Những nữ chiến sỹ công an Hà Tĩnh gác lại niềm riêng, dốc sức cùng “chiến dịch” căn cước công dân

(Baohatinh.vn) - Chiến dịch cấp căn cước công dân (CCCD) tại Hà Tĩnh đang trong những ngày cao điểm. Nhiều nữ cán bộ, chiến sỹ hàng tháng xuyên đêm, vì nhiệm vụ mà gác lại niềm hạnh phúc được vỗ về giấc ngủ của con...

Những nữ chiến sỹ công an Hà Tĩnh gác lại niềm riêng, dốc sức cùng “chiến dịch” căn cước công dân

Công việc bận rộn, chồng đi xa, hai con gái của Thượng úy Trần Thị Hường là bé Lê Trần Bảo An (Cốm) và Lê Trần Bảo Anh (Gạo) gửi gắm cho ông bà nội chăm sóc.

2h sáng, Thượng úy Trần Thị Hường (cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an huyện Thạch Hà) mệt nhoài trở về nhà (tổ dân phố 15, thị trấn Thạch Hà) sau khi kết thúc ca làm việc buổi tối. Hai bé Lê Trần Bảo An (Cốm) và Lê Trần Bảo Anh (Gạo) đã say giấc nồng.

Những nữ chiến sỹ công an Hà Tĩnh gác lại niềm riêng, dốc sức cùng “chiến dịch” căn cước công dân

May mắn, hai bé Cốm - Gạo vô cùng ngoan ngoãn, giúp chị Hường yên tâm hơn khi đảm nhận nhiệm vụ.

3 năm trước, ngày 12/3/2018, cặp sinh đôi Cốm - Gạo chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ cả gia đình. Chăm hai em bé cùng một lúc vốn dĩ đã rất vất vả, thế nhưng, đối với hoàn cảnh của chị Hường lại càng áp lực hơn gấp bội.

Sau 7 tháng nghỉ sinh, chị quay trở lại đảm nhận nhiệm vụ tại Trại giam số 6 (Bộ Công an, đóng tại huyện Thanh Chương, Nghệ An); trong khi đó, chồng chị cũng phải nhanh chóng sang làm việc ở Hàn Quốc.

Những nữ chiến sỹ công an Hà Tĩnh gác lại niềm riêng, dốc sức cùng “chiến dịch” căn cước công dân

“Mẹ đã về nhà!” - đó có lẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất đối với hai bé Cốm - Gạo.

"Sau 7 năm làm việc tại Trại giam số 6, 3 năm chăm con trong điều kiện tuần trực, tuần nghỉ, tháng 11/2020, tôi chuyển đến công tác tại Đội Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) Công an huyện Thạch Hà. Đội có tất cả 10 cán bộ chiến sỹ, cả tháng nay, để kịp tiến độ làm CCCD, chúng tôi chia thành các ca làm việc: từ 6h sáng đến 12h trưa; từ 12h trưa đến 6h chiều; từ 6h chiều đến 12 đêm. Vào các ngày có lượng công dân tăng đột biến, 2-3h sáng, nhiều anh em vẫn miệt mài bên bàn làm việc để xử lý hồ sơ.

Mặc dù quỹ thời gian dành cho Cốm - Gạo rất hiếm hoi nhưng khi nghe các con bi bô “Mẹ em là công an”, tôi vừa xúc động, vừa cảm thấy ấm áp! Đó là động lực để tôi vững vàng hơn, cùng đồng đội tập trung dồn sức cho chủ trương lớn", chị Hường trải lòng.

Những nữ chiến sỹ công an Hà Tĩnh gác lại niềm riêng, dốc sức cùng “chiến dịch” căn cước công dân

Trung úy Hoàng Thị Yến Anh (ngồi giữa) cùng các cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an huyện Cẩm Xuyên) lăn dấu vân tay cho công dân khi đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD.

Những ngày cao điểm của chiến dịch cấp CCCD, vợ chồng Trung úy Hoàng Thị Yến Anh (Đội Cảnh sát QLHC về TTXH và Thượng úy Nguyễn Văn Tiến - Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp (Công an huyện Cẩm Xuyên) đổi vai cho nhau. Theo cách nói bông đùa của hai vợ chồng, những lúc mẹ “tăng ca”, Thượng úy Tiến trở thành “bố đơn thân bất đắc dĩ” bởi một tay anh quán xuyến tất cả, từ công việc cơ quan đến chăm sóc hai con là bé Nguyễn Hoàng Khánh Ngọc (5 tuổi) và bé Nguyễn Đức Bình (3 tuổi).

Kể từ đầu tháng 3/2021, Trung úy Yến Anh tham gia khóa đào tạo ngắn hạn do Bộ Công an tổ chức. Thời gian biểu mỗi ngày được chị mô tả: 7h sáng từ thị trấn Cẩm Xuyên ra TP. Hà Tĩnh học. 15h30 chiều, kết thúc ca học, chị lại đến điểm cấp CCCD lưu động và tiếp tục công việc tới... 3h sáng hôm sau.

Những nữ chiến sỹ công an Hà Tĩnh gác lại niềm riêng, dốc sức cùng “chiến dịch” căn cước công dân

Một ngày quay cuồng với công việc và học tập, Yến Anh tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi trong ngày để “cập nhật” tình hình các con.

“Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại như vậy từ thứ 2 đến thứ 5; vào các ngày cuối tuần, tôi cùng các anh em giải quyết công việc đến sáng hôm sau. Cẩm Xuyên có tới 155.000 công dân trong độ tuổi được cấp căn cước (cao nhất toàn tỉnh), do đó, ngày ít nhất, chúng tôi phải xử lý 830 hồ sơ và ngày nhiều nhất là 897 bộ để gửi thông tin ra Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an. Chỉ cần sai sót một thông tin sẽ dẫn tới việc cấp sai căn cước cho công dân, do đó, với tinh thần không để tồn hồ sơ trong ngày, tất cả mọi công việc đều được cán bộ, chiến sỹ tập trung cao nhất”, nữ trung úy tâm sự.

Cũng vì công việc quá bận rộn nên quỹ thời gian dành cho các con vô cùng hạn hẹp. “Các con thường thắc mắc: Mẹ ơi, tại sao mẹ làm việc nhiều như vậy, mẹ có thể ôm con và em ngủ một đêm được không? Dù biết rằng mình đang phấn đấu vì mục tiêu chung nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn chạnh lòng khi nghĩ đến các con phải chịu thiệt thòi”, chị Anh chia sẻ.

Những nữ chiến sỹ công an Hà Tĩnh gác lại niềm riêng, dốc sức cùng “chiến dịch” căn cước công dân

Những cuộc điện thoại của con gái là liều thuốc tinh thần lớn lao đối với Đại úy Trần Thị Kiều Oanh.

“Được ngủ với mẹ một đêm thôi!”, đó cũng là mong muốn của bé Nguyễn Trần Ý Như (học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Hưng Bình, TP. Vinh, Nghệ An). Hôm nào ít hồ sơ thì 2h, nhiều thì 5h sáng, mẹ mới trở về nhà trong khi bé Như 7h sáng đã vào lớp.

Mẹ của Như - Đại úy Trần Thị Kiều Oanh, hiện đang công tác tại Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an huyện Nghi Xuân) rơi nước mắt khi chia sẻ về con gái: “2 tháng tuổi, Như đã theo chân mẹ khi đó đang theo học tại Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội, đến 15 tháng, kết thúc khóa học, mẹ con tôi mới trở về. Vì nhà chỉ có 2 mẹ con nên ngoài ông bà, tôi chỉ còn biết gửi con cho người hàng xóm là một giáo viên về hưu để kèm cặp bé”.

Những nữ chiến sỹ công an Hà Tĩnh gác lại niềm riêng, dốc sức cùng “chiến dịch” căn cước công dân

Một phần rất nhỏ trong “núi” hồ sơ được Đại úy Oanh và các đồng đội hoàn tất để kịp cấp thẻ căn cước cho công dân đúng thời hạn.

Chị Hường, chị Anh hay chị Oanh là một phần trong câu chuyện của gần 80 nữ cán bộ, chiến sỹ công an đang ngày đêm cắm chốt tại các địa bàn để kịp thời làm thẻ CCCD cho người dân. Hy sinh niềm riêng vì mục tiêu chung, các chị đang góp phần bé nhỏ của mình cùng với lực lượng dồn toàn lực hoàn thành việc cấp 1,1 triệu thẻ CCCD trước ngày 1/7/2021.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast