Những người “đi trước, về sau” trong cuộc chiến chống dịch ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Có mặt đầu tiên ở những nơi xuất hiện dịch bệnh và khi các lực lượng đã quay lại với guồng quay của cuộc sống thì những người lao động ngành y tế Hà Tĩnh vẫn bám trụ tại các khu cách ly.

Những người “đi trước, về sau” trong cuộc chiến chống dịch ở Hà Tĩnh

Bác sỹ BVĐK Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trao giấy chứng nhận ra viện cho các bệnh nhân (Ảnh CTV).

Những ngày cuối tháng 3, khi Hà Tĩnh ghi nhận ca bệnh dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV2 (bệnh nhân 146), bác sỹ Nguyễn Công Tâm (BVĐK Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo) là người đầu tiên nhận nhiệm vụ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này.

Có mặt đầu tiên nơi tuyến đầu chống dịch cùng bác sỹ Tâm còn có 7 y bác sỹ khác. Tất cả họ đều xác định, xung phong vào trận chiến là sẽ phải chấp nhận cách ly như những bệnh nhân và thậm chí, thời gian rời xa gia đình, xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của dịch bệnh, hay nói cách khác là “vô thời hạn”.

Những người “đi trước, về sau” trong cuộc chiến chống dịch ở Hà Tĩnh

Dù chỉ còn một bệnh nhân duy nhất điều trị, các bác sỹ ở BVĐK Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ như trước (Trong ảnh: Khu cách ly bệnh nhân còn lại ở BVĐK Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Ảnh CTV)

Sau bệnh nhân 146, 3 ca bệnh dương tính tiếp theo được đưa vào điều trị, chăm sóc. 3 bệnh nhân khỏi bệnh, được xuất viện trong niềm vui, hy vọng của bao người. Nhưng ít ai biết được, bác sỹ Tâm và một số đồng nghiệp chưa được trở về nhà khi vẫn còn một bệnh nhân chưa được xác nhận khỏi bệnh.

“Từ khi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên cho đến nay đã một tháng rưỡi, tôi và anh em đồng nghiệp sống trong khu cách ly. Còn một bệnh nhân chưa được ra viện nên anh em vẫn phải tiến hành phác đồ chăm sóc, điều trị”- bác sỹ Tâm chia sẻ.

Những người “đi trước, về sau” trong cuộc chiến chống dịch ở Hà Tĩnh

Sau mỗi đợt bàn giao công dân hoàn thành nghĩa vụ cách ly, cán bộ ngành y tế phải thực hiện các biện pháp khử khuẩn để trả lại môi trường an toàn cho các khu cách ly.

Cũng “đi trước, về sau” trong cuộc chiến chống dịch, y tá Uông Thị Hương Hà (Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Sơn) là một trong những người tiên xung phong nhận nhiệm vụ trực tiếp phục vụ tại khu cách ly công dân trở về từ vùng dịch.

Khi những công dân cuối cùng rời khu cách ly, cơ sở vật chất được dọn dẹp để trả lại nguyên trạng, chị Hà và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục thời gian cách ly theo đúng quy định. Hơn 1 tháng từ ngày nhận nhiệm vụ, đứa con trai duy nhất của chị mới được gặp mẹ.

Những người “đi trước, về sau” trong cuộc chiến chống dịch ở Hà Tĩnh

Sáng chế thành công máy rửa tay nhanh sát khuẩn tự động, đoàn viên công đoàn Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã góp phần cổ vũ tinh thần đồng nghiệp nơi tuyến đầu và giúp nâng cao ý thức phòng dịch của cộng đồng.

Dù không trực tiếp phục vụ tại khu cách ly nhưng các cán bộ, y bác sỹ tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn tỉnh cũng góp sức cùng đồng nghiệp bằng những việc làm thiết thực.

Bác sỹ Lê Tố Nga - Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Phổi cho biết: “Đoàn viên công đoàn cơ sở Bệnh viện Phổi đã triển khai thành công sáng kiến làm máy rửa tay nhanh sát khuẩn tự động và kính chắn giọt bắn phục vụ các y bác sỹ, bệnh nhân và người nhà. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng đó là cách chúng tôi cổ vũ tinh thần các đồng nghiệp ở tuyến đầu, góp phần tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh”.

Những người “đi trước, về sau” trong cuộc chiến chống dịch ở Hà Tĩnh

Sự đồng hành, sẻ chia của cộng đồng là nguồn lực để ngành y tế Hà Tĩnh vững vàng trong cuộc chiến chống dịch. (Trong ảnh: LĐLĐ tỉnh trao ủng hộ tiền và vật tư y tế cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).

Phó Giám đốc Sở y tế - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Tĩnh Trần Xuân Dâng cho biết: “Đi trước, về sau” là phương châm của cán bộ, y bác sỹ ngành y tế Hà Tĩnh trong cuộc chiến này. Không chỉ trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân, mỗi cán bộ ngành y còn phải đóng vai trò là một tuyên truyền viên tích cực để người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng”.

Được biết, thời gian qua, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã ủng hộ tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 7 tỷ đồng cho ngành y tế Hà Tĩnh chống dịch. Đó là sự sẻ chia vật chất, động viên tinh thần quý giá để cán bộ, y bác sỹ, người lao động ngành y vững vàng hơn trong cuộc chiến này.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast