Nợ anh hùng

Sáng nay, nhà anh khóa Hẩm vừa trả lời chính thức: Anh khóa còn bận khoa cử, chưa màng đến sự thê nhi, xin cô Thứ vui lòng tìm đám khác kẻo lỡ việc trăm năm.

Bà mối nhìn Thứ ái ngại, vỗ về:

- Thôi cứ để mối. Không tìm được đám tương xứng cho con, mối bỏ nghề.

Thứ chẳng ngạc nhiên, nhưng đến anh khóa Hẩm cũng chê cô thì bẽ bàng quá. Anh khóa Hẩm tuổi ngoại 40 thì có đến tứ thập niên bạn với đèn sách, gò lưng viết chữ nhiều quá mà lưng thành còng rạp, mũi cũng nhọn ra như đầu bút lông. Bà khóa nhiều lần giục giã kiếm người nâng khăn sửa túi nhưng khóa chẳng biết lần đâu ra người cùng trang lứa. Giờ bà khóa sắp về trời, lo không ai tần tảo chạy chợ nuôi mộng khoa cử cho khóa nên càng quyết liệt tuyển dâu đặng yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Nhà khóa đã đánh tiếng khắp làng trên xóm dưới, chẳng ai thuận. “Chỉ có Thứ là hợp nhất”, bà mối lựa lời. Bà khóa cũng tàm tạm ưng. Nhưng khốn nỗi năm sau có khoa thi lớn. Khóa dốc toàn lực vào đận này. Khóa đã thề, không ăn giải thì cũng là lần cuối, không ăn giải thì bẻ bút. Thứ biết, khóa ngại gì việc vợ con đìu ríu đâu. Khóa sợ vía Thứ át hết vận khoa trường của khóa.

- A, cô Thứ, cô Thứ đánh hổ kìa. Cô Thứ ơi, lớn lên cháu cũng đánh hổ như cô nhá.

Giật mình bởi tiếng reo, bước chân bần thần của Thứ đã vượt quá mẹ con nhà Na quãng ngắn, toan quay lại chào cô bé một câu thì tiếng rít khẽ của bà mẹ như dao găm sượt qua tai:

- Câm. Đâm vào mồm mày bây giờ. Ai dạy mà ngu thế. Báu gì cái thứ đánh hổ ấy. Ế chỏng ế chơ, báo cô bố mẹ...

Thứ đành cắm cúi bước tiếp. Sao lòng người nhanh quên đến vậy. Nếu không có Thứ, cả mẹ Na cũng chẳng còn để mà đẻ ra Na. Thế mà giờ họ dè bỉu, làm như cô là gương xấu của tất cả gái làng.

Thứ ra bờ sông. Lau thưa phơ phất. Gió lạnh đìu hiu. Nhìn nước chảy lăn tăn, xám xịt một màu, Thứ thấy gai ốc nổi khắp sống lưng. Trẫm mình ở đây, xác cô sẽ trôi về đâu? Rồi mẹ già váy đụp áo nâu, tóc bạc da mồi chạy dọc bờ sông hú hồn hú vía. Rồi làng trên xóm dưới đốt đuốc đỏ sông đi tìm. Rồi ở đầu làng, chỗ cô đánh hổ người ta sẽ dựng một ngôi mộ gió, trên bia ghi rõ: Cô Vũ Thị Thứ, 30 tuổi, liệt nữ đánh hổ bảo vệ dân làng. Tấm bia ấy, ngôi mộ ấy có ngăn nổi bầy hổ dữ tiếp tục tìm về? Rồi hội làng hàng năm ai sẽ đóng vai cô ngồi kiệu, ai sẽ diễn lại trò đánh hổ của cô, ai sẽ kể lại câu chuyện đã lan truyền khắp tổng khắp trấn như một huyền thoại? Chả lẽ, sống đường hoàng, chết lại phải lén lút thế này sao? Thôi, số phận đã bắt ta làm anh hùng thì cố nhắm mắt cho xong kiếp anh hùng vậy. Thứ thở dài.

- Sao cứ phải lấy chồng hả u?

- Để trả hiếu cha mẹ con à.

Minh họa: Phạm Minh Hải

Minh họa: Phạm Minh Hải

U Thứ mím môi ngăn dòng nước đục lại bằng những đường rãnh nhăn nheo. “Gái không chồng như phản gỗ long đanh”. U mất đi rồi con dựa vào ai? Nhà một mẹ một con đã trăm điều cay đắng rồi. Còn sống ngày nào, bà nhất định phải gửi gắm Thứ vào cửa nào đó mới xong. Rồi có đứa con, rồi thì lần hồi mà nuôi nó cũng qua hết những ngày tháng nhàn rỗi nghĩ ngợi vẩn vơ.

Nhưng mà hổ thì cũng đánh rồi.

Nhưng mà không ai cả gan lấy một nữ anh hùng về làm vợ.

Thế thì đi tìm làng khác vậy.

Bà mối toan đánh tiếng thì làng chặn lại. Mấy đời nay làng ta mới có một nữ anh hùng nổi danh khắp tổng khắp vùng như thế, lấy chồng làng khác, xuất giá tòng phu, rồi thì cái giống anh hùng nó sẽ ăn mầm bám rễ làng khác mất sao? Không có lí ấy được. Thứ đã đánh hổ bảo vệ dân làng, chả lẽ cái việc cỏn con ấy làng không làm nổi để đáp đền ơn Thứ?

Làng họp kín, làng bàn kín. Nửa đêm đưa ra được quyết sách. Phải bổ đầu. Tìm ra bằng được chàng rể cho Thứ. Những đám tử tế mà tương đương tuổi Thứ chẳng còn ai. Nhẽ nào bắt Thứ lấy thằng vắt mũi chưa sạch? Không chính thất thì có thể làm lẽ. Lẽ như Thứ cũng chẳng ai dám để cho thiệt thòi. Ai được làm chồng Thứ cũng vẻ vang vinh dự như có lộc trên trời rơi xuống. Nhưng cũng phải chọn người đàng hoàng. Lí cựu già quá, lí đương có đến bốn bà, tháng đôi lần chạy vòng quanh mà ra đình thở hàm râu phập phờ như có bão. Bá Nhặn vừa mới tang cha. Thôi chỉ còn Hương Hành. Làng quyết.

Hương Hành tuổi mới tứ tuần, hãy còn tráng kiện. Nghe nói làm chồng Thứ được miễn thuế đất thuế sản ba năm. Lại thêm miễn việc làng việc hội ba năm nữa, Hành cũng ưng ưng. Hành bàn với Thị Miễu vợ cả, Miễu nhoáng cái tính ra ngay lời lãi 4 lượng vàng. Lại có thêm người làm. Tháng đôi lần bè buôn măng khô, thuốc bắc của nhà Hành từ mạn ngược cập bến chưa có người quản lí. Nhà Thứ một mẹ một con, chẳng lo Thứ tuồn của nả về nuôi bên ngoại.

Ngặt nỗi Miễu chưa có con trai. Ngặt nỗi hai vợ bé của Hành cũng chưa ai có con trai. Mà Thứ thì ruộng già mạ ngấu, hông nở eo thon dễ sinh quý tử lắm.

- Không được. Đến hổ nó còn đánh được, cả họ nhà ông dễ nó tha à. Không làm dâu nhà này được - Miễu tuyên bố.

Miễu đáo để nổi danh. Trước, khi Hành nạp hai thiếp, Miễu đuối lí là vì chưa có con trai, nhưng khi thấy hai người thiếp cũng đều không có con trai cả, Miễu giành lại thế cờ. Việc lớn việc nhỏ Hương Hành không thông qua Miễu thì đừng hòng dám định đoạt.

- Nhưng đây là việc làng, chối mà dễ à.

Hành đã nghĩ đôi cánh tay vật hổ chắc khỏe, Hành cũng đã mơ cặp háng kẹp chặt lấy đầu con hổ săn căng mịn màng. Cưỡi Thứ cứ như được cưỡi lên tấm da hổ, sôi sục lạc thú và khoái cảm. Nghĩ thế Hành đã thấy căng cứng lên, khắp người giật giật. Miễu còn định nói nữa, nhưng Hành đã vớ lấy, vật ra phản, nhún kèn kẹt. Miễu kêu la kịch liệt, chân đấm tay đá. Hành mất cả hứng, kết thúc rồi ngồi thừ.

Thứ vừa nghe làng chỉ định Hương Hành cưới mình về làm thiếp đã nẫu hết cả người ra. Nhà ấy đời đời buôn bán dọc ngang từ cái kim sợi chỉ đến vàng nén vàng thoi, chả cái gì không mua bằng tiền, chả cái gì đáng giá bằng tiền. Hương Hành thì nổi tiếng dâm dê, ở đâu có váy là lật, ở đâu có yếm là sờ. Thị Miễu vợ cả lại đanh ác, mình về đấy sượng sùng biết ra vẻ gì. U Thứ thì chầm chậm khuyên ngăn:

- Phận con như thế, về nhà người ta cũng chẳng dám đối xử tệ bạc. Dù gì thì cũng còn làng xóm trông vào...

Ừ thì phận mình. Đến việc lấy chồng cũng phải để cho cả làng định đoạt, Thứ chua chát. Thứ cứ tựa cửa mà thở dài từ sáng cho tới tối. Nhưng u Thứ thì bồn chồn ra mặt. Sao mãi không thấy nhà Hương Hành đến đánh tiếng. Dù là nạp thiếp nhưng Thứ cũng danh giá kém ai, làng quyết không có nghĩa là Thứ theo không người ta về được. U Thứ đã đếm đi đếm lại xem có mấy buồng cau, lại cẩn thận tưới thêm nước, dọn sạch gốc cho giàn trầu tươi mởn đẹp mắt. Vẫn chưa thấy động tĩnh, u mang tiếp đồ thờ ra đánh cho sáng bóng. Nửa ngày trời nữa lại trôi qua. Thêm nửa ngày cho việc quét sân, nhổ cỏ dại mọc. Nhìn u làm, Thứ những muốn lạy u đừng cố đuổi Thứ ra khỏi nhà nữa. Nhưng biết, xát muối vào lòng nhau lúc này là việc đặng chẳng đừng. Thôi cứ để cho u mừng lấy vài lần. Từ ngày Thứ đánh hổ đến nay, u vừa yêu vừa kính, vừa tự hào vừa nhún nhường, cũng lại vừa gần vừa xa với Thứ. Đẻ ra một anh hùng, dù anh hùng ấy vẫn còn bé bỏng trong vòng tay mình thì những cảm giác lẫn lộn vẫn khiến u Thứ loay hoay chẳng biết cư xử ra sao. Nó vừa là vật báu của mình, nó cũng là vật báu của cả làng. Dù sai dù đúng, u chẳng bao giờ dám nói nặng Thứ nửa lời. Chỉ biết van vỉ, thậm chí dấm dẳn dỗi thầm.

Nhưng rồi, người nhận ra việc đánh hổ chưa hẳn đã là phúc đầu tiên lại là u Thứ. Lúc Thứ còn đang say sưa theo cờ quạt võng lọng đi khắp làng trên xóm dưới, son phấn lẫy lừng, miệng cười mắt nói kể lể diễn thuyết lại màn đánh hổ thì u ngồi đếm từng ngày. Thấy mùa lễ hội năm sau, Thứ vẫn lại cờ quạt võng lọng, u chuyển sang đếm năm. Rồi khi thấy nhiều năm trôi qua, Thứ ngày càng phải bôi phấn nhiều hơn che đậy những nếp nhăn, u phiền mà không dám trách, phiền mà không dám cản. U biết, Thứ cũng chán lắm cái trò nhại đi nhại lại những màn hò hét diễn cảm ấy rồi. Nhưng từ ấy chẳng có thêm con hổ nào về làng bắt lợn, chẳng có dịch bệnh, chẳng có thiên tai, lại càng không có những chuyện gà mái gáy, hoa chuối mọc ngược hay sao băng, nhật thực kì thú xảy đến. Thế là Thứ vẫn phải làm tròn vai của mình. Người làng cũng chẳng mặn trò lắm. Trẻ con đứa nào mới biết còn hâm mộ, đứa xem nhiều năm rồi thì chạy đến nắm tai cưỡi nhong nhong con hổ giả nhồi rơm. Nhưng làng vẫn cầu Thứ diễn. Để làng khác xem. Để làng khác nể. Tàn hội, Thứ lếch thếch xách con hổ về nhà, có lúc nhìn nó nhe răng trắng ởn trong bóng tối, Thứ những muốn cho nó mồi lửa. Để cô ra tro cùng với nó cho rồi.

Lửa. Lửa ở đâu đang râm ran cháy. Lửa cháy phừng phừng. Cháy lan từ bụng lên ngực, lên cổ, lên hai má. Cháy môi, cháy tóc, cháy tay chân quờ quạng vật vã. Thứ bật dậy chạy ra sông. Mây bay hối hả, trăng hạ huyền lúc mờ lúc tỏ. Gió đưa phần phật, lau lách lúc ngả lúc nghiêng. Sóng vỗ ì oạp, nước lúc xám lúc xanh. Thứ nhảy ào xuống nước. Nước ấp vào mọi góc khuất trên thân thể. Nước ru một lúc như tay mẹ, dập nghi ngún đám cháy, để lại trên da thịt những làn khói mỏng.

Thứ về tới ngõ, va phải u sấp ngửa chạy ra. Nhà chật, người tràn cả ra sân, ra giếng, ai nấy râm ran rạng rỡ.

- Cô dâu về rồi.

- Hai họ chờ mãi, thôi đừng xấu hổ nữa, vào chào họ đi...

- Lấy ghế cho cụ Thứ ngồi đi nào, rõ khổ, cứ chạy quanh mãi thế.

Mỗi người một câu, Thứ hoa cả mắt. Thôi, cái ngày ấy cũng đến rồi. Sao số phận cứ sắp đặt hết thế này, Thứ chỉ việc ngồi đúng vào chỗ dành cho mình, làm những việc dù muốn dù không. Thứ nhìn quanh. Không, không phải nhà Hương Hành, không thấy Thị Miễu. Chỉ thấy Phó Hều nhấp nhổm giữa nhà. Trên bàn xanh đỏ tím vàng mấy khay lụa, đũi, áo tứ thân, thắt lưng điều. Toàn thứ nhà làm ra cả. Mới hôm trước còn là Hương Hành, sao giờ người đi hỏi Thứ lại là Phó Hều?

Phó Hều may mặc cho người quyền quý cả vùng này. Bàn tay có hoa bao nhiêu thì trên mặt có hoa bấy nhiêu. Thằng nhỏ phụ việc còn quả quyết với những người hiếu sự là có lúc Hều vừa may vừa lấy kim gại gại lên má, báo hại nó trước khi mang áo trả khách phải đập cật lực cho hàng vốc nhân trứng cá văng hết đi. Phó Hều cũng nổi tiếng ki keo. Kết thúc mỗi buổi làm Hều mang cân ra cân từng bị vải vụn. Đến những cuộn chỉ Hều cũng mang cân, biên vào sổ cẩn thận. Thằng nhỏ nhiều lúc chơi khăm, nó đến trước, phun nước vào vải, phun vừa đủ âm ẩm thôi. Đến lúc Hều cân lại, không tin vào mắt mình, mặt thuỗn ra, tay dò theo sổ, mồm lẩm bẩm: “Chả lẽ vải đẻ”.

Thế mà giờ đây Hều dám bỏ ngần kia thứ quý giá ra để hỏi Thứ, hẳn đánh hơi được món hời. Thứ chẳng nói gì, lẳng lặng đi vào buồng. Mãi sau Thứ trở ra, mặt hoa da phấn, ai nấy chưa kịp mừng thì đã thấy cô vứt uỵch con hổ nhồi rơm ra giữa nhà. Rồi Thứ huơ con dao găm sáng loáng lên, mắt long sòng sọc. Màn này năm nào cũng diễn đi diễn lại, nhưng là ở sân đình. Giờ trong gian nhà chật hẹp thế này, lại chẳng lễ lạt hội hè gì. Chẳng phải đầu cũng phải tai, chức sắc quan khách đằng giai xanh mắt bấm nhau lủi nhanh cho yên. Thứ hú, Thứ hét, múa may quay cuồng cho khản giọng, chóng mặt thì ngồi phịch xuống. Trong bóng tối âm âm, chỉ còn mỗi hai mẹ con. Đồ đạc lễ lạt cũng cuốn theo người đi cả rồi. U Thứ chẳng biết làm sao, lại chạy ra chạy vào, hai tay huơ lên thả xuống bất lực. Thứ nhìn theo u, nhìn nắng lóa ngoài kia, hoa cả mắt.

Làng đồn, cô Thứ lẩn thẩn hóa điên rồi. Thứ chẳng buồn nghe ai nói gì nữa. Chỉ có u là tất tả nghe chỗ này, ngóng chỗ kia rồi về nằm sượt ra võng, lúc nào cũng ầng ậng nước mắt. Sốt hết cả ruột. Nhiều lúc Thứ muốn cáu lên. Muốn gắt lên. Hoàn cảnh đã trớ trêu khổ sở lắm rồi, oằn mình gánh chưa đủ hay sao mà người nhà còn muốn chất nặng thêm? Đến khi u nghe rõ mười mươi bà mối nói Phó Hều nhận lời Thị Miễu thay Hương Hành đi hỏi Thứ về làm vợ là để đổi lấy nửa bè the Tàu. Chả là làng giục quá rồi. Nếu Hương Hành không chịu trách nhiệm cưới Thứ thì chức hương trả về cho làng, cắt suất hội họp đánh chén ngoài đình, thiên hạ gọi ông hay thằng mặc kệ. Chỉ có Thị Miễu mới nghĩ ra chiêu này. Trong khi cả làng đồn đoán om lên về cô Thứ hóa rồ thì chỉ có Thứ, Miễu, Hều, Hành là chẳng lạ gì sự tình. Khi mọi thứ đã yên ổn, u Thứ mới tạm yên tâm, con mình chưa đến nỗi mất hết trí khôn. Bà lại quay ra thì thầm gì đó với bà mối, ra chiều tâm đắc lắm.

Thế rồi cô Thứ cũng lấy chồng.

Lấy anh Điền. Đám cưới cô cả làng góp gạo góp thịt góp rượu góp công ăn uống linh đình hai, ba ngày trời. Cô dâu chú rể mặt mày rạng rỡ. Song thân chỉ có mỗi u Thứ và bà mối, hớn hở cười nói đến quên ngày quên đêm. Cưới xong, anh Điền chuyển hẳn đến ở rể, tiện bề chăm sóc cho mẹ con nhà Thứ. Chẳng là, chú rể vốn người ngụ cư, một thân một mình lang bạt đến đây đã dăm năm, chỉ được cắm lều rìa làng. Nay lấy Thứ, làng chính thức công nhận chú rể là con dân của làng, được tháp tùng vợ hội hè lễ tết, có chết cũng được chôn cất tang ma đàng hoàng. Chưa kể, gặp Điền lần đầu Thứ đã ưng ngay. Điều này khiến Điền tự thấy mình oai lên mấy bậc. Đám dọn dẹp xong, tân lang tân nương đóng cửa động phòng. Không chỉ mình u Thứ nghe ngóng, cả làng cũng nghe ngóng.

Sáng ra, mãi chẳng thấy cửa mở, u Thứ hồi hộp phập phồng, vừa đi lại vừa vuốt ngực. Sau sốt ruột quá, bà mang chổi tre ra quét sân sàn sạt, cũng là để ý tứ đuổi những người hiếu sự ngấp nghé bên bờ giậu. Trở vào nhà, đã thấy anh Điền đang uống nước chè, đứng dậy chào u rồi lững thững ra vườn. U Thứ lật đật chạy vào buồng cưới, thấy Thứ nằm thiêm thiếp thì lại rón rén đi ra. Bữa trưa thấy Thứ buồn buồn, trong lòng bà đầy nghi hoặc. Quẩn quanh mãi bên con, đánh bạo mấy lần mới dám dạm lời thì Thứ dấm dẳn:

- Chẳng sao sất.

Rồi cũng lại bỏ ra vườn. Vừa khuất bóng thì thấy Điền quay trở vào, lại chào u rồi chui vào buồng nằm. Võng đưa trèo trẹo.

Thực ra, Thứ rất muốn gục đầu vào vai u mà khóc, mà kể lể tâm tình. Nhưng Thứ biết kể gì bây giờ? Chẳng lẽ kể lại với mẹ rằng suốt đêm tân hôn hai đứa ngồi nhìn nhau? Thứ mong chờ mãi cái giây phút kì diệu ấy xảy ra. Thứ đã hình dung về nó rất nhiều lần, nhưng chịu chẳng biết nó sẽ bắt đầu ra sao. Chỉ biết nếu trong người rạo rực thì tự xoa vuốt khắp núi đồi suối khe. Xoa vuốt mãi không dìm xuống được, người cứ căng lên, nóng rẫy thì ra sông, nhảy ùm xuống nước cho nguội lạnh bớt đi. Tất cả chỉ vậy, tịnh không có gì hơn. Có ai bảo mà Thứ biết. Lúc còn bé thì chẳng ai nói cho. Lúc bạn bè túm bảy tụm ba bàn chuyện yêu đương liếc mắt đưa tình thì cũng là lúc u Thứ vừa bốc phải lá thăm oan nghiệt, đến lượt Thứ phải cống mình cho ông ba mươi. Trong cả năm trời, khi Thứ héo hon sầu muộn lo lắng mình sắp đi vào chỗ chết thì gái tân trong làng hối hả lấy chồng chả sợ năm sau lại đến lượt làm mồi cho hổ. Rồi khi đám gái vừa dậy thì ấy chụm đầu thì thào truyền tai kinh nghiệm phòng the cũng là lúc Thứ âm thầm chống lại mệnh giời, mài dao cho sắc, lận kĩ cạp quần. Sau đó, đánh hổ chết rồi, Thứ là liệt nữ, ai còn dám bàn những chuyện lăng nhăng trước mặt cô nữa. Thứ cũng mải mê hội hè đình đám, không bạn bè, tâm sự được với những mẹ sề nheo nhóc cái con. Cứ thế, lũ trẻ mới lớn lên, lớp người cũ già đi. U Thứ cũng quên, bà mối cũng quên. Chính Thứ cũng quên, không nhớ ra rằng mình chẳng biết gì về chuyện này. Thứ cứ nghĩ, chuyện động phòng trăm sự tại tân lang. Đàn ông sẽ biết cách dìu dắt đàn bà đến những bờ bến mới.

Nhưng chờ mãi Điền vẫn không nhúc nhích. Không lẽ, Điền cũng không biết gì? Vô lí, người đi cùng trời cuối đất như Điền, đã ngoài ba mươi tuổi như Điền, có tấc đất mà dùi không biết cắm thì có họa là ương. Thứ nhìn rõ là Điền không ương. Trong lòng đầy rạo rực, Thứ chờ đợi một trận cuồng hoan cho bõ ba mươi năm lẻ bóng. Thế rồi, tất cả chỉ là sự im lặng. Thứ ngồi chết trân trên giường, nhìn Điền lóng ngóng hết đứng lại ngồi trên chiếc ghế đẩu.

Gà gáy nheo nhéo ngoài song, Thứ vẫn ngồi. Ủ rũ, mắt vằn đỏ, Điền lí nhí:

- Mình, mời mình ngả lưng.

Thứ mừng thầm, tiếp lời:

- Mình cũng lên đây đi.

- Thôi, tôi... nằm võng được rồi...

Thứ nghẹn họng. Đây là lần đầu tiên vợ chồng ở riêng với nhau. Lần thứ nhất Điền đến cho Thứ xem mặt. Lần thứ hai là lễ thành hôn. Những lúc ấy cả hai đều sượng sùng, ai bảo gì làm nấy, chẳng kịp nghĩ ngợi gì. Giờ trơ hai đứa ra. Đêm tân hôn mà đứa nằm giường, đứa nằm võng là sao? Thứ cứ ngồi đấy, Điền cũng không dám rời ghế. Cho đến sáng.

Chẳng ai nói, thế mà chuyện anh Điền sợ vía cô Thứ không làm nổi đêm tân hôn đã truyền khắp làng. Đồ ngu, bao kẻ ao ước không được, mèo mù vớ cá rán lại còn... Ôi dào, con ngựa ngửi thấy phân hổ còn nhũn cả tứ chi. Cô Thứ đánh chết hổ, lại năm nào cũng xách xác hổ đi diễn trò, mùi hổ nó bám vào người, vía hổ nó ăn vào máu, anh cu Điền không nhũn mới là lạ. Chẹp, phải chi vào tay mình. Cứ gọi là... như hổ lồng. Râm ran từ làng trên xóm dưới. Chuyện bê bối đến nước này, u Thứ chẳng dám thò mặt ra khỏi cửa, đành viện bà mối đến trò chuyện với Thứ.

Bà mối vận dụng kĩ năng hơn bốn mươi năm ăn trầu cau của thiên hạ ra gằn gở, quát nạt, nịnh nọt Thứ đẫy buổi chiều. Trước khi ra về, bà kín đáo nháy mắt với u Thứ, đảm bảo mọi chuyện xong xuôi. Trống ngực người già lại một phen loạn nhịp.

Thấy Thứ ngồi trên võng, tóc xõa lưng trần, dải yếm thắt hờ hững bên eo, thả xuống đường hông căng vồng, anh Điền sững sờ. Cô Thứ quay ra cười bẽn lẽn, răng đen lay láy, hai má đỏ hồng, anh Điền đi như mộng du về phía cô. Thứ đón lấy ánh mắt chồng, Thứ quấn quện lấy ánh mắt ấy, Thứ xiết chặt ánh mắt ấy như hai cơ thể xát vào nhau quằn quại. Anh Điền đến bên, vẫn cứ ngây ra, cuộc vặn xoắn trong mắt Thứ chợt ngưng bặt. Thứ vớ lấy chiếc lược ở bên:

- Mình chải tóc cho tôi nhé.

Anh Điền cũng chỉ chờ có thế, quỳ xuống, hai tay run run, đỡ từng món tóc của Thứ lên chải đều, chải đều. Tóc đã mềm như nước, mượt như tơ rồi, Thứ lại bảo:

- Mình vấn tóc cho tôi nhé.

Anh Điền loay hoay vụng về mãi, mái tóc vẫn xổ tung. Thứ nắm lấy tay anh, kiên nhẫn tỉ mẩn hướng dẫn từng bước. Tóc vấn xong rồi, anh Thứ vẫn nửa ngồi nửa quỳ bên võng. Thứ bám lấy cổ anh, thì thầm:

- Mình bế tôi lên nhé.

Liền sau đó, Thứ thấy cảm giác chông chênh khi cơ thể được đưa lên không trung, thấy vòng tay Điền chắc nịch đỡ bên người mình. Cô áp môi vào má chồng, cô oằn người để cả bầu ngực mình cọ xát lên ngực chồng. Cơn bồng bềnh rạo rực lên cao khi lưng cô cảm nhận được chiếc giường phía dưới, ngay lập tức, cô vít cổ anh Điền xuống, cả hai quấn lấy nhau, ngấu nghiến, riết róng. Thấy sức nóng dồn cả vào một con vật cứng ngắc, động đậy, Thứ chồm lên trên, lùa tay toan tóm lấy nó thì khi vừa chạm tay vào, con vật lập tức như bị kim chích, ỉu dần rồi mềm oặt trong tay cô. Anh Điền lật mình nằm nghiêng, tay Thứ rơi vào chơi vơi. Phải kiên trì, bà mối đã dặn thế. Thứ úp mặt vào lưng chồng, vòng tay xoa xoa bộ ngực lực điền của anh. Hơi thở anh Điền đã trở lại đều đều, nước mắt Thứ cũng lặng lẽ ướt đẫm một bên má tự bao giờ. Bất ngờ, anh Điền quay trở lại, cô Thứ cũng vội vàng trở mình, tránh cái nhìn của chồng. Đến lượt anh Điền tay chống đỡ đầu, tay kia vuốt nhẹ lên bờ vai trần của cô, vuốt mãi, vuốt mãi. Gà lại gáy.

Ánh đèn dầu vẫn liu diu. Một hình thù kì dị hất bóng lên tường, Thứ giật mình đánh thót. Bị cái giật mình của Thứ làm cho chú ý, anh Điền hình như cũng nhìn theo Thứ, phát hiện ra con hổ nhồi rơm vẫn còn để góc buồng. Thứ trách thầm, sao buồng tân hôn mà mình quên không bỏ con hổ ra, chả trách... Cô bật dậy, xách con hổ vứt ra khỏi buồng, quay vào đã thấy anh Điền nằm vắt tay lên trán, nhìn trân trân lên trần nhà.

- Mình...

Thứ bỏ rơi câu nói kèm tiếng thở dài. Cô nằm trở lại bên chồng. Mắm môi. Quyết định.

- Mình nghe tôi kể chuyện đánh hổ nhé.

- Nghe kể mãi ngoài đình rồi còn gì.

- Mình cứ nghe tôi kể lần này nữa thôi.

Cũng nằm trân trân mắt lên trần nhà, Thứ nhớ lại cái buổi sáng hôm ấy, cách đây hơn chục năm trời. Khi ấy Thứ còn trẻ lắm. Bị bỏ lại bìa rừng đầu làng sau khi tế lễ linh đình, Thứ khóc rạc rời. Xung quanh im lặng như tờ, không có cái gì để Thứ có thể bấu víu. U Thứ thì đã ngất đi, nằm thiêm thiếp trên giường từ lâu. Chồng mất sớm, nhà có mỗi mụn con gái an ủi về già, thế mà đành phải cam tâm nhìn làng trống dong cờ mở đưa con vào chỗ chết. Lệ làng thế rồi, nếu không tuân thủ, cả làng sẽ mắc đại dịch, sẽ gặp tai ương, sẽ bị thần rừng trừng phạt. Suốt nửa năm trời, từ khi bắt phải lá thăm oan nghiệt, Thứ bao lần toan dắt u bỏ trốn, lần nào cũng bị cánh tuần đinh bắt được giải về. Có phải mỗi tuần đinh đâu, cả làng này giờ đều canh chừng u con Thứ. Chả Thứ trốn mất, có thể chính con gái họ phải thế thân.

Nằm bẹp trong chiếc cũi tre, xiêm áo lượt là, điểm trang lộng lẫy đã trở nên nhàu nát, nực cười, có lúc Thứ lần con dao dắt sâu trong cạp váy, toan tìm cách kết liễu đời mình cho xong. Chẳng thà tự chết còn hơn là bị con thú vằn vện cắn xé tơi bời thịt da, xương trắng máu tanh vung vãi khắp nơi. Nghĩ đến hổ, Thứ lại đầm đìa mồ hôi, gân cốt nhũn ra, tim co thắt lại, sống không bằng chết, khổ sở vô bờ. Con hổ thọt này đã lần mò về làng bảy, tám năm trời. Đầu tiên là bắt lợn bắt trâu, rồi rình bắt người lúc tối trời. Gần chục mạng cả già trẻ gái trai bị nó tha đi. Đặt bẫy thế nào nó cũng không sập. Mấy cuộc đi săn đều thất bại trở về. Trâu lợn vẫn mất. Mạng người vẫn mất. Chẳng biết chức sắc trong làng tìm đâu được một thầy thống, thầy lập đàn khấn khứa ngót ngày trời, phán đây là con hổ đực góa vợ, mỗi năm làng phải nộp cho nó một gái trinh để nó giải khuây thì mới mong yên ổn. Làng bắt ngay một cô bé 15 tuổi dâng lên. Tiếng kêu khóc tưởng quỷ sứ dưới địa ngục cũng phải động lòng. Thế rồi, làng được yên ổn một thời gian dài. Nhiều kẻ cuồng tín bắt đầu thêu dệt những chuyện hoang đường. Vài năm sau, chẳng ai hơi đâu mà thương xót nữa. Người ta chỉ lo lắng tai ương ập xuống gia đình mình. Người ta vui mừng hớn hở khi kẻ khác bắt phải thăm, thở phào trút được gánh nặng rồi sau đó vội vàng gả chồng cho con. Trai gái trong làng chẳng có thời gian kịp tìm hiểu nhau. Nửa đầu năm thì trai làng nghe ngóng xem liệu đến lượt cô gái nào bị nộp mạng cho hổ để mà tránh ra. Lỡ phải lòng nhau rồi mà đến lượt cô gái đi làm vợ ông ba mươi thì mắc tội lớn, phải ra đình sửa lễ xin tạ lỗi với thần. Còn nửa năm sau, khi đã xác định con gái thoát nạn năm nay, các bậc phụ huynh vội vã đánh tiếng, thậm chí hứa hẹn những món của hồi môn cao để nhà trai rước dâu cho nhanh. Nhiều cô mười ba, mười bốn tuổi còn ham đánh chắt đánh chuyền đã phải vội vã vu quy. Nhà Thứ cũng đánh tiếng dăm nơi, nhưng vì nghèo, không những không có của hồi môn lại còn đèo bòng thêm u Thứ nay ốm mai đau nên Thứ 17 tuổi rồi mà vẫn trơ ra đấy. Đến ngày phải đi “làm vợ” hổ.

Thứ đã ngất đi bao lâu, tỉnh lại trời đã ngả chiều. Cả ngày trời gào khóc, sợ hãi, Thứ không còn chút sức lực nào. Chắc sắp đến giờ hổ đến, Thứ cuống cuồng cứa đứt sợi dây trói. Làng cẩn thận, đã trói chặt chân tay Thứ lại. Con dao sắc giấu kĩ trong người cứa đi cứa lại mãi nhưng vì chân tay run rẩy nên nhát trúng nhát không. Giờ đến lượt cứa dây trói chân. Xong. Thứ xoa chân xoa tay, đi đi lại lại trong cũi, bồn chồn. Thứ lay lay các thanh nan. Nan cũi làm bằng tre đực, chằng kĩ bằng chão gác bếp lâu ngày. Thứ lại cầm chắc con dao, kiên nhẫn miết từng nhát. Bao nhiêu mồ hôi chảy ra, sợi chão vẫn trơ như đá. Nghỉ một lúc rồi lại cứa. Nghỉ một lúc rồi lại cứa. Phải có việc gì làm, phải tự cho mình một lối thoát. Còn hơn là cam tâm chờ chết.

Chợt thấy chim bay dáo dác trên các ngọn cây, gió ù ù thổi. Một mùi hôi khét sực đến. Thứ run lập cập. Ráng chiều đổ lai láng. Hai mắt hổ đỏ như hòn than. Toàn thân nó giật cục theo từng bước đi. Thứ hoảng loạn, suýt hoá điên. Hổ lừ lừ tiến đến bên chiếc cũi. Thứ ngất.

Tỉnh dậy, thấy con hổ vẫn nằm đường bệ bên cũi, dáng uể oải, thi thoảng ngáp vặt một cái, hàm răng sắc nhọn, Thứ chết khiếp. Nó nhìn Thứ, Thứ nhìn nó. Cái màu vàng sọng sọc đen mượt mà. Cái đầu ghếch lên chân trước, mắt lim dim, thi thoảng vẫy vẫy tai, xua đi những con nhặng, con ruồi vo ve bám đậu lên nó. Thứ bất động. Thở còn phải nén hơi. Con hổ cứ như đang chơi trò cân não. Nó không vội vàng, hoặc nó đang no, hoặc nó đang mệt. Nó ngắm nhìn con mồi chắc chắn không thể chạy đi đâu được. Cứ thế, Thứ dần dần xuội xuống, hồn chơi vơi trên thân xác nặng trĩu. Không thể thế được. Thứ nhìn thấy con dao lóe lên trong ánh chiều. Một quyết định khiến sau này nghĩ lại cô vừa ân hận vừa tâm đắc. Mũi dao vung lên, cắt vào tay một đường sắc ngọt khiến Thứ tỉnh táo hẳn. Cái đau nhắc nhở Thứ đang tồn tại, đang đối diện với con hổ. Nhưng nhát dao cũng làm máu cô chảy xuống. Mùi máu tanh đánh thức bản năng săn mồi của con hổ. Một cái vả sướt qua vai khiến Thứ xây xẩm mặt mày. May sao, chiếc cũi khá rộng, bàn tay con hổ thò vào vươn hết cỡ cũng vẫn cách Thứ một đốt ngón tay nếu cô ép chặt vào thành cũi bên kia. Con hổ càng say mồi, lồng lộn. Nó điên cuồng lao vào cũi, vả, thúc, dồn Thứ từ tứ phía. Thứ chạy bên này, chạy bên kia, tóc tai xổ tung, không biết mình cầm cự được bao lâu. Chiếc cũi đóng chắc so với sức người nhưng chẳng thấm vào đâu so với sức hổ. Máu Thứ chảy càng nhiều, nó lao càng mạnh hơn, có lúc nhảy cả lên nóc cũi, các thanh giằng xô lệch. Ở chỗ lúc trước Thứ ra sức cắt, sợi chão lỏng dần rồi bung ra. Lúc này, Thứ đối diện với con hổ qua cửa chiếc cũi đã hổng một bề. Thứ chỉ biết lùi sát vào bên trong, thủ thế, dù biết rằng chả mấy chốc nữa nằm gọn trong vuốt hổ. Nhưng không. Con hổ lại chờn vờn. Nó lại đứng đó, ngắm nhìn Thứ, chậm rãi, ra chừng không vội vàng. Mũi dao kia làm Thứ mất máu, nhưng cũng làm Thứ tỉnh, cũng làm con hổ có động thái để dứt khoát cảnh Thứ phải chờ đợi cái chết đến từ từ. Song, lần này thì con hổ lại bắt Thứ đợi.

Thứ nhìn quanh. Đã tối rồi. Cầm chắc chạy không thoát. Không có cây to nào có thể leo lên. Con hổ lượn sang bên phải, lại lượn sang bên trái. Cái chân thọt khiến dáng đi của nó kì cục, nhưng cũng khiến Thứ nhớ đến sự khôn ranh, gian xảo của nó. Bóng tối ập xuống, chỉ còn nhìn thấy hai mắt con hổ sáng quắc. Thứ thoắt nóng thoắt lạnh. Bụng đói cồn cào. Chân tay mềm nhũn. Lần này Thứ dứt khoát vung dao lên. Đành tự kết liễu đời mình cho thoát cảnh trần ai này.

Con hổ lao vút đến. Hình như nó sợ con mồi chết, mất ngon. Chỉ trong chớp mắt, lưỡi dao chưa kịp chạm vào cổ thì con hổ đã lù lù trước mặt, đã thấy cả gió từ cú lao của nó phất vào mặt Thứ. Tối sầm lại.

Sức nặng khủng khiếp đè lên người. Mùi hôi, mùi tanh, vị mặn tràn cả lên má, lên mặt, bít lấy mũi Thứ. Cố sức cựa quậy, thoát khỏi sức nặng kinh hoàng đè lên mình, Thứ phát hiện ra bên tay nắm chặt chuôi dao đang cắm chặt vào người con hổ đã tê cứng. Hình như bị sai khớp. Cú lao của con hổ ác liệt như thế. Có thể đúng lúc con hổ lao đến, bản năng sinh tồn đã khiến mũi dao của cô đổi chiều, hướng lên trên đúng vào chỗ phạm khiến con hổ tự kết liễu đời mình. Trời tối đen như mực, chẳng biết đã là canh mấy. Thứ không nhìn thấy gì, chỉ cẩn thận sờ khắp người con hổ. Biết chắc là nó đã chết, Thứ không còn bất cứ nỗi sợ nào. Điều đáng sợ nhất thì đã nằm đấy, chỉ là đống thịt lạnh tanh, còn sợ gì nữa. Thứ quờ quạng xung quanh, vớ được mấy đoạn chão. Cô lần mò nối chúng lại, trói vào con hổ, nhắm hướng về làng, gò lưng kéo thẳng.

Ngừng một lát, Thứ nhìn chồng, vẫn thấy anh chăm chú nghe.

- Mình không bị thương tí nào à? - Anh Điền nhỏm dậy hỏi.

- Có. Nhưng không đáng kể. Tôi cứ lầm lũi kéo con hổ về làng. Không gây một tiếng động. Chó ngửi thấy hơi hổ, tự dưng len lén nằm phục, câm mõm hết thảy. Tôi về đến nhà, trong nhà vẫn còn đèn. Trên bàn thờ bài vị tên tôi khói nhang nghi ngút. U ngồi ở phản. Tôi vào tận nhà, u vẫn không buồn nhìn ra, ngỡ bọn tuần đinh. Sau khi mẹ con ôm nhau khóc lóc kể lể chán chê thì bọn tuần đinh và chức sắc trong làng kéo đến. Cả lũ trợn mắt nhìn con hổ nằm một đống. Việc đầu tiên chúng bắt tôi là đi tắm rửa thay quần áo. Vừa xong thì trời sáng. Trống mõ rộn ràng. Kiệu khiêng tôi đi trước, đòn khênh hổ đi sau.

- Sao ở ngoài đình mình... kể khác?

- Đằng nào thì con hổ chả chết dưới tay tôi.

- Thế hả...

- Ừ.

...

- Mình...

Thứ gọi thêm câu nữa. Anh Điền đã ngáy.

Sáng sau, u Thứ nhìn mặt Thứ, dò xét. Thấy Thứ vẫn lặng thinh, u chỉ biết vào bếp, khóc dấm dúi, khóc thầm. Ấy vậy mà sáng hôm sau, sáng sau nữa, cứ thấy vợ chồng dậy muộn. Thứ tươi tỉnh hẳn, dáng đi uyển chuyển, mượt mà. Thêm vài tháng nữa, Thứ vác cái bụng lùm lùm, đi như giễu qua mặt bàn dân thiên hạ. Chỉ thấy anh Điền đăm chiêu hơn. U Thứ khỏe hẳn ra, chả thấy ốm đau bệnh tật gì nữa. Vừa chăm lo cho con gái, u vừa hết sức chiều chuộng con rể. Một bữa, đi chợ về, trời sầm sập giông gió, u nghe anh Điền quát:

- Dậy. Dậy chạy thóc ngay. Chỉ biết nằm ườn ra đấy à.

U vội thụt trở ra ngoài hàng rào. Thấy Thứ cung cúc cào thóc, bê thúng.

Nước mưa chan hòa trên má u tự bao giờ. Rồi u lại cười. Tủm tỉm.

Hội làng năm sau, Thứ vừa hết cữ. U Thứ ẵm bồng “thằng chó con của bà”, giục giã hai vợ chồng sánh vai nhau đi. Vội vã thế nào, đến hội vẫn chưa hóa trang, Thứ mượn phường chèo lọ phấn, quét vài đường cơ bản. Ngoài đình, làng nhốn nháo hết cả. Sao lâu thế nhỉ, mãi chưa mở màn. Nhanh lên, nhanh lên. Tiếng trẻ con bắt nhịp, tiếng trống chiêng, thanh la, não bạt thúc dồn dập. “Cô Thứ vẫn chưa xong”, có tiếng ai đó nói vọng ra. “Chả Thứ thì phường chèo ra hát trước cũng được. Chả vỡ hội bây giờ”, có ai đó nói vọng vào. Tiếng đùn đẩy, ấm oái vọng vào mỗi lúc một gắt gao. Lí trưởng toát mồ hôi đầu, khăn mũ vắt vai, tất tả chạy vào, thét:

- Có nhanh không. Cắt suất bây giờ.

Thứ xách con hổ ra, đang mải đâm, chém thì có tiếng cười rinh rích, rồi cả hội cười vang như vỡ trận. Thứ đưa mắt nhìn xuống, đám đông, nhất là đàn ông con trai mắt sáng rực như hổ. Chột dạ, Thứ thấy man mát, ươn ướt nơi ngực. Hóa ra bầu sữa căng, thấm ướt cả khoang áo tự bao giờ, làm nhô lên hai vú sữa to như ấm tích, nhũ hoa hằn qua yếm áo. Luống cuống, Thứ xoay người xách hổ chạy vào trong, tìm mãi chả thấy anh Điền đâu.

Thứ cắm cổ đi về.

Nước mắt thánh thót chảy xuống nơi đau nhói, nặng trĩu.

Cuối cùng thì Thứ cũng đã trả xong món nợ anh hùng để về làm vợ, làm mẹ!

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast