Cùng xuân ra Trường Sa

(Baohatinh.vn) - Trung tuần tháng Chạp, cầu Cảng Vùng 4 Hải quân (Cam Ranh - Khánh Hòa) sôi động hẳn lên bởi công việc tiếp nhận, đóng gói, bốc xếp hàng tết phục vụ bộ đội Trường Sa đón tết, vui xuân...

Cái nắng oi nồng của những ngày đông thời “biến đổi khí hậu” không hề làm vơi đi không khí hối hả, tấp nập, khẩn trương. Những đoàn xe tải biển đỏ, biển xanh, biển trắng xếp hàng dài chờ vào bãi xếp dỡ. Khác với không khí đợi chờ thường gặp ở các cảng biển, dẫu chờ đợi nhưng trên khuôn mặt các lái xe ai cũng hồ hởi, phấn khởi.

Lá dong lên tàu ra Trường Sa phục vụ bộ đội gói bánh chưng Tết. Ảnh internet

Lá dong lên tàu ra Trường Sa phục vụ bộ đội gói bánh chưng Tết. Ảnh internet

Lái xe Lê Trung Ngữ của Tổng Công ty Hoàng Anh Gia Lai tươi cười:

- Em chờ mất 3 giờ rồi nhưng có lẽ cuối chiều mới đến lượt được bốc hàng. Đợi chờ mà vui, mà mừng. Vui vì đi gửi hàng tết cho bộ đội Trường Sa mà như đi trẩy hội xuân. Không cần vận động mà hàng trăm cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp vẫn tự giác gửi quà xuân để cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ biển trời vui xuân, đón tết. Mừng vì tết Bính Thân này ở Trường Sa, bộ đội được đón xuân sung túc, vơi bớt phần nào nỗi nhớ đất liền, quê hương, gia đình.

Chuẩn đô đốc Ngô Quang Tiến - Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đang kiểm tra việc xếp dỡ trên bến cảng cho biết: Chưa năm nào hàng hóa phục vụ bộ đội Trường Sa đón tết lại nhiều về số lượng, phong phú về chủng loại như năm nay! Bộ Tư lệnh phải tăng cường tàu, thêm chuyến mới chở hết. Ngoài tiêu chuẩn đón tết do quân đội quy định, chúng tôi còn tiếp nhận rất nhiều quà tết của các địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp. Rất nhiều hàng dễ vỡ, dễ hỏng như máy tính, ti-vi, cây cảnh, hoa xuân, lọ hoa nên chúng tôi phải tìm cách đóng thùng để bảo quản chu đáo. Các loại động vật sống như lợn, gà cũng phải có cách “đóng gói” riêng, phù hợp với hành trình nhiều ngày trên biển.

Từ kinh nghiệm nhiều năm phục vụ bộ đội đón tết, vui xuân ngoài khơi xa, ngành hậu cần Hải quân đã có nhiều cải tiến trong công tác chuẩn bị. Từ ảnh Bác Hồ, đôi câu đối tết, mâm ngũ quả, nén hương... đến hàng chục loại gia vị cho bộ đội gói bánh chưng, bánh tét, chế biến các món ăn ngày tết cổ truyền được chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ. Trước đây, chỉ có đảo Trường Sa lớn là nhận được lá gói bánh chưng xanh tươi, các đảo còn lại, khi nhận thì lá đã héo. Phát kiến dùng lá bàng vuông để gói bánh chưng đã được các đảo áp dụng. Đất liền chỉ cần cung cấp lạt giang, than tổ ong là đảo nào cũng có bánh chưng gói lá bàng vuông vừa dân tộc, vừa rất đặc trưng, chỉ có Trường Sa mới có.

Và trước đây, cũng chỉ có đảo Trường Sa lớn nuôi được bò, tết đến, bộ đội có thịt tươi ăn, các đảo khác không có. Nay với cách vừa đóng gói bảo quản lạnh, vừa kho từng miếng to trước ở đất liền, tết này, đảo nào cũng có thịt bò tươi và món thịt bò kho. Số hàng tết “ngoài dự kiến” của các doanh nghiệp, địa phương, đơn vị, cơ quan, nhân dân gửi ra ủng hộ cũng nhanh chóng được đóng gói, dán nhãn chia ra từng đảo.

Thêm cành đào từ đất liền là không khí Tết rộn ràng ngay. Ảnh: internet

Thêm cành đào từ đất liền là không khí Tết rộn ràng ngay. Ảnh: internet

Việc chở hàng tết phục vụ các đảo ở Trường Sa cũng lắm nỗi khó khăn. Hàng phải xếp theo hành trình của tàu, đảo đến trước xếp trên, đảo đến sau xếp dưới, quân số của 30 đảo nổi, đảo chìm, 20 nhà giàn khác nhau nên số lượng cũng khác nhau. Vậy nên, phải tính toán rất khoa học, tỉ mỉ, chính xác. Lượng hàng đảm bảo của quân đội đã được đóng gói theo cách này. Lượng hàng của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp gửi ra sau khi tập kết ở bến cảng, cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146 phải phân loại, chia ra cho từng đảo, đóng gói theo từng địa chỉ.

Đại úy Đào Trọng Vĩnh - Chính trị viên tàu HQ 996 cho biết: Năm nay, mưa nắng thất thường, diễn biến thời tiết trên biển bất ngờ nên lênh đênh hàng chục ngày, vượt 600 hải lý đưa quà tết ra đảo là điều rất gian khổ. Cũng may, đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, hoa tiêu đã nhiều năm, nhiều lần ra đảo nên năm nào chúng tôi cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tôi gặp đồng hương, kỹ sư Đặng Hồng - cán bộ Sở NN&PTNT Khánh Hòa trên cầu cảng. Anh quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), lấy vợ người Cẩm Xuyên, hiện đang làm việc tại Nha Trang. Tết này, anh cùng “kiện hàng đặc biệt” 260 cây giống tra nước ra đón tết, tổ chức ngày lễ “Tết trồng cây nhớ ơn Bác” trên các đảo. Đây là kết quả nhiều năm nghiên cứu của anh. Anh hồ hởi: “Nếu không có gì thay đổi thì sau 5-7 năm nữa, các đảo ở Trường Sa sẽ có màu xanh mới, màu xanh của cây tra nước. Những hàng cây này sẽ góp phần bớt gió, bớt nắng cho anh em”.

Mùa xuân đến sớm, nhất là trên khuôn mặt, nụ cười của các chiến sỹ mới lần đầu ra đảo. Điều làm cho chúng tôi rất vui là phần đông anh em đều quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, từ các làng chài ven biển Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân (Hà Tĩnh); Nghi Lộc, Quỳnh Lưu (Nghệ An). Binh nhất Ngô Xuân Quang tâm sự: “Được có mặt trên tiền tiêu Tổ quốc, chúng em vui lắm! Đợt này, đồng hương Xứ Nghệ có đến trên 30 người, ra ngoài ấy có đồng hương nên đỡ nhớ nhà”.

Tiếng còi tàu hú vang giã bến. Từ trên cầu tàu, chúng tôi tung mũ nón vẫy chào tạm biệt các anh, những người mang mùa xuân ra Trường Sa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast