Tổ quốc kêu gọi” trên đồi Ma-mai-ép.
Tượng đài “Mẹ - Tổ quốc kêu gọi” trên đồi Ma-mai-ép.

Những năm Liên Xô thực hiện các kế hoạch 5 năm đầu tiên, nhiều nhà máy cũ được khôi phục và hơn 50 nhà máy mới được xây dựng tại đây, trong đó có nhà máy chế tạo máy kéo đầu tiên của Liên Xô (1930). Trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Xô-viết, từ ngày 17/7/1942 - 2/2/1943, nơi đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt ở các cửa ngõ cũng như ngay trong thành phố. Và trận đánh Xta-lin-grát kéo dài 20 ngày đêm đã tạo ra bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến tranh này... Thành phố bị tàn phá hoàn toàn, nhưng sau chiến tranh được khôi phục nhanh chóng. Năm 1961, thành phố Xta-lingrát anh hùng được đổi tên thành Vôn-ga-grát.

Với gần 1,2 triệu dân, Vôn-ga-grát được mệnh danh là thành phố xanh và ấm áp của nước Nga. Vôn-ga-grát vừa là thành phố lao động, vừa là thành phố nghỉ ngơi. Phía tả ngạn sông Vôn-ga là các bãi tắm, nhà vườn, khu du lịch và những ngôi làng nhỏ. Ở Vôn-ga-grát hiện nay có hàng trăm nhà máy, xí nghiệp và hơn 50 trường đại học, cao đẳng, hàng năm đón nhận sinh viên từ nhiều nước trên thế giới đến học tập, nghiên cứu.

Địa danh nổi tiếng nhất Vôn-ga-grát là đồi Ma-mai-ép, một quần thể những công trình tưởng niệm trận đánh Xta-lin-grát, trong đó tượng đài “Mẹ - Tổ quốc kêu gọi” được coi là công trình tượng đài vào loại hoành tráng nhất thế giới.

Gắn kết cộng đồng

Những mái trường ở Vôn-ga-grát bắt đầu có sinh viên Việt Nam học tập từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Khi Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam – Liên Xô được ký kết vào năm 1981, công nhân Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thành phố của Nga và nhiều nước cộng hòa Xô-viết khác. Riêng ở Vôn-ga-grát vào thời điểm cao nhất có gần 2.500 nam, nữ công nhân Việt Nam làm việc, chủ yếu trên các công trường xây dựng, ở một số xí nghiệp dệt may, đóng giày. So với các thành phố khác của Liên Xô thời bấy giờ, công nhân Việt Nam ở Vôn-ga-grát có khá nhiều thuận lợi nhờ giá nông sản rẻ, hàng công nghiệp tương đối sẵn. Thêm nữa, vì ở thành phố có cảng lớn nên lao động Việt Nam gửi hàng về nước cũng dễ dàng hơn.

Thu hoạch rau xanh thương hiệu Việt ở Vôn-ga-grát
Thu hoạch rau xanh thương hiệu Việt ở Vôn-ga-grát

Cuối năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, các hợp đồng lao động mặc nhiên bị chấm dứt, phần đông công nhân trở về nước còn một bộ phận người lao động Việt Nam ở lại vì mục đích sinh kế. Cũng như ở các thành phố khác, người Việt Nam tại Vôn-ga-grát phần lớn buôn bán hàng tiêu dùng với nguồn hàng chủ yếu từ Mát-xcơ-va. Cuộc mưu sinh của cộng đồng người Việt tại

Vôn-ga-grát ngay từ đầu đã gặp rất nhiều khó khăn. Trung tâm buôn bán chính suốt 25 năm qua của người Việt tại Vôn-ga-grát là chợ Tơ-rac-to. Chợ này gồm 3 khu vực, phần lớn do người Nga quản lý, một phần do người Việt điều hành (khoảng 300 quầy hàng), phần khác do người Hoa nắm...

Mấy năm gần đây, người Việt Nam tại Vôn-ga-grát chủ động phát triển sản xuất. Việc thuê đất nông nghiệp, tuyển dụng lao động trồng rau xanh để cung cấp cho cộng đồng người Việt và người Nga được chính quyền thành phố quan tâm, ủng hộ. Dù vẫn còn không ít khó khăn nhưng đây là một hướng đi đúng và kế sách lâu dài của người Việt Nam ở Vôn-ga-grát.

Ngoài ra, dựa vào lợi thế giá thuê mặt bằng nhà xưởng tương đối thấp, nhu cầu hàng hóa theo mùa ở chợ rất lớn nên các doanh nhân người Việt mới đây đã lập một xưởng may, theo cách nói của cộng đồng là “xưởng trắng”, tức là hợp pháp, đáp ứng các quy chuẩn. Cơ sở sản xuất này có thể cung cấp sản phẩm cho trung tâm thương mại Vôn-ga-grát, đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường địa phương.

Cộng đồng người Việt Nam ở Vôn-ga-grát hiện có hơn 600 người, sống đoàn kết, ổn định. Số lượng doanh nhân ở chợ Tơ-rac-to khoảng 300 người, trong đó có 40 người được cấp thẻ định cư. Khoảng 120 sinh viên đang theo học tại các trường đại học Vôn-ga-grát là những người năng động, thông thạo tiếng Nga nên có vai trò quan trọng giúp cộng đồng người Việt hội nhập, gắn kết với xã hội sở tại. Điều đáng quý, để có một cộng đồng đùm bọc nhau như thế là nhờ những hoạt động đầy tinh thần trách nhiệm, chí tình và vô tư của Chi hội người Việt Nam tại Vôn-ga-grát, của lãnh đạo Công ty Vôn-ga – Việt mà đứng đầu là ông Dương Hải An.

Rau xanh Vôn-ga-grát - thương hiệu Việt

Được sự giúp đỡ của chính quyền thành phố Vôn-ga-grát, Công ty Vôn-ga – Việt do ông Dương Hải An làm Tổng Giám đốc đã mua 200 ha đất nông nghiệp ở cách thành phố 38 km với thời hạn 49 năm để đưa vào sản xuất.

Khó khăn lớn nhất đối với Công ty là giá nông sản ở Nga rất thấp; người Việt, không có kinh nghiệm trồng lúa mì, khoai tây và các sản phẩm xứ lạnh. Vì vậy, cách duy nhất để khai thác mảnh đất màu mỡ này là trồng rau quả để phục vụ nhu cầu của người dân Nga và cộng đồng người Việt.

Ông Dương Hải An trong vườn rau của Công ty Vônga – Việt
Ông Dương Hải An trong vườn rau của Công ty Vônga – Việt

Nhưng khi Công ty Vôn-ga – Việt chưa đi vào sản xuất thì các công ty lớn của Trung Quốc tại Vôn-ga-grát đã trồng rau một cách có quy củ, ký hợp đồng mua bán với các siêu thị lớn ở đây. Vôn-ga – Việt chưa có kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp, phần đông cán bộ của Công ty chỉ có bề dày quản lý buôn bán ở chợ. Công ty đã cử người về Việt Nam học tập kinh nghiệm trồng những loại rau, quả phổ biến có thể thích ứng với khí hậu lạnh và mua các loại hạt giống như rau muống, cải, ớt, mướp, bầu, bí, cà... Đồng thời, Công ty cũng mời các chuyên gia nông nghiệp Nga có kinh nghiệm tư vấn, giúp đỡ, hợp tác làm ăn.

“Liệu cơm gắp mắm”, Công ty Vôn-ga – Việt đã mua cả ngàn m3 gỗ cây, dựng khu trồng trọt phủ ni-lông trần dày thay cho việc lắp đặt nhà kính chi phí quá lớn và tiến hành sản xuất theo phương pháp truyền thống của nông dân Nga. Khu vực được che kín chiếm hơn 10 ha, chủ yếu làm nơi ươm giống và trồng trong giai đoạn chuyển tiếp giữa mùa đông sang mùa xuân. Về mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 0oC, có lúc âm 15 – 20oC, vườn ươm được bảo vệ bằng hệ thống đường ống sưởi bằng than chạy xung quanh.

Để tưới nước cho cả cánh đồng mỗi chiều rộng hơn 4 km, Công ty đã lắp đặt một hệ thống bơm nước khá hiện đại. Nước bơm từ sông Vôn-ga lên chảy lan tỏa theo một hệ thống đường ống chằng chịt, bảo đảm ẩm, mát, cần thiết cho từng loại rau, quả... Hệ thống quản lý sản xuất chỉ có 10 người Việt Nam, nhưng thợ kỹ thuật và công nhân Nga trực tiếp làm việc trên cánh đồng thường xuyên có khoảng 100 người. Khác với các công ty Trung Quốc, thu hoạch xong đưa rau vào các siêu thị, Công ty Vôn-ga – Việt quảng cáo và giao hàng trực tiếp cho các doanh nhân người Nga ở nhiều thành phố khác. Ngày mùa luôn có hàng chục xe vận tải chờ sẵn trên đồng ruộng để nhận hàng. Một số loại rau, quả có thể bảo quản được dài ngày thì Công ty tổ chức chuyên chở lên Mát-xcơ-va phân phối cho các cơ sở sản xuất của người Việt phục vụ bữa ăn công nhân.

Cứ thế, năm này qua tháng khác, người Việt tại thành phố Vôn-ga-grát đã gắn bó với mảnh đất này, tạo dấu ấn và bản sắc riêng của cộng đồng mình trong tình hữu nghị và đoàn kết.

Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast