Cội nguồn sức mạnh

Hàng năm, khi cả nước náo nức trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tôi lại nhớ tới câu chuyện “bó đũa” được học từ thuở nhỏ. Câu chuyện là bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc của người cha dành cho các con mình về tình đoàn kết. Từ thuở khai thiên lập địa, chinh phục thiên nhiên đến những cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và sau này là công cuộc xây dựng đất nước, bao giờ tinh thần đoàn kết cũng là cội nguồn sức mạnh của dân tộc...

Được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ nên các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc luôn chan hòa tình anh em ruột thịt. Từ thuở hồng hoang dựng nước, chinh phục thiên nhiên mở mang bờ cõi đến những cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, thành công nào cũng ghi đậm dấu ấn của tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công
Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công

“Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà - làng - nước. Bao giờ cũng thế, “nước mất thì nhà tan”, chưa bao giờ nợ nước, thù nhà không đi đôi với nhau. Chính nhờ sự đoàn kết về trí tuệ, đoàn kết về sức mạnh của cả dân tộc và biết tranh thủ tình đoàn kết quốc tế mà lịch sử Việt Nam luôn sáng chói chiến công. Từ chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng - Xương Giang đến Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… đều khẳng định đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Chính vì thế, rất nhiều lần Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân phải nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh của nó trên mọi lĩnh vực. Trong tác phẩm “Nên học sử ta”, Bác viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào nhân dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi…”. Người cũng nhấn mạnh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Bởi vậy, khi Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” thì đó không chỉ là lời dạy mà còn là sự đúc kết từ truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đất nước đang trên đường đổi mới, nhưng các thế lực thù địch luôn dòm ngó, rình rập, hòng tìm cách phá hoại thành quả cách mạng, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Chính vì thế, bảo vệ, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu. Có đoàn kết dân tộc thì mới có được mối đoàn kết quốc tế. Đó là bài học sâu sắc mà lịch sử hàng nghìn năm đã đúc kết. Trong thời đại mới, trước xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, bài học đó càng cần được chú trọng, phát huy nhằm tạo nên sức mạnh đưa đất nước đi lên.

Khóa vạn lần dân liệu cũng xong
Khóa vạn lần dân liệu cũng xong

Ngày nay, trong quá trình dựng xây đất nước, những đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng chính sách, pháp luật. Người dân từ miền núi đến đồng bằng, không phân biệt vùng miền, tôn giáo, đều một lòng cùng đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng Tổ quốc Việt Nam vững mạnh. Trong hoàn cảnh đó, UB MTTQ Việt Nam, tiền thân là Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã phát huy truyền thống, góp phần to lớn tạo nên sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Theo đó, tinh thần này cũng được các địa phương quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả.

Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Bùi Quang Hoàn cho biết: “Thời gian qua, UB MTTQ tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt là các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, XĐGN, “đền ơn đáp nghĩa”, “lá lành đùm lá rách”, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư... được triển khai sâu rộng và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Từ đó, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết ngay tại cơ sở và địa bàn dân cư”.

Một mùa hội đại đoàn kết dân tộc đang náo nức trong các khu dân cư. Dưới hình thức tổ chức ngày càng quy củ, đặc biệt là có sự tham dự của lãnh đạo chủ chốt các cấp, ngày đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư đã thực sự trở thành ngày hội toàn dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast