Thi tốt nghiệp năm 2010 : Những lưu ý quan trọng trước “giờ G”

Ngày 2-6, hơn 1 triệu thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010. So với các kỳ thi trước, kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi với các quy định siết chặt hơn, đòi hỏi thí sinh phải nắm rõ các quy chế thi và chuẩn bị thật chu đáo để tránh những sai lầm đáng tiếc.

Thận trọng với phần riêng

Theo quy chế thi năm nay, thí sinh “được lợi” hơn so với năm 2009 là được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài chứ không quy định như cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2009 (thí sinh học chương trình nào thì chỉ được làm phần dành riêng cho chương trình đó). TS Trần Văn Kiên, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT lưu ý: Khi làm bài thí sinh phải đọc kỹ đề, xem phần nào hợp với khả năng mình để làm chứ không nên “tham” làm cả 2 phần của phần riêng. Vì theo quy định nếu thí sinh làm cả hai phần của phần riêng, dù đúng nhiều hay ít, dù làm trọn vẹn hay chỉ làm một số câu thì cũng không được chấm điểm phần riêng, chỉ được chấm phần chung.

Mặc dù năm nào Bộ GD-ĐT cũng đặc biệt nhấn mạnh thí sinh cần lưu ý điểm này, nhưng vẫn có thí sinh mắc lỗi, làm cả 2 phần của phần riêng khiến bị “mất điểm” oan uổng.

Dụng cụ thi: đúng, nhiều để “dự phòng”

Theo quy chế thi tốt nghiệp năm 2010, thí sinh được mang vào phòng thi những vật dụng liên quan đến việc làm bài thi, gồm: bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì (gôm), compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình. Máy tính cầm tay phải là loại máy tính được Bộ GD-ĐT công bố, không được mang máy tính có thẻ nhớ và có chức năng soạn thảo văn bản. Đối với môn Địa lý, thí sinh được quyền mang theo atlas và cần mang theo bút chì (nếu đề thi yêu cầu vẽ biểu đồ tròn).

Ông Mai Phú Thanh, chuyên viên môn Địa - Sở GD-ĐT TPHCM, tư vấn: “Tốt nhất thí sinh nên chuẩn bị 2 - 3 cây bút chì cùng loại. Các dụng cụ được mang vào phòng thi nên chuẩn bị thêm cái dự trữ khi cần. Đặc biệt, đối với môn Địa lý, thí sinh nên mua atlat địa lý Việt Nam do NXB Giáo Dục ấn hành, xuất bản năm 2008 và không được mang atlas mua trước năm 2005”.

Chú ý giờ giấc

Theo quy chế thi, tất cả các trường hợp đến muộn sau thời điểm tính giờ làm bài đều không được dự thi. Ngày thi đầu tiên thí sinh phải có mặt tại hội đồng thi trước 60 phút, các ngày còn lại trước 30 phút”.

Đối với môn thi trắc nghiệm, thí sinh cần lưu ý chỉ ra khỏi phòng thi khi hết thời gian làm bài, khác so với môn thi tự luận (thí sinh được phép ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài và phải nộp môn thi, bài thi, kèm với đề thi, giấy nháp).

Môn trắc nghiệm: tuyệt đối không bỏ sót câu

Các giáo viên tư vấn: Nguyên tắc khi làm bài thi trắc nghiệm là không để cho mình bị “dính chết” với một câu hỏi nào. Hãy dành khoảng một phần tư thời gian “duyệt đề”, trong quá trình này thế nào ta cũng gặp được một số câu có thể trả lời dễ dàng; hãy trả lời ngay những câu đó. Với những câu khó, hãy để lại cho tới phút cuối cùng, nếu vẫn còn thấy “bó tay” thì đành phải suy đoán mà chọn ra cách trả lời. Với đề thi trắc nghiệm, tuyệt đối không để lại câu nào.

Ngoài ra, đối với bài thi trắc nghiệm, khi cần xóa sạch vết tô sai. Không nên tô quá mờ (máy không nhận thấy) dễ mất điểm. Khi nhận đề phải kiểm kỹ số lượng trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện đề thi thiếu trang, nhòe, mờ, rách… phải báo ngay với giám thị chậm nhất 15 phút sau khi phát đề.

Lưu ý màu mực bài thi

Thí sinh cần lưu ý là không được làm bài bằng bút chì (ngoại trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu làm bài thi trắc nghiệm). Bài thi chỉ được viết bằng một thứ mực, không được dùng mực đỏ. Vì vậy, tốt nhất thí sinh nên đem nhiều bút cùng màu để dự trữ. Phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không được tẩy xóa bằng bất kỳ cách gì. Bài thi phải viết rõ ràng, không được đánh dấu ký hiệu riêng.

Một điểm mới cần lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp là “barem” chấm thi tốt nghiệp THPT chi tiết đến 0,25 điểm (giống như barem chấm thi đại học). Nên đối với các môn tự luận, thí sinh nên lập dàn ý và trả lời đúng trọng tâm câu hỏi để tránh bị mất điểm.

Chú ý giấy tờ quan trọng

Trong trường hợp chưa được cấp hoặc mất CMND phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền; nếu gia đình thí sinh không có sổ hộ khẩu riêng, có thể sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong sổ hộ khẩu.

Đối với thí sinh được cộng điểm khuyến khích, nên kiểm tra lại đầy đủ giấy chứng nhận. Đặc biệt lưu ý là các giấy chứng nhận này phải nộp trước ngày thi, nếu nộp sau sẽ không còn giá trị.

Nguồn: Sggp oNLINE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast