Xuất khẩu lao động Hà Tĩnh nỗ lực vượt qua “sự cố Libya”

Chiến sự ở Libya buộc hơn 10 nghìn lao động Việt Nam phải về nước, trong đó có khoảng 2 nghìn lao động Hà Tĩnh. Trước tình hình đó, để XKLĐ không “tụt dốc”, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo XKLĐ, ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh các thị trường lao động truyền thống, đồng thời khai thác tối đa các thị trường mới, chất lượng cao, chi phí phải chăng.

Thống kê của ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho thấy, năm 2010, hoạt động xuất khẩu lao động Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực với số lao động được đưa đi làm việc nước ngoài lên đến 6.791 lượt người. Các thị trường truyền thống từng bước được khôi phục, nhất là thị trường Malayxia, Đài Loan, Hàn Quốc… Nguồn thu từ xuất khẩu lao động tăng, đóng góp không nhỏ vào thành công của công tác xóa đói giảm nghèo của Hà Tĩnh.

Tư vấn XKLĐ tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Tĩnh
Tư vấn XKLĐ tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Tĩnh

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, ngành đang chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hệ thống văn bản của các bộ, ngành liên quan, các văn bản của tỉnh về công tác XKLĐ đến các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội và nhân dân.

Ngoài ra, ngành sẽ tổ chức kiểm tra hoạt động XKLĐ ở các đơn vị và các địa phương để chấn chỉnh những tồn tại hạn chế trong việc tuyển lao động không đúng quy trình, thu phí lệ phí chưa đúng quy định và hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định Luật XKLĐ. Các cơ quan chức năng còn tiến hành thông báo rộng rãi đến các địa phương và người lao động biết những đơn vị trong và ngoại tỉnh đủ điều kiện tuyển lao động đi xuất khẩu đề phòng và ngăn chặn hiện tượng môi giới cò mồi lừa đảo người lao động.

Ông Nguyễn Xuân Thông cho biết: “Năm 2010 hoạt động xuất khẩu lao động Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số tiền lao động gửi về trong tỉnh ước tính hơn 1 nghìn tỷ đồng. Sau “sự cố Libya”, toàn ngành chúng tôi đang dốc hết sức mình, quyết để xuất khẩu lao động “tụt dốc”, tiếp tục là mũi nhọn trong chính sách xóa đói, giảm nghèo, GQVL của Hà Tĩnh.”

Hà Tĩnh đang tích cực thực hiện những chính sách mới nhằm đưa XKLĐ vượt qua thờ điểm khó khăn. Thực hiện chương trình hợp tác lao động giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nhân lực Hàn Quốc, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình này. Với tổng chí phí cho một lao động sang Hàn Quốc làm việc chưa đầy 30 triệu đồng, kèm theo chính sách cắt giảm lao động đánh bắt xa bờ, số người đăng ký đi Hàn Quốc ngày càng đông.

Trong năm 2010, Hà Tĩnh có 1.902 lao động trúng tuyển trúng tuyển trong kỳ thi tiếng Hàn Quốc. Hiện số lao động này đã và đang làm hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Ngoài ra, thị trường lao động Malayxia, với mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng, chi phí xuất cảnh thấp vẫn đang hết sức hấp dẫn. Đặc biệt, số lượt người đi làm việc tại Malayxia trong năm 2010 là 3.768 lượt người. Bên cạnh đó phải kể đến thị trường UEA, Nhật Bản, Đài Loan… Tập trung khai thác tối đa các thị trường tiềm năng này, năm 2011, Hà Tĩnh đang quyết tâm đưa hơn 6,5 nghìn lượt người sang lao động tại nước ngoài.

Để đẩy mạnh công tác XKLĐ, trong thời gian tới ngành LĐ-TB&XH tăng cường tìm kiếm và phát triển thị trường bằng nhiều hình thức thích hợp như thành lập văn phòng ở nước ngoài, tổ chức tham quan, du lịch để tiếp cận, tìm hiểu đàm phán trực tiếp và ký kết hợp đồng XKLĐ.

Tỉnh sẽ đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trực tiếp được mở thêm các chi nhánh ở các địa phương, nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận với các doanh nghiệp XKLĐ trực tiếp, giảm chi phí trung gian thông qua các đơn vị môi giới, tạo nguồn; xem xét chấp thuận cho phép các đơn vị dịch vụ tạo nguồn trên địa bàn trở thành Chi nhánh đại diện của Công ty XKLĐ trực tiếp.

Ngoài ra, năm 2011, ngành LĐTBXH đưa ra những hoạch định nhằm đẩy mạnh công tác XKLĐ như mở rộng địa bàn khai thác lao động, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động, ưu tiên các chính sách vay vốn…

Lệ phí đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS bao gồm:

- Học phí bổ túc tiếng Hàn trước khi xuất cảnh: 2.050.000 đồng/người/khóa học (khoản kinh phí này, người lao động trực tiếp đóng nộp cho cơ sở đào tạo tiếng Hàn của Trung tâm lao động ngoài nước – Bộ LĐTBXH).

- Phí đăng kiểm tra tiếng Hàn để chuyển cho phía Hàn Quốc được thu bằng tiền Việt Nam tương đương với 17 USD (khoản kinh phí này do Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh thu hộ).

- Phí xuất cảnh sang Hàn Quốc 630 USD (gồm tiền mua vé máy bay, tiền làm visa và tiền đóng nộp học tập bồi dưỡng kiến thức, do Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh thu hộ).

- Tiền mua trang phục 300.000 đồng.

- Tiền đóng góp Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước 100.000 đồng.

- Tiền mang sang Hàn Quốc để mua bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương 500 USD.

Ngoài các khoản thu phí và lệ phí trên, người lao động không phải đóng nộp bất cứ khoản chi phí nào khác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast