Bất cập trong công tác quản lý di tích quốc gia đền Chợ Củi (Bài 1): “Khoán trắng” công tác quản lý!

Từ năm 1993 đến nay, di tích cấp quốc gia đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) được “khoán trắng” cho một người dân quản lý (dưới hình thức ký hợp đồng từng năm một). Hệ lụy của nó làm nảy sinh biết bao bất cập, sai phạm. Trong nỗ lực lập lại kỷ cương, xứng tầm với một di tích cấp quốc gia, chính quyền địa phương đã gặp phải nhiều lực cản.

“Khoán trắng”!

Di tích đền Chợ Củi được lập từ đời Lê, đến thời Nguyễn được trùng tu tôn tạo lại như hiện nay. Đền nằm ở phía Tây núi Ngũ Mã, hướng ra sông Lam. Kiến trúc gồm 3 tòa: hạ điện, trung điện và thượng điện, với các cung thờ: Tam tòa Thánh Mẫu (mẫu tam phủ), Ngũ vị Tôn Ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần)... Đền Chợ Củi được dân gian xưa truyền tụng là linh thiêng nên đầu năm, du khách thập phương đến vãn cảnh thắp hương cầu an rất đông. Đặc biệt là ngày giỗ Thánh Mẫu mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Bất cập trong công tác quản lý di tích quốc gia đền Chợ Củi (Bài 1): “Khoán trắng” công tác quản lý! ảnh 1

Khách thập phương thắp hương tại đền Chợ Củi. Ảnh: Ngô Tuấn

.Năm 1993, đền Chợ Củi được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Thực hiện hướng dẫn về việc quản lý di tích cấp quốc gia của Bộ Văn hóa, năm 2001, UBND xã Xuân Hồng thành lập BQL di tích đền Chợ Củi do lãnh đạo UBND xã đứng đầu và ông Nguyễn Sỹ Quýnh làm thủ từ. Tuy nhiên, do việc “phân định trách nhiệm, phân chia quyền lực” gặp một số khó khăn nên UBND xã Xuân Hồng đã giao khoán việc quản lý cho gia đình ông Quýnh theo hình thức đấu thầu từng năm một.

Phương pháp quản lý “khoán trắng” này đã xảy ra một số bất cập, sai phạm như: hòm công đức bị lạm dụng để khắp nơi, kể cả nơi hóa vàng để tận thu tiền, không quy định thống nhất giá vé gửi xe và các dịch vụ khác. Đồng thời, do thực hiện quản lý theo kiểu “gia đình” nên xảy ra tình trạng các hộ dân xung quanh lấn chiếm khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ; hoạt động mê tín dị đoan gây ảnh hưởng đến nét văn hóa lịch sử, tâm linh của đền Chợ Củi.

Đặc biệt, nguồn thu chỉ đưa vào cân đối ngân sách xã hàng năm, không được đưa vào đầu tư tu bổ nên di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Đó là chưa nói, mức khoán thu tiền công đức tại di tích cũng hết sức tùy tiện. Theo hợp đồng, UBND xã Xuân Hồng khoán thu cho hộ gia đình năm 2010 là 300 triệu đồng, năm 2011 là 420 triệu đồng. Trong khi đó, riêng tiền công đức tại di tích đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh) năm 2010 là 2,8 tỷ đồng và tại di tích Chùa Hương (Can Lộc) là 1,8 tỷ đồng. Dư luận cho rằng, việc giao khoán này quá thấp so với thực tế và đặt nhiều dấu hỏi về việc “ăn chia”(?!).

Nỗ lực thay đổi bất thành

Trước thực tế đó, Sở VH-TT&DL, các ngành chức năng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt BQL di tích đền Chợ Củi (thực ra là cá nhân ông Nguyễn Sỹ Quýnh) và yêu cầu huyện Nghi Xuân “nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý, tuyệt đối không khoán thu nguồn công đức và nguồn này phải được ưu tiên đầu tư lại cho di tích”.

Tuy nhiên, sai phạm vẫn xảy ra, mọi việc vẫn nguyên như cũ. Đặc biệt, số lượng khách không ngừng tăng lên trong khi hạ tầng của khu di tích không đáp ứng nên tình trạng quá tải, mất trật tự xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa lịch sử, tâm linh khu di tích nhưng chính quyền địa phương và BQL di tích của xã Xuân Hồng không có giải pháp khắc phục.

Bất cập trong công tác quản lý di tích quốc gia đền Chợ Củi (Bài 1): “Khoán trắng” công tác quản lý! ảnh 2

Công tác quản lý yếu kém khiến tình trạng lộn xộn, bừa bãi xảy ra ở đền Chợ Củi suốt thời gian qua. Ảnh: Thăng Long

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 4/1/2010, Sở VH-TT&DL đã có công văn đề nghị huyện Nghi Xuân nhanh chóng thành lập BQL di tích đền Chợ Củi cấp huyện nhằm thay đổi mô hình quản lý yếu kém, nhiều sai phạm này. Triển khai các ý kiến chỉ đạo, sau hơn 1 năm “thai nghén”, giữa tháng 2/2011, UBND huyện Nghi Xuân mới có quyết định thành lập BQL di tích. Cũng trong thời gian này, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long (đơn vị tài trợ cho dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Chợ Củi theo chủ trương của UBND tỉnh) đang tiến hành các thủ tục để triển khai dự án.

Những tưởng, kể từ đây, di tích đền Chợ Củi sẽ tìm thấy một lối đi mới trong công tác quản lý như nhiều người kỳ vọng. Ai ngờ, BQL mới do UBND huyện thành lập đã không thể nhập cuộc và tình hình vẫn không hề được cải thiện. Và, số phận của di tích vẫn tiếp tục chịu cảnh “lùng nhùng” trong khâu quản lý, tiền công đức tiếp tục bị sử dụng sai mục đích, dự án trùng tu không thực hiện được!

Đón đọc Bài 2: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast