Gia đình 3 thế hệ giữ “hồn cốt” dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Gia đình ông Trần Văn Hoàng ở xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) là gia đình điển hình trao truyền dân ca ví, giặm tại địa phương. Gia đình ông trở thành niềm cảm hứng, lan tỏa nét đẹp dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Cả cuộc đời gắn với câu ví, giặm

Sinh ra và lớn lên bên dòng La thơ mộng, ông Trần Văn Hoàng (SN 1949) đã được sống trọn trong vành nôi của bố mẹ qua câu hát dân ca, rồi lớn lên, trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ vào đơn vị pháo phòng không, tham gia chiến trường A.

Đến năm 1977, ông xuất ngũ, chuyển ngành sang làm ở Ty Ngoại thương Nghệ Tĩnh (nay là Sở Công thương). Từ năm 1977 - 2005, ông trở thành “cây văn nghệ” của cơ quan, tham gia vào các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ, hội diễn của ngành.

Gia đình 3 thế hệ giữ “hồn cốt” dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh

Gia đình ông Trần Văn Hoàng có 3 thế hệ đam mê dân ca ví, giặm.

“Tôi có đam mê dân ca từ nhỏ, dù trong trường học, quân ngũ hay làm cơ quan Nhà nước, tôi luôn đi đầu trong hát và trình diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Cả cuộc đời tôi gắn liền với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nên ví, giặm như nguồn sống đối với tôi. Trước đây, ông bà, bố mẹ tôi đều là những nghệ nhân hát ví có tiếng trong vùng. Hiện, gia đình tôi có 3 thế hệ đều đam mê dân ca ví, giặm; trong đó con trai đầu, con rể, 2 cháu nội và các cháu trong họ… đều trở thành hạt nhân phát triển phong trào dân ca ví, giặm ở địa phương” - ông Hoàng phấn chấn kể.

Năm 2005 về nghỉ hưu, được chính quyền địa phương tin tưởng, ông dành hết thời gian, công sức vào phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Năm 2007, ông thành lập CLB Thơ ca Yên Hồ; năm 2014, CLB Dân ca ví, giặm xã Yên Hồ được thành lập và ông làm chủ nhiệm cho đến nay. Hiện, CLB có 20 thành viên tham gia sinh hoạt.

Gia đình 3 thế hệ giữ “hồn cốt” dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh

Ông Trần Văn Hoàng: “Cả cuộc đời tôi gắn liền với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nên ví, giặm như nguồn sống đối với tôi”.

Không chỉ được trời phú cho giọng hát hay, truyền cảm, ông Hoàng còn có tài năng trong sáng tác, biên soạn các làn điệu dân ca mới. Tính từ năm 1995 đến nay, ông đã sáng tác khoảng 50 - 60 bài dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Trong đó, năm 1997, ông đạt giải A với hoạt cảnh dân ca Nghệ Tĩnh “Đối mặt thương trường” tại hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn ngành và toàn tỉnh; năm 1999, đạt giải A với tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh “Lam Hồng điểm hẹn” tại hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc do Bộ Thương mại tổ chức; năm 2001, sáng tác tổ khúc dân ca “Nhịp cầu thương mại” và biểu diễn đạt giải A ở Bộ Thương mại; năm 2008, bài “Truyền thống La Giang” đạt giải A và năm 2011, tiết mục “Duyên nợ 2 làng” đạt giải B tại hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Đức Thọ…

Ngoài ra, suốt gần 30 năm qua, ông còn “đãi cát tìm vàng” phát hiện, đào tạo, truyền dạy các hạt nhân mới cho đơn vị, cơ quan, ngành, đồng thời mở lớp truyền dạy dân ca ví, giặm cho các trường học, đoàn thể trong và ngoài xã.

Gia đình 3 thế hệ giữ “hồn cốt” dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh

Ông Hoàng cùng con trai nghiên cứu về các làn điệu dân ca ví, giặm.

“Tôi vừa biểu diễn, đạo diễn, cũng là người sáng tác các làn điệu dân ca mới. Đặc biệt, các sáng tác của tôi đạt nhiều giải thưởng khi tham gia các hội thi, hội diễn của ngành, địa phương. Tôi rất vui, vinh dự, tự hào khi các con, cháu đều có đam mê như tôi. Nhờ vậy, dân ca ví, giặm ngày càng lan tỏa ở địa phương, các trường học” - ông Hoàng bộc bạch.

Tiếp nối mạch nguồn truyền thống

Những người con, người cháu của ông được sinh ra trong điệu ru ngọt ngào, lớn lên với những câu hò, điệu ví nên ai cũng hát dân ca rất hay. Mặc dù không ai đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, song thế hệ trẻ trong gia đình ông trở thành những “người truyền lửa” cho dân ca ví, giặm đến gần hơn quần chúng nhân dân.

Nối tiếp ông, anh Trần Văn Hùng (SN 1978) giáo viên dạy Sinh học tại Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ) trở thành hạt nhân nòng cốt, đưa phong trào dân ca ví, giặm ở Yên Hồ phát triển lớn mạnh.

Gia đình 3 thế hệ giữ “hồn cốt” dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh

Anh Trần Văn Hùng nối tiếp truyền thống của gia đình khi theo đuổi đam mê dân ca ví, giặm.

“Từ nhỏ nghe bố hát, vô tình những làn điệu dân ca thấm dần vào con người tôi. Tôi tham gia CLB Dân ca ví, giặm xã Yên Hồ ngay từ ngày đầu thành lập. Những năm qua, tôi trở thành hạt nhân của nhà trường, tham gia các hoạt động biểu diễn, hội diễn của địa phương, của trường và đạt nhiều giải thưởng. Đặc biệt, năm 2004, tôi đạt giải ba Liên hoan Tiếng hát giáo viên toàn tỉnh do Sở GD&ĐT tổ chức. Cả cuộc đời bố tôi gắn liền với dân ca ví, giặm nên gia đình, con cháu đều hưởng ứng, động viên để ông sống trọn với đam mê. Tôi tự hào, hãnh diện khi tiếp nối được mạch nguồn truyền thống từ bố tôi. Hai con đều yêu thích dân ca ví, giặm, tôi sẽ ủng hộ các con theo đuổi niềm đam mê, từ đó lan tỏa sâu rộng hơn, góp phần giữ gìn, bảo tồn, đưa di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đến gần với người dân, nhất là thế hệ trẻ” - anh Hùng chia sẻ.

Dòng chảy đam mê dân ca ví, giặm của gia đình ông Hoàng trở thành mạch sống với thế hệ trẻ. Cháu Trần Hoàng Khánh Linh (SN 2007) và Trần Hoàng Khánh Tuấn (SN 2012) cũng là thành viên chủ chốt của CLB Dân ca ví, giặm xã Yên Hồ. Những bài dân ca của ông đều được con và các cháu biểu diễn ở trường học, địa phương cũng như các chương trình truyền hình của HTTV.

“Từ nhỏ ông và bố luôn hát cho cháu nghe những bài dân ca ví, giặm cháu cảm thấy rất hay. Lớn lên, cháu sẽ cố gắng tập luyện chăm chỉ để sau này hát hay như bố và ông. Tại trường, cháu thường tham gia biểu diễn các bài hát, các tiết mục mang âm hưởng dân ca ví, giặm và được các bạn yêu thích, ủng hộ” - cháu Khánh Linh cho hay.

Gia đình 3 thế hệ giữ “hồn cốt” dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh

Ông Hoàng đang truyền dạy cho cháu trai về những làn điệu dân ca ví, giặm.

Vợ ông, bà Bùi Thị Liệu (SN 1954) cũng rất yêu thích dân ca. Bà tần tảo lo toan mọi công việc đồng áng, chăm sóc, nuôi dạy con cháu trưởng thành để ông Hoàng “toàn tâm toàn ý” cho nghệ thuật.

“Vợ luôn tìm mọi cách để động viên, giúp tôi có cảm hứng để sáng tác, hoạt động nghệ thuật. Có lẽ, gia đình tôi là gia đình duy nhất ở Đức Thọ có 3 thế hệ đều đam mê hát dân ca ví, giặm” - ông Hoàng tâm đắc.

Với những cống hiến đó, năm 2018, ông Hoàng được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian”. Đặc biệt, năm 2021, ông được công nhận là Nghệ nhân ưu tú.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Nghệ thuật dân gian

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast