Hà Tĩnh có trang trại bưởi đầu tiên đạt chứng nhận GlobalGAP

(Baohatinh.vn) - Tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch Anh Quân, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa được cấp chứng nhận GlobalGAP, mở ra nhiều triển vọng mới để xuất khẩu sản phẩm trong tương lai.

Hà Tĩnh có trang trại bưởi đầu tiên đạt chứng nhận GlobalGAP

Bưởi Phúc Trạch của tổ hợp tác được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt.

Tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch Anh Quân, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê vừa được Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC (Hà Nội) trao chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.

Đây là cơ sở đầu tiên ở Hà Tĩnh được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp đối với sản phẩm bưởi Phúc Trạch.

Hà Tĩnh có trang trại bưởi đầu tiên đạt chứng nhận GlobalGAP

Sản phẩm của tổ hợp tác bưởi Phúc Trạch Anh Quân được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao.

Bà Hồ Thị Hà, thành viên tổ hợp tác cho biết, tổ có 5 ha với 2.400 cây bưởi, được trồng từ 6 năm trước. Năm nay là năm thứ 2 vườn bưởi cho quả với sản lượng khoảng 100 tấn. Việc chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch tại trang trại được thực hiện nghiêm ngặt theo bộ tiêu chí sản xuất sạch.

Trong đó, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường xung quanh. Sự thay đổi phương thức canh tác đó đã mang lại niềm tự hào khi người dân đã tự tay sản xuất được quả bưởi đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hà Tĩnh có trang trại bưởi đầu tiên đạt chứng nhận GlobalGAP

Cũng theo bà Hà, trước mắt, tổ hợp tác đang phối hợp, xúc tiến xuất khẩu một số lô sản phẩm ra thị trường nước ngoài nhằm “chào hàng” các đối tác. Hiện đã có đơn đặt hàng xuất sang một số nước như: Nga, Đức, Nhật Bản, Úc…

GlobalGAP viết tắt của Global Good Agricultural Practice, nghĩa là thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (hay còn gọi là tiêu chuẩn quốc tế) - là một bộ tiêu chuẩn tập hợp các biện pháp kỹ thuật về thực hành nông nghiệp tốt, được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các loại nông sản trên phạm vi toàn cầu.

GlobalGAP có 252 tiêu chuẩn, bao gồm 36 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ đúng 100%; 127 tiêu chuẩn có thể tuân thủ đến mức 95%; có 89 kiến nghị khuyến cáo nên thực hiện.

Bằng cách thực hiện theo các điểm kiểm soát và tuân thủ các tiêu chí của GlobalGAP, nhà sản xuất có thể bán sản phẩm của mình trên cả thị trường trong và ngoài nước. Do đó, được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn GlobalGAP được xem là tấm vé vàng để sản phẩm của nhà sản xuất được người tiêu dùng đón nhận và có cơ hội vươn ra thị trường thế giới.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast