WHO cảnh báo không thể có vacine đại trà trong nửa đầu năm 2021

WHO mới đây một lần nữa cảnh báo, dịch bệnh sẽ chưa thể chấm dứt cho đến khi thế giới phát triển được vaccine phòng Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã chính thức vượt mốc 27 triệu người trong bối cảnh dịch bệnh đang có xu hướng “tái xuất” tại những nơi mà trước đó từng được kiểm soát như Thái Lan hay New Zealand. Một lần nữa bài học cảnh giác lại được đặt ra. Tổ chức Y tế Thế giới mới đây một lần nữa cảnh báo, dịch bệnh sẽ chưa thể chấm dứt cho đến khi thế giới phát triển được vaccine phòng Covid-19.

WHO cảnh báo không thể có vacine đại trà trong nửa đầu năm 2021

Ảnh minh họa. (Nguồn: Scitechdaily)

Ấn Độ hôm qua (5/9) trở thành nước thứ 3 trên thế giới ghi nhận số ca mắc Covid-19 vượt ngưỡng 4 triệu người sau khi trải qua một ngày có số ca nhiễm mới tăng cao nhất từ trước tới nay (với hơn 90.000 ca).

Như vậy, chỉ trong 13 ngày qua, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng thêm trên 1 triệu ca, nhanh nhất thế giới. Trong khi đó số ca tử vong theo ngày cũng cao nhất, với hơn 1.000 ca. Với chiều hướng lây lan dịch bệnh như hiện nay, số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Ấn Độ được dự báo sẽ nhanh chóng vượt qua Brazil.

Ông Verma, một quan chức thuộc Bộ Y tế Ấn Độ cho biết: “Tình hình rất đáng báo động. Tuy nhiên, chính phủ liên bang và chính quyền các cấp sẽ luôn duy trì cảnh giác để có những biện pháp đối phó phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19”.

Trong khi đó, Mỹ Latin vẫn là điểm nóng của dịch bệnh. Tại những nước như Brazil Mexico, Colombia, Argentina... số ca lây nhiễm mới theo ngày vẫn lên tới 4, thậm chí là 5 con số, dù tốc độ lây lan đã bắt đầu có xu hướng giảm.

Còn tại châu Âu, Ukraine hôm qua (5/9) ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với hơn 2.800 ca. Do số ca mắc liên tục tăng trong thời gian gần đây, nước này đã ban hành lệnh cấm tạm thời người nước ngoài nhập cảnh cho đến ngày 28/9, cũng như kéo dài các biện pháp phong tỏa cho đến cuối tháng 10. Trong khi đó, Slovakia, một trong những nước có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp nhất châu Âu, nhưng cũng ghi nhận số ca nhiễm bệnh tăng mạnh, lên mức cao nhất sau kỳ nghỉ Hè và học sinh quay trở lại trường.

Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tốc độ lây lan và sự biến chủng của virus SARS-CoV-2 khiến Covid-19 đang có xu hướng “tái xuất” tại những nơi mà trước đó dịch bệnh từng được kiểm soát. Thái Lan hồi tuần này đã trở thành quốc gia tiếp theo ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng sau hơn 3 tháng kiểm soát hiệu quả đợt lây nhiễm đầu tiên. Tương tự như ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ở New Zealand sau 102 ngày.

Theo phân tích của báo Nikkei dựa trên số liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ, nếu như hồi tháng 5, trong số 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, 77 nơi chứng kiến xu hướng ca nhiễm tăng mạnh, thì vào tháng 8, con số này là 126 quốc gia và vùng lãnh thổ. 40 quốc gia châu Âu, tức khoảng 80% nước ở châu lục này, có đường cong nhiễm đi lên.

Tại châu Á và châu Đại Dương, con số này là 70%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây hoan nghênh những bước tiến mà thế giới đạt được trong cuộc đua phát triển vaccine khi một “số lượng đáng kể” các vaccine tiềm năng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và cũng là cuối cùng. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo, việc tiêm chủng đại trà vaccine phòng Covid-19 sẽ khó có thể thực hiện vào nửa đầu năm 2021.

Người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới Margaret Harris cho biết: “Liên quan tới thời gian thực tế, chúng tôi cho rằng việc tiêm phòng vacine phòng Covid-19 trên diện rộng sẽ khó có thể thực hiện trong nửa đầu năm sau. Bởi giai đoạn thứ 3 luôn cần nhiều thời gian hơn. Bạn sẽ phải đánh giá mức độ bảo vệ của vaccine hay mức độ an toàn. Chúng ta cần phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn ở tất cả các giai đoạn”./.

Theo Thu Hoài/VOV1 (Tổng hợp)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast