Chuyện người “đưa đò” ở vùng thượng Kỳ Anh

Những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các xã vùng thượng đã có bước phát triển rõ rệt. Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là ngành giáo dục, phải kể đến những cống hiến lớn lao của đội ngũ giáo viên đang bám lớp bám trường và những giáo viên từ miền xuôi tình nguyện “cõng" chữ lên non đến với người dân vùng thượng Kỳ Anh.

Đến với các xã vùng thượng Kỳ Anh những ngày cuối năm trên cung đường rộng mở. Từ khi quốc lộ 12 nối với nước bạn Lào được mở, đời sống người dân nơi đây ngày một khởi sắc. Trước đây, khi nhắc đến vùng thượng Kỳ Anh với những cái tên Lâm – Sơn - Thượng - Lạc - Hợp – Tây – Trung, không ai không liên tưởng đến tới sự xa xôi, cách trở và nghèo đói. Thế nhưng từ chục năm trước, đã có không ít giáo viên tuổi đời còn trẻ tình nguyện lên các xã vùng thượng để “gieo chữ” rồi sinh cơ lập nghiệp và gắn bó gần như suốt đời mình với vùng đất này. Những nỗ lực vượt khó, tâm huyết với nghề của đội ngũ giáo viên nơi đây đã góp phần thay đổi bức tranh toàn cảnh đời sống xã hội tại một vùng quê nghèo.

Tình yêu nghề và tình yêu đôi lứa đã gắn kết cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc ở lại với vùng thượng Kỳ Anh vốn được coi là nghèo khó nhất huyện.

Tình yêu nghề và tình yêu đôi lứa đã gắn kết cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc ở lại với vùng thượng Kỳ Anh vốn được coi là nghèo khó nhất huyện.

Trường Tiểu học Kỳ Sơn (Kỳ Anh) nằm nép mình bên quốc lộ 12. Nơi đây, biết bao thế hệ học sinh đã được nuôi dạy và trưởng thành. Trong ký ức thầy giáo Phan Duy Dương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Sơn vẫn vẹn nguyên kỷ niệm về những ngày đầu từ miền biển Thạch Kim lên Kỳ Lạc đứng lớp cách đây gần 30 năm. Ngày đó, trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn học sinh cố gắng vượt khó đi học thật đáng quý trọng.

Thầy giáo Phan Duy Dương kể: “Hồi đó, đường xa cách trở trường còn rất nhiều khó khăn. Phần lớn các gia đình ở đây nghèo nên việc quan tâm chăm lo cho con em đến trường học còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn thiếu, nên nhiều thầy cô ở miền xuôi lên đây công tác. Do vậy các thầy cô sống ngay trong khu tập thể của trường với bao khó khăn thiếu thốn. Khó khăn là thế, nhưng sự tận tâm và lòng nhiệt huyết với nghề cùng với sức trẻ luôn là nguồn động lực cho các thầy cô giáo ngày đêm kiên trì chở những “chuyến đò” qua sông”.

Thời gian cứ như nước chảy. Vậy là đã hơn mười năm rồi cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc quê ở xã Kỳ Ninh đã gắn bó với nghề gieo chữ ở xã vùng cao Kỳ Sơn. Ngày ra trường, Cúc nhận quyết định lên giảng dạy tại trường TH Kỳ Sơn. Dù đã từng phải xa nhà theo học ngành sư phạm, nhưng khác với trước kia nơi đến là xã vùng cao xa xôi với nhiều khó khăn được báo trước, Cúc không khỏi nản lòng. Ngày đầu tiên lên Kỳ Sơn, con đường xa tí tắp, lắm đèo dốc như thử thách lòng yêu nghề của cô giáo trẻ. Những bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng qua đi bởi cô Cúc may mắn được sống trong môi trường tập thể với những con người giản dị, giàu tình cảm.

Thế rồi, cô giáo miền biển Nguyễn Thị Kim Cúc đã bén duyên cùng thầy giáo Nguyễn Thái Hòa người địa phương. Tình yêu nghề và tình yêu đôi lứa đã gắn kết cô ở lại với vùng thượng Kỳ Anh vốn được coi là nghèo khó nhất huyện. Vượt lên gian khó từ những ngày đầu lên Kỳ Sơn lập nghiệp, cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Cô tâm sự: “Khi mới nhận quyết định lên Kỳ Sơn, bản thân tôi có rất nhiều cảm xúc đan xem. Cảm thấy vui vì đã làm đúng nghề nhưng lại thấy hụt hẫng, lo lắng vì phải bắt đầu sự nghiệp và cuộc sống mới ở nơi có muôn vàn khó khăn. Lúc đầu mới lên buồn và nhớ nhà, nhưng rồi cũng quen dần, giờ tôi đã gắn bó với nơi đây với sự nghiệp “trồng người” ở xã vùng cao này”.

Gắn bó với vùng thượng gian khó, mảnh đất để các thầy cô giáo gieo những con chữ, gieo những mầm xanh của tương lại nay đã có nhiều đổi khác. Với nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ thầy cô trường TH Kỳ Sơn, hôm nay, chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên toàn diện, cơ sở vật chất trường học được củng cố, cảnh quan nhà trường ngày càng hấp dẫn, thu hút học sinh đến trường. “Hoạt động các tổ chức đoàn thể sôi nổi, năm học 2010-2011 liên đội trường được T.Ư Đoàn tặng bằng khen, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được đẩy mạnh và được các cấp đánh giá cao. Năm học vừa qua, nhà trường có 1 em học giỏi cấp tỉnh, 22 em học sinh giỏi cấp huyện và 7 giáo viên giỏi cấp tỉnh và huyện”, thầy Phan Duy Dương phấn khởi cho biết.

Cô giáo Lê Thị Thúy An trường mầm non Kỳ Thượng dạy nhận biết con số cho trẻ em.

Cô giáo Lê Thị Thúy An trường mầm non Kỳ Thượng dạy nhận biết con số cho trẻ em.

Thầy giáo Nguyễn Thành Quý – Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Kỳ Trung nhớ lại những tháng ngày đầu “cõng chữ” lên non của anh và nhiều giáo viên khi mới nhận nhiệm vụ. Mặc dù chỉ cách đường Quốc lộ gần 10 km nhưng để đến được với trường Tiểu học và THCS Kỳ Trung (Kỳ Anh) là một chặng đường gian nan, vất vả. Các thầy cô đều phải trèo đèo, lội suối đi gần hết cả buổi mới đến tận được nơi “gieo chữ”. Khi mới đến nơi, nhìn thấy một ngôi trường nhỏ, vách đất đơn sơ giữ núi rừng trung điệp ai cũng không khỏi chạnh lòng chạnh lòng. Nhưng với lòng yêu nghề nên khi đã nhận nhiệm vụ ai cũng quyết tâm, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhiều giáo viên từ buổi đầu lên nhận nhiệm vụ nhớ lại, lúc đó, có những buổi dạy về có lúc cơm ăn không đủ, thay vào đó là những củ khoai, củ sắn và những bắp măng rừng. Trải qua những giọt mồ hôi, những dòng suy nghĩ, thầy trò lặn lội với trời với đất, với cuộc sống và sự nghiệp trồng người, đội ngũ giáo viên trường tôi không hề nản chí vẫn vững vàng công tác. Có những đêm thức trắng để có những trang giáo án đầy đủ, tìm những phương pháp mới để luyện cho các em có kỹ năng học tốt và nâng cao chất lượng dạy học, trình độ chuyên môn, đưa trường tôi tiến kịp với phong trào phát triển chung của ngành giáo dục.

Bây giờ trường đã khang trang, có nhà học cao tầng, có các phòng ở nội trú cho giáo viên nên ai cũng vui mừng phấn khởi, đặc biệt càng vui mừng phấn khởi hơn khi chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng lên. Năm học qua, trường Tiểu học và THCS Kỳ Trung chất lượng tuyển sinh được đứng thứ 01 của huyện đứng thứ 20 của tỉnh; có các em học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.

Vượt rừng lội suối, vượt qua nhiều chông gai của cả chặng đường dài đội nhưng đội ngũ giáo viên Kỳ Trung luôn phấn đấu để đem lại những kiến thức cho những học sinh.

Ngược về miền Tây, dọc theo quốc lộ 12, tôi đến thăm trường Mầm non Kỳ Thượng. Cô giáo Trương Thị Xuyến, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Mầm non Kỳ Thượng có 2 cụm lớp và 3 điểm trường. Cả trường hiện đang nuôi dạy 356 cháu ở 14 nhóm lớp. Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và nhân dân, trường Mầm non Kỳ Thượng được khang trang hơn. Tuy nhiên, điều kiện dạy và học của cô và trò ở đây vẫn còn rất khó khăn.

Nhìn trên tấm bảng theo dõi xếp loại thi đua của 29 cán bộ giáo viên nhà trường toàn đều xếp loại A, chỉ duy nhất cô giáo Lê Thị Thúy An xếp loại B. Chúng tôi thắc mắc. “Cô An có chuyên môn tốt, nhưng vì thời gian dạy không đáp ứng đủ số buổi nên nhà trường xếp loại B”, cô Xuyến hiệu trưởng nhà trường giải thích.

Tốt nghiệp trường Sư phạm Đà Nẵng, ra trường cô giáo Lê Thị Thúy An lên nhận công tác tại trường mầm non Kỳ Thượng. Tròn 24 tuổi, cô giáo An có 4 năm gắn bó với miền rừng. Mặc dù đã lấy chồng nhưng gia đình ở thị trấn, chồng lại công tác xa nên hai mẹ con cô giáo An thuê nhà gần trường để ở. Công việc ở trường chiếm gần hết thời gian, nên việc chăm sóc đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi của cô giáo An cũng chẳng được chu tất. “Cháu bị viêm phổi nên cứ trở trời là phải đi viện chữa trị. Con nhỏ thường xuyên ốm đau. Em nghỉ việc nhiều để chăm sóc con nên bị xếp loại thi đua loại B”, Cô An nói mà giọng buồn buồn.

Với tấm lòng của các thầy cô giáo sẽ đem lại nhiều những mầm xanh trên vùng thượng Kỳ Anh.

Với tấm lòng của các thầy cô giáo sẽ đem lại nhiều những mầm xanh trên vùng thượng Kỳ Anh.

Khó khăn là vậy nhưng trong những năm qua, đội ngũ giáo viên ở vùng thượng Kỳ Anh vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp, vượt qua bao khó khăn thử thách của cuộc sống hàng ngày để trụ vững trên bục giảng, mang con chữ đến với con em vùng thượng.

Chia tay với các thầy cô giáo vùng thượng Kỳ Anh, tôi chợt nhớ đến lời bài hát Người giáo viên Nhân dân của Nhạc sỹ Hoàng Vân “… Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ. Như chim bay về khắp miền em lên đường, tung bay xa nhiều thế hệ cháu bác Hồ. Tự hà như em người chiến sỹ văn hóa, lớn lên trong chiếc nôi quê hương Viêt Nam…”. Và tôi tin, với tấm lòng của các thầy cô giáo sẽ đem lại nhiều những mầm xanh trên vùng thượng Kỳ Anh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast