NSUT Xuân Năm: “Dân ca Nghệ Tĩnh cuốn hút và khiến tôi thăng hoa lạ kỳ”

Những ngày còn bé, tôi đã nghe bố mẹ và các anh chị trong nhà nhắc đến cái tên Xuân Năm và bài vè “Thần sấm ngã”. Bài vè của Nguyễn Thanh Bình, người nông dân Thạch Ngọc (Thạch Hà – Hà Tĩnh) được cả tỉnh biết đến nhờ giọng hát dí dỏm và mê hoặc của cô Xuân Năm. Cái tên mộc mạc mà bố mẹ cô đặt cho đứa con gái thứ 5 trong gia đình không ngờ đã gắn bó với người dân Nghệ Tĩnh trong niềm tự hào pha lẫn cảm phục.

N.S.Ư.T Xuân Năm

N.S.Ư.T Xuân Năm

Bẵng đi mấy chục năm ròng, đầu xuân Tân Mão này, tôi lại gặp N.S.Ư.T Trương Thị Xuân Năm ở tuổi 72 trên sân khấu của Ngày thơ Việt Nam. Xóm Nam Tiến xã Thạch Linh - TP Hà Tĩnh là nơi bà đã sinh ra, lớn lên và chập chững bước vào con đường nghệ thuật. Lâu lắm mới trở về mái nhà xưa, lại biêt tôi là con một đồng nghiệp cũ nên bà vui lắm, kể cho chúng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm. Nhưng nhiều nhất vẫn là những câu chuyện về niềm đam mê không bao giờ nguội tắt với dân ca Nghệ Tĩnh.

“Năm 1964 o vào Văn công Hà Tĩnh (Với ai Xuân Năm cũng xưng là o). Lúc đầu chỉ đóng kịch thôi. Năm 1965, một sự kiện đặc biệt diễn ra: Trong một chuyến lưu diễn tại Hà Nội, đoàn được mời vào Phủ Chủ tịch hát cho Bác Hồ nghe. Vẫn là bài vè “Thần sấm ngã” và ngâm thơ bài “Mừng chiến thắng trời quê” của nhà thơ Duy Thảo vì lúc đó Hà Tĩnh đang hân hoan với trận đầu thắng Mỹ. Bác vừa nghe vừa “phiên dịch” từ địa phương trong bài vè cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bác nghe say sưa và khen hay. Bác mời cả đoàn ăn kẹo và dặn: “Các cháu về nhớ hảt dân ca Nghệ Tĩnh thật nhiều!”.

Nhớ lời Bác dặn, từ đó trở đi, lần lên sân khấu nào o cũng hát dân ca Nghệ Tĩnh.” Đặc biệt, Xuân Năm là người đầu tiên đã đặt ra giọng ngâm thơ Trung và đưa lên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó trong các hội diễn và phát sóng của Đài mới có giọng ngâm thơ Trung. Xuân Năm nhớ mãi lần ngâm bài thơ: “Ngã Ba Đồng Lộc” của nhà thơ Huy Cận cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghe. Sau đó, trong lần về Hà Tĩnh, Thủ tướng điện cho huyện Can Lộc xin một cuộn băng để về nghe lại.

Những năm đánh Mỹ, cùng cả đoàn Văn công, Xuân Năm có mặt trên khắp chiến trường B, đường 9 Nam Lào phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Bao giờ bà cũng là gương mặt nổi bật với giọng hát dân ca đậm đà sâu lắng giúp đồng bào chiến sĩ quên đi gian khổ, quyết tâm thắng giặc.

Năm 1990, Xuân Năm về hưu ở Vinh, tất tả sớm hôm nuôi đàn con 5 đứa. Chuyện người đàn bà hát dân ca Nghệ Tĩnh sinh một lần 3 đứa con thì ai cũng biêt nhưng chuyện bà vật lộn mưu sinh để nuôi chúng thì ít ai hay. Trong 3 đứa sinh cùng lúc thì chỉ 2 đứa có gạo. Phải lấy nghề nuôi nghề, vừa được hát vừa phục vụ công tác tuyên truyền lại vừa nuôi được con. Thế là từ năm 1990 trở đi, bà bắt đầu với những hoạt cảnh dân ca, bài vè, bài nói chuyện bằng văn vần về nội dung Kế hoạch hoá gia đình, hạnh phúc lứa đôi. Không có ngày nào bà không đi. Từ các huyện của Nghệ An sang Hà Tĩnh, vào đến Quảng Bình rồi sang cả Thái Lan theo lời mời của Việt Kiều.

N.S.Ư.T Xuân Năm (bên trái) trò chuyện cùng tác giả

N.S.Ư.T Xuân Năm (bên trái) trò chuyện cùng tác giả

Từ ngày chồng bà nghỉ hưu, bà có thêm trợ thủ đắc lực. Anh kỹ sư xây dựng ngày xưa vốn mê tiếng hát của Xuân Năm trong những lần sinh hoạt Đoàn ở Bộc Nguyên nên đã thành chồng của nghệ sĩ. Về hưu, ông phụ trách loa máy, phát và thu băng trong những chuyến lưu diễn của cả hai người. Cho đến bây giờ, khi đã chuyển vào Vũng Tàu sinh sống cùng con trai, bà vẫn chưa thôi công việc của mình. Đặc biệt, trong những lần kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, bà thường hát dân ca phục vụ đồng bào.

Kỷ niệm về những lần đi qua các làng xã, thôn xóm luôn ăm ắp và sống động nhưng có những câu chuyện thật ấp áp, khiến niềm đam mê của bà thêm cháy bỏng. “Thông thường, sau mỗi lần nói chuyện về DS-KHHGĐ, o dành 30 phút để hát và mời khán giả lên cùng đối đáp. Nhiều cụ móm mém vẫn lên hát cùng o. Nhiều Ủy ban Dân số các tỉnh thành thu băng, xin đĩa về sang ra bán hoặc quay cả phim rồi về phát sóng trên truyền hình. Cũng có nơi người ta tìm đến trả nhuận bút, nơi họ quên song với o như thế là hạnh phúc vô cùng!”

Với N.S.Ư.T Xuân Năm, ánh đèn sân khấu đã cuốn hút và khiến bà thăng hoa. Đến tận bây giờ bà vẫn chưa hiểu hết vì sao cứ lên sân khấu là bà lại nói chuyện, hùng biện, ứng tác thơ và ca dao một cách vanh vách như là lên đồng vậy. Bà còn tự đặt ra những câu chuyện, rồi tự sáng tác thơ phục vụ cho chủ đề. Chưa bao giờ được học qua trường lớp DS-KHHGĐ nào nhưng bà đã có thể nói chuyện, giải đáp những chuyện tế nhị ấy như một cán bộ y tế vậy.

Nghệ thuật là để phục vụ cuộc sống, để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước một cách thấm thía, sinh động nhất. Phục vụ phải với tất cả niềm đam mê, không ngừng nghỉ. Điều đó rất đúng với N.S.Ư.T Xuân Năm. Chúng tôi chia tay Xuân Năm với lời chúc bà trẻ mãi như mùa xuân, như tâm hồn quê hương trong trái tim bà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast