Hỗ trợ 50% tiền giống lúa chuyển đổi trong vụ xuân 2013

Nhằm góp phần đưa vụ xuân 2013 đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh vừa đồng ý chủ trương trích ngân sách Nhà nước các cấp để hỗ trợ cho người sản xuất.

Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 50% tiền mua giống lúa (ngân sách tỉnh 20%, ngân sách huyện 30%) để chuyển đổi trà xuân sớm sang trà xuân muộn (khoảng 5.500 ha); 50% còn lại người dân tự chi trả.

Cụ thể: giống lúa thuần (N98, HT1, VTN2, RVT) có mức hỗ trợ 12.500 đồng/kg (tương đương 50% giá bình quân các giống lúa thuần là 25.000 đồng/kg), giống lúa lai (TH3-3, Nhị ưu 838, Syn 6) có mức hỗ trợ từ 30 - 50 ngàn đồng/kg (tương đương 50% giá các giống lúa lai từ 60 - 100 ngàn đồng/kg). Việc hỗ trợ chỉ được tiến hành với các loại giống mua chứ không áp dụng đối với những giống mà người dân có sẵn.

Bỏ trà xuân sớm, Hà Tĩnh sẽ chuyển mùa vụ từ sản xuất đông xuân sang sản xuất vụ xuân

Bỏ trà xuân sớm, Hà Tĩnh sẽ chuyển mùa vụ từ sản xuất đông xuân sang sản xuất vụ xuân

Cùng đó, ngân sách nhà nước còn hỗ trợ 80% tiền mua ni-lông (ngân sách tỉnh 50%, ngân sách huyện 30%) để che phủ mạ trà xuân muộn (dự kiến 900 ha, ước 32.000 ha lúa cấy); 20% còn lại người dân tự chi trả. Mức hỗ trợ từ ngân sách là 32 ngàn đồng/kg (tương ứng 80% giá mua ni-lông là 40 ngàn đồng/kg).

Ngoài ra, UBND tỉnh còn hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật tại các cụm sản xuất cho cán bộ Phòng NN&PTNT (hoặc Phòng Kinh tế), Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng - vật nuôi các huyện, thành, thị và Trưởng Ban khuyến nông xã, phường. thị trấn.

UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành, thị tăng cường tuyên truyền, vận động đến tận địa phương, cơ sở và người dân về Kế hoạch sản xuất nông nghiệp, Đề án sản xuất và chính sách hỗ trợ sản xuất vụ xuân 2013 của tỉnh để người dân biết, chủ động, tự giác chấp hành, đặc biệt là vụ xuân sớm nhằm chuyển sang xuân muộn, lựa chọn giống đúng với cơ cấu bộ giống của tỉnh; thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác, nhất là bắc mạ che phủ ni-lông để cấy nhằm tránh thiệt hại do rét đậm, rét hại.

Trường hợp nếu do chủ quan không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để mạ, lúa chết rét thì ngân sách huyện và người dân chịu trách nhiệm mua bổ sung giống để bắc lại mạ, cấy hết diện tích chứ ngân sách tỉnh không hỗ trợ lại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast