Xây dựng sản phẩm du lịch Hà Tĩnh: Nhân lực là nền tảng

(Baohatinh.vn) - Đối tượng chính của du lịch là du khách, vì vậy, nguồn nhân lực vẫn là yếu tố hàng đầu để lại dấu ấn trong lòng du khách. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng là đào tạo những người biết tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc để đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu khác nhau của du khách, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.

Nhân lực - thiếu và yếu

Hà Tĩnh có tiềm năng du lịch khá lớn với các điểm du lịch tâm linh và bãi biển, thu hút đông đảo du khách. Sự nguyên sơ trong cảnh quan thiên nhiên và nét đặc sắc của văn hóa bản địa là yếu tố hấp dẫn lượng khách thập phương đến với Hà Tĩnh hàng năm. Thế nhưng, thực tế cho thấy, với nguồn nhân lực du lịch đang trong tình trạng thiếu và yếu, phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp đang là vấn đề đáng lo ngại của ngành du lịch Hà Tĩnh.

Xây dựng sản phẩm du lịch Hà Tĩnh: Nhân lực là nền tảng ảnh 1
Du khách nước ngoài tham quan Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc

Hiện nay, toàn tỉnh có 769 cơ sở kinh doanh lĩnh vực văn hóa - du lịch, giải quyết việc làm cho 3.288 lao động. Ngoài ra, lao động gián tiếp phục vụ hoạt động du lịch trên 4.000 người. Trong đó, người lao động có trình độ đại học đúng chuyên ngành là 236 người (10,3%), trình độ đại học nhưng không đúng chuyên ngành 384 người (16,7%). Người có bằng cấp trình độ cao đẳng, trung cấp đúng chuyên ngành 525 người (22,9%), không đúng chuyên ngành 592 người (25,8%). Người lao động trực tiếp trong ngành du lịch chưa qua đào tạo là 334 người (15%).

Số lượng nguồn nhân lực còn ít so với nhu cầu, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp là hạn chế của đội ngũ nhân lực làm du lịch Hà Tĩnh. Trong xu thế hội nhập, lượng khách quốc tế đến Hà Tĩnh ngày càng tăng, tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ này vẫn còn yếu, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Thực tế tại các cơ sở lưu trú du lịch đang sử dụng phần lớn lao động chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ.

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm nghỉ dưỡng, hàng năm, ngành du lịch cũng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng. Thế nhưng, phần lớn đội ngũ này chưa ý thức được thái độ phục vụ du khách chính là một “sản phẩm văn hóa”, là tấm gương phản chiếu hình ảnh con người Hà Tĩnh.

Thêm vào đó, do điều kiện thời tiết chi phối nên hầu như các hoạt động du lịch biển ở Hà Tĩnh thường chỉ diễn ra trong các tháng mùa hè. Lượng khách ở các khu du lịch biển như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Bằng, Thạch Hải, Kỳ Ninh, Kỳ Xuân… theo đó tăng đột biến. Các nhà hàng, khách sạn hoạt động hết công suất, phải thuê nhân công thời vụ chưa qua đào tạo về du lịch, thiếu kỹ năng giao tiếp, do vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ cũng như hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Mới đầu mùa nhưng lượng khách đổ về các bãi biển ở Hà Tĩnh đã tăng đột biến

Mới đầu mùa nhưng lượng khách đổ về các bãi biển ở Hà Tĩnh đã tăng đột biến

Chị Nguyễn Thị Thanh Lê - một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Hà Tĩnh hấp dẫn tôi bởi những bãi biển hoang sơ, đẹp và sạch sẽ, tuy nhiên, chất lượng phục vụ ở đây còn nhiều hạn chế. Nếu như các điểm du lịch ở miền Nam, du khách được phục vụ chu đáo, tận tình, lịch sự từ cốc nước, cái khăn giấy, viên đá lạnh… thì đó lại là điều mà Hà Tĩnh còn thiếu”.

Đào tạo - vấn đề cấp bách

Trong khi nguồn nhân lực đang là bài toán khó của các khu, điểm du lịch thì một số công ty lữ hành trên địa bàn đang tạo dựng thương hiệu bằng chính yếu tố này. Anh Nguyễn Tiến Trình - Giám đốc Công ty Lữ hành Thành Sen cho biết: “Ngay từ ngày đầu thành lập, phương châm của chúng tôi là “chất lượng tạo niềm tin”. Chính vì thế, khâu tuyển dụng nhân lực và công tác đào tạo lại nguồn nhân lực luôn được chú trọng. Phong cách phục vụ chuyên nghiệp là điều kiện để khách hàng tìm đến với các tour của Thành Sen travel ngày càng tăng”.

Xây dựng sản phẩm du lịch Hà Tĩnh: Nhân lực là nền tảng ảnh 3
Việc xây dựng đội ngũ nhân viên có năng lực chuyên môn cao như Công ty Lữ hành Thành Sen chưa được nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Hà Tĩnh thực sự chú trọng

Thực tế đó cho thấy, bài toán về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các khu, điểm du lịch dẫu khó nhưng không phải không tìm ra cách giải. Điều quan trọng là các ngành chức năng, ban quản lý các khu, điểm du lịch và bản thân mỗi lao động nhìn nhận vấn đề này để tìm cách khắc phục như thế nào? Qua những chuyến đi, cảm nhận của chúng tôi là các nhân viên ở một số khách sạn, nhà hàng vẫn chưa có thái độ cầu thị khi được khách hàng góp ý.

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch; một bộ phận nhân viên các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là tham mưu, đề xuất UBND tỉnh nâng cấp các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong tỉnh, thực hiện tốt việc liên kết nhà trường với doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh, đáp ứng cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, cơ cấu ngành nghề đa dạng, cân đối hợp lý, hài hòa theo từng khu vực”.

Nâng cao và phát triển nguồn nhân lực vừa có tính cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược và cũng là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung của du lịch Hà Tĩnh. Vì vậy, trong khi ngành du lịch đang tìm hướng giải quyết vấn đề này thì hơn ai hết, các khu, điểm du lịch cần chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc biệt này.

Sản phẩm du lịch là những dịch vụ tạo ra các hàng hóa văn hóa mang tính đặc thù do các cá nhân và tổ chức kinh doanh du lịch cung cấp. Sản phẩm du lịch phù hợp với những tiêu chí, nghề nghiệp theo thông lệ quốc tế, đồng thời chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng bản địa. Sản phẩm du lịch là một loại hàng hóa đặc biệt, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh sự phát triển ngành du lịch.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast