Sáng mãi cờ hồng mùa thu ấy

(Baohatinh.vn) - Cách đây 85 năm, tại thị trấn Nghèn (Can Lộc - Hà Tĩnh) diễn ra cuộc biểu tình lớn của nông dân phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Dấu son ấy không chỉ là khát vọng của nhân dân đứng lên đòi hòa bình, tự do và công lý, mà còn là “ngòi nổ” của cách mạng, mở đường cho Đảng ta kêu gọi toàn dân đấu tranh giành chính quyền.

Sáng mãi cờ hồng mùa thu ấy ảnh 1
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 ở Ngã ba Nghèn (Can Lộc). Ảnh: Quang Vinh

Đất Xô viết anh hùng

“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc”, đi dưới trời thu thị trấn Nghèn hôm nay lại càng thấm thía câu hát ấy. Trời phóng khoáng, tự do, đất dào dạt ngày vui mới. Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, mọi ngả đường, xóm thôn xứ sở này đỏ rực màu cờ. Dòng người, dòng xe tại ngã ba Nghèn nhộn nhịp như mắc cửi. Hẳn trong lồng ngực lớp hậu duệ hôm nay đang nghe âm vang tiếng trống biểu tình của lớp lớp người đi chân đất, mặc áo nâu sồng, giơ cao “nắm đấm”, bước hiên ngang giữa lưỡi lê và họng súng của bọn thực dân, đế quốc.

Ngày ấy, cách đây 85 năm (từ tháng 5/1930 đến tháng 9/1931), “tiếng sấm” cách mạng đã nổ ran trời khắp miền Trung Nghệ Tĩnh, không chỉ Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương, Bến Thủy mà mảnh đất kiên cường, anh dũng Can Lộc đã dấy lên nhiều cuộc biểu tình ở phạm vi tổng và huyện với hàng ngàn người tham gia. Họ là những người cần lao bị áp bức, đau khổ, đã nhìn thấy màu hồng cờ đỏ búa liềm, niềm tin mãnh liệt cách mạng đã về... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ đã đứng lên xé tan màn đêm nô lệ, đạp đổ ách kìm kẹp của bọn thực dân và phong kiến.

Trung tuần tháng 8/1930, dòng người kéo về huyện đường ào ào như thác đổ, hô vang trời, dậy đất: “Đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và Nam triều phong kiến”. Trước sức mạnh của quần chúng, cuộc diễn tập lần thứ nhất đã làm cho bộ máy cai trị của chính quyền phong kiến lung lay, tinh thần quan nha rệu rã. Tên tri huyện Trần Mạnh Đàn phải ra tận cầu Nghèn ký vào bản yêu sách, với những nội dung quần chúng yêu cầu. Kể từ ngày biểu tình ấy, cờ đỏ, truyền đơn, biểu ngữ bắt đầu mọc lên từ “cây đa, bên nước, sân đình”. Mặc dầu bọn thực dân và phong kiến ngày đêm “tung quân” truy tìm, bắt bớ, giam cầm, nhưng chẳng thể làm nhân dân Can Lộc lung lay ý chí.

Cuộc biểu tình lần thứ hai tiếp tục nổ ra vào cuối năm 1930, số người đông gấp 3 so với trước, quy mô lớn hơn. Họ mang theo nhiều khẩu hiệu và cờ đỏ búa liềm, xếp hàng dài, rầm rập tiến vào huyện đường. Thực dân Pháp ra tay đàn áp, bắn chết 42 người. Sự mất mát ấy lại càng nung nấu tinh thần đấu tranh của nhân dân Can Lộc. Cũng từ đó, nhiều chi bộ Đảng bắt đầu ra đời và hoạt động bí mật. Ngã ba Nghèn, nơi thấm máu của 42 liệt sỹ đã trở thành ngọn lửa thiêng bất diệt, là nơi ra đời chi bộ Trảo Nha, một trong 4 chi bộ Đông Dương Cộng sản liên đoàn được thành lập đầu tiên của tỉnh. Cũng chính từ địa chỉ đỏ này, lịch sử lại xuất hiện thêm nhiều “địa chỉ đỏ” khác như Đình Lự, bến đò Thượng Trụ… gieo nên những hạt giống cách mạng nẩy mầm xanh tươi.

Mỗi bước đi gần, nâng ước mơ xa

Khó có thể hình dung sau gần 30 năm đổi mới, thị trấn Nghèn đã có một sức sống mạnh mẽ đến thế, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của huyện Can Lộc.

Sáng mãi cờ hồng mùa thu ấy ảnh 2
Can Lộc là địa phương đi đầu trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Dẫu còn gặp nhiều khó khăn để đạt đích 49 tiêu chí đô thị loại 4, nhưng với những kết quả về tăng trưởng kinh tế, đổi mới, nâng cấp hạ tầng cơ sở đã minh chứng cho sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức trong hệ thống chính trị và sự đồng hành của nhân dân. Thu nhập của người dân đã đạt trên 28,6 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010).

Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Thái Dương chia sẻ: “Trên bước đường phát triển, địa phương còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tin rằng, với truyền thống đoàn kết, anh hùng cách mạng, dám nghĩ, dám làm, chúng tôi sẽ tới đích. Mừng nhất là đời sống người dân ngày càng nâng lên. Thị trấn Nghèn không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 3,9%”.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, tôi đi cùng một cán bộ thị trấn để có thể chứng kiến sự đổi thay trên vùng đất này. Chẳng thể ngờ, nơi đây trong chiến tranh là “túi đựng bom”, bây giờ, nhà dân mọc san sát, nhiều nhà cao tầng khang trang. Hệ thống cửa hàng kinh doanh, dịch vụ sầm uất. Tiếng chào hỏi ríu rít, những chuyến xe tải chở hàng đến rồi vội vã đi. Những khuôn mặt đăm chiêu, tính toán trong dòng chảy thị trường, giúp tôi hiểu người dân thị trấn Nghèn đã năng động lên rất nhiều với 2 chữ “làm ăn”. Hiện tại, TM-DV trên địa bàn phát triển mạnh mẽ. Thị trấn Nghèn còn có khu du lịch sinh thái Bình Mỹ - Sông Nghèn, khách sạn Phú Anh Tây, Việt Cường… hấp dẫn du khách khi về thăm Ngã ba Đồng Lộc và các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh khác...

Mỗi bước đi gần, thị trấn Nghèn đang nâng ước mơ xa, dưới trời thu xanh thắm hôm nay lại sáng rực màu hồng ngọn cờ búa liềm mùa thu năm ấy.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast