Đằng sau câu chuyện hoang đường

(Baohatinh.vn) - Câu chuyện “ma thuốc độc” cứ lan truyền, ám ảnh những người dân vùng quê Hà Tĩnh từ bao đời nay, khiến cả một vùng quê mất đi sự yên bình vốn có, thậm chí không ít người rơi vào cảnh biệt xứ, tha hương...

Dai dẳng chuyện “ma thuốc độc”

>>Kỳ 1: Lời đồn thổi và cách chữa bệnh khó tin

Bị ghẻ lạnh vì nghi nuôi ma... (!?)

Quay lại với câu chuyện ở xã Tùng Lộc (Can Lộc), ông Đặng Danh Cảnh - Bí thư Chi bộ thôn Liên Sơn buồn rầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ông H. bị người trong thôn cho là bỏ thuốc độc nên cả thôn xa lánh, không ai dám đến nhà. Cả gia đình ông khi đi ra ngoài làm gì cũng bị mọi người xoi mói, đề phòng. “Khi có cưới hỏi, kị, giỗ, mọi người trong xóm làng không dám đến, chỉ có anh em thân thiết đến giúp đỡ” - ông Cảnh cho hay. Mặc dù chính quyền thôn, xã thông qua các cuộc họp đã giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu, nhưng “lời nguyền” về “ma thuốc độc” đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người nên cứ nhắc đến là lại hoang mang, sợ hãi.

Thầy lang đang bắt "ma thuốc độc" qua chiếc áo cũ

Thầy lang đang bắt "ma thuốc độc" qua chiếc áo cũ

Đáng thương nhất là câu chuyện của gia đình chị Trần Thị Hương (xã Tân Lộc, Lộc Hà). Vào ngày 22/9/2013, khi đi chợ mua thức ăn, chị Hương có ghé vào quán ông Tam - người cùng làng chơi, cùng lúc đó, mẹ con chị Nguyễn Thị Viết (người trong vùng đã lấy chồng nơi khác) vào mua sữa, bánh cho con. Mấy ngày sau (5/10/2013), chị Viết cùng 3 người khác đến nhà đe dọa và nói là chị Hương bỏ thuốc độc làm hại con chị. “Lúc đó, chị Viết túm đầu con tui đập vào cột nhà, sau đó lại túm lấy tóc tui đập đầu xuống đất” - chị Hương kể lại với chúng tôi trong nỗi sợ hãi. Chưa dừng lại ở đó, ngày 7/10/2013, chị Viết lại đem muối và khế vứt lên bàn thờ gia tiên nhà chị Hương, rồi rắc lên giường ngủ và đập phá một số đồ dùng, hàng hóa của gia đình.

Dù sự việc đã trôi qua gần nửa năm và chính quyền địa phương không ngừng tuyên truyền, thông báo chị Hương không phải người bỏ thuốc độc nhưng đến nay, cuộc sống gia đình chị vẫn gặp vô vàn khó khăn. “Tội nhất là mấy đứa nhỏ, chúng nó giờ đi học cũng bị bạn bè xa lánh. Chờ con lớn thêm chút nữa, gia đình chị phải đi thôi, chứ ở đây không sống được nữa” - chị Hương nói.

Cần lắm sự vào cuộc của chính quyền

Tận mắt chứng kiến những hệ lụy đau xót do tin đồn “ma thuốc độc” gây ra cho người dân, chúng tôi mới thấu hiểu được sức mạnh vô hình của những lời đồn về loại bệnh “tà môn, ngoại đạo” này. Trao đổi với PV, ông Trần Xuân Dâng - Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, không bao giờ có loại bệnh gọi là “ma thuốc độc”. “Thực chất những trường hợp có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi... mà người ta đồn là mắc thuốc độc đó chỉ là do thiếu vitamin, ăn uống không đảm bảo. Nhưng do nhận thức của người dân một số vùng còn thấp nên bị nhiều kẻ lợi dụng, đồn đoán những loại bệnh không có căn cứ khoa học” - ông Dâng lý giải.

Cuộc sống của gia đình chị Trần Thị Hương (người bên phải) gặp muôn vàn khó khăn do “ma thuốc độc”
Cuộc sống của gia đình chị Trần Thị Hương (người bên phải) gặp muôn vàn khó khăn do “ma thuốc độc”

Khi đề cập tới việc một số thầy lang chữa được bệnh “ma thuốc độc” vẫn đang hành nghề tại nhiều vùng quê, ông Dâng cho biết: “Đó là những thầy thuốc không chính thống, Sở không cấp phép hoạt động cho bất kỳ thầy lang nào. Tuy nhiên, do khi có đoàn kiểm tra thì họ dẹp bỏ, xong họ lại tiếp tục hành nghề nên rất khó xử lý. Chúng tôi đã chỉ đạo phòng y tế các huyện phối hợp với các xã để quản lý trực tiếp việc hành nghề y tư nhân”.

Còn ông Trần Văn Ất - Trưởng phòng Y tế huyện Nghi Xuân cho biết: “Chuyện thầy lang vẫn chữa bệnh ma thuốc độc trên địa bàn, huyện biết nhưng đối tượng thường bán thuốc gia truyền, không đặt bảng hiệu, tự người dân tìm đến nên rất khó xử lý”. Ông Ất còn cho biết thêm, Phòng Y tế huyện đã phối hợp với chính quyền các xã tổ chức nhiều cuộc nói chuyện, tuyên truyền nhưng do người dân một mực tin rằng có ma thuộc độc nên vẫn tìm đến chữa trị.

Theo ông Trần Xuân Dâng, để có thể xóa bỏ hoàn toàn lời đồn “ma thuốc độc”, tồn tại từ hàng đời nay thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân là điều quan trọng nhất. Vì hầu hết lời đồn “ma thuốc độc” chỉ xuất hiện tại những vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế. Cho nên, làm thế nào để người dân hiểu và tin vào y học, khi ốm đến các cơ sở khám chữa bệnh thì khi đó “ma thuốc độc” mới thực sự bị xóa bỏ hoàn toàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast