Bổ sung hướng dẫn giám sát và phòng chống hội chứng MERS-CoV

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn bổ sung giám sát và phòng chống hội chứng MERS-CoV áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân.

Ngày 8/6, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn bổ sung giám sát và phòng chống hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân.

Theo định nghĩa tại bản hướng dẫn, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A do một chủng vi rút mới của họ vi rút Corona gây nên (viết tắt là MERS-CoV).

Vi rút MERS-CoV có thể có nguồn gốc từ loài dơi rồi truyền sang lạc đà, sau đó lạc đà trở thành ổ chứa vi rút chính lây bệnh tiên phát sang người. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày.

Người bệnh có biểu hiện từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao, tỉ lệ chết/mắc từ 35-40%. Một số người nhiễm vi rút MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Bản hướng dẫn cũng nêu rõ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh MERS-CoV khi có các triệu chứng như: sốt, viêm đường hô hấp từ nhẹ đến nặng; trước khi khởi phát bệnh trong vòng 14 ngày có tiền sử ở/ đi/ đến từ quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân MERS-CoV hoặc tiếp xúc gần với người bị viêm đường hô hấp cấp tính liên quan đến quốc gia có dịch.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nơi có ghi nhận 1 trường hợp trở lên xác định mắc MERS-CoV (có xét nghiệm khẳng định nhiễm vi rút MERS-CoV) được coi là một ổ dịch và ổ dịch này chỉ chấm dứt khi không ghi nhận trường hợp mắc mới trong vòng 28 ngày kể từ ngày khởi phát trường hợp bệnh gần nhất.

Bộ Y tế cũng quy định, trong trường hợp phát hiện ca bệnh MERS-CoV, cần thiết phải cách ly, điều trị tại cơ sở y tế, hạn chế tối đa biến chứng, tử vong và lây nhiễm trong bệnh viện. Thời gian cách ly cho đến khi đủ các tiêu chuẩn xuất viện của Bộ Y tế. Lập danh sách những người có tiếp xúc gần với người bệnh để quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày.

Việc xét nghiệm xác định bệnh phẩm nghi ngờ mắc MERS-CoV được giao cho các đơn vị: Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Theo Báo Sức khỏe và đời sống

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast