Về quê anh làng xanh sức trẻ

Nhắc tới Việt xuyên là nhắc tới quê hương anh Lý Tự Trọng - người thanh niên cộng sản với câu nói nổi tiếng: "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không phải là con đường nào khác". Càng tự hào là vùng đất truyền thống, tuổi trẻ Việt Xuyên càng phát huy sức mạnh tiên phong xây dựng quê hương giàu mạnh.

Đường về Việt Xuyên
Đường về Việt Xuyên

Nghe cụ Bảy kể vài nét xưa

Tôi theo anh cán bộ xã Việt Xuyên vào thăm nhà cụ Bảy khi trời đã ngả sang chiều. Vườn nhà cụ Bảy khá rộng, ngôi nhà tình nghĩa của một tổ chức đoàn thanh niên tỉnh Hà Tĩnh tặng tuy bình dị nhưng kiên cố và ấm áp. Cụ Bảy không còn phải lo mưa dột với căn nhà tranh cũ tồi tàn như ngày trước nữa. Tuy đã gần tuổi tám mươi nhưng mắt cụ vẫn tỏ, tai vẫn thính. Tôi chưa kịp hỏi thăm gia cảnh cụ đã nói ngay: "Ngày trước tôi vất vả lắm. Con đông, gạo không đủ ăn phải đi mót khoai mót sắn thường xuyên. Bây giờ thì tôi rảnh rang rồi vì con cái đã trưởng thành cả, cháu nội cháu ngoại đến xúm xít . Mừng hơn là nhờ có địa phương và xã hội quan tâm tôi mới có vườn rộng nhà xây ". Thế rồi chuyện xung quanh anh Lý Tự Trọng và những người ruột rà trong gia đình thưở trước, được cụ Bảy kể lại khá mạch lạc " Tôi tên là Bảy bởi gia đình tôi sinh được 8 người con, còn gì Tám tức Lê thị Quý hiện giờ vẫn đang sinh sống tại Thái Lan. Chỉ có tôi và anh Lê Hữu Năng theo cha mẹ về Việt Xuyên . Ông Năng mới qua đời hơn ba năm, còn anh Lê Hữu Đại nguyên trước làm cán bộ trong ban Việt Kiều ở Bộ ngoại giao năm nay đã 93 tuổi hiện đang cư trú tại Hà Nội..".

Cụ Lê Thị Bảy - em ruột của anh Lý Tự Trọng đang sống tại Việt Xuyên.

Cụ Lê Thị Bảy - em ruột của anh Lý Tự Trọng đang sống tại Việt Xuyên.

Một ngọn gió se se tháng mười thổi qua sân nhà, cụ Bảy lấy miếng trầu trong túi áo ra nhai rồi tiếp chuyện: " Thân sinh ông cụ nhà tôi tên Lê Hữu Đạt và mẹ là Nguyễn thị Sờm. Hồi ấy gia cảnh bố mẹ tôi cơ cực quá, bà con làng xóm ở Việt Xuyên cũng đói quay đói quắt bèn rủ nhau đi ngược Lào để tìm kế sinh nhai. Trong cuộc đi tha phương cầu thực này bố tôi làm quen được với một người bạn đường tốt bụng vượt qua sông Mê Công vào đất Xiêm làm ăn. Tuy ở xứ người làm thuê nhưng bố mẹ tôi vừa siêng năng chịu khó và đặc biệt sống chân thật nên người bản xứ ở Thái rất tin tưởng. Nhờ thế bố mẹ tôi yên tâm gầy dựng vốn liếng và xây đắp tổ ấm nơi đất khách quê người. Anh Trọng là người con trai cả trong gia đình, tên thật Lê Hữu Trọng. Còn " Lý Tự " nghe bố tôi bảo Bác Hồ đặt cho. Anh Trọng hơn tôi tới 16 tuổi có đôi mắt rất sáng và đôi lông mày rậm. Lúc nào anh cũng nhanh như sóc, tôi đã khóc với anh nhiều lần vì anh bàn tay khoẻ gội tóc cho tôi vò đi xát lại bằng quả bồ kết quá kỹ. Anh Trọng thông minh, học tập sáng dạ lại sớm giác ngộ cách mạng nên được tổ chức hoạt động bí mật của Đảng ta đưa sang Trung Quốc bồi dưỡng đào tạo thành người chiến sĩ liên lạc dũng cảm và trung thành với Đảng. Ngày anh Trọng bị bọn mật thám Pháp bắt giam ở Sài Gòn rồi bị nhốt vào xà lim và kết án tử hành tôi vẫn còn nhỏ dại lắm. Dầu sống ở Thái Lan đã thoát khỏi cảnh bần hàn thế nhưng nghe tin nước nhà độc lập, dân mình được chia ruộng và hồ hởi làm ăn hợp tác xã bố mẹ lại rưng rưng nhớ về cội nguồn .Thế rồi hai ông bà để lại cơ ngơi cho mấy đứa lớn tự lập nghiệp , còn vợ chồng mấy đứa nhỏ dắt díu hồi hương ".

Về quê cũ làm ăn nơi chôn rau cắt rốn của mình dẫu cuộc sống chật vật, vất vả hơn nhiều so với môi trường cũ nhưng cụ Lê Hữu Đạt vẫn thấy lòng thanh thản lạ lùng. Nết ăn nết ở chân quê mộc mạc đã tạo nên không khí đầm ấm cho cả làng. Vui nhất khi một nhà vừa nấu nồi nước chè xanh mời láng giềng cùng nhau bưng đọi. Khi tháng tám ngày ba cùng san sẻ nương náu nhau rá gạo, mớ rau non.. Chính hồn quê Việt Xuyên một lần nữa thổi bùng lên lòng yêu quê da diết và ngọn lửa nhiệt tình cách mạng đối với thân sinh anh Lý Tự Trọng. Cụ Đạt cuốn hút vào các hoạt động phong trào địa phương rồi được nhân dân tín nhiệm bầu làm chủ tịch xã. Vị chủ tịch Việt Xuyên đầu tiên này chắc khoẻ như một lão nông. Với tác phong "chân đất nón lá", nắng chang chang ra đồng chống hạn, đường xa kĩu kịt cùng bà con gánh thóc nộp kho lương ..Không những thế cụ Đạt còn là " người tuyên truyền viên giỏi " nói chuyện truyền thống về đứa con trai của mình trong những đợt thanh niên lên đường nhập ngũ thời chống Mỹ đã tạo nên niềm tin mãnh liệt cho tuổi trẻ . Lúc còn sống một kỷ niệm thiêng liêng nhất trong đời cụ Đạt: năm ấy Bác Hồ và đại tướng Nguyễn Chí Thanh về thăm Hà Tĩnh, cụ Đạt vịnh dự được tỉnh uỷ mời lên nghe Bác Hồ nói chuyện. Lúc cụ Đạt đang ở trong đám đông chờ đón Bác, vừa bước trên xe con xuống Bác Hồ đã phát hiện được cụ Đạt. Bác nói với mọi người " Ông Đạt là bố chú Lý Tự Trọng đây ". Bác Hồ ân cần hỏi thăm sức khoẻ gia đình cụ Đạt và bà con trong xã, Bác nhắc lại kỷ niệm cũ về "chú Trọng Con " khiến cụ Đạt lặng người đi vì xúc động. Một kỷ vật mà cụ nâng niu cất giữ mãi đấy là chiếc áo lụa Bác Hồ tặng cụ.

Quê anh bừng sức trẻ

Đường về xã Việt Xuyên không còn cát bụi nữa, đường thôn rải nhựa thảm lì chạy từ đầu làng đến cuối xóm. Những ngày chuẩn bị kỷ niêm 95 năm ngày sinh Lý Tự Trọng cả quê hương rực rỡ màu cờ, biễu ngữ . Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công cũng được chỉnh trang lại bằng màu vôi trắng sáng, bồn hoa thắm lại sắc hoa. Cậu bí thư đoàn xã Việt Xuyên tươi rói trong bộ quân phục màu xanh, cầm một cuốn tài liệu dày có tới hàng trăm trang đánh bằng máy vi tính và khoe với tôi " Anh xem đây là bản thảo chưa in thành sách nhưng là tài liệu quý để chúng em sử dụng giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp trẻ trong những ngày lịch sử. Hôm nào in em sẽ gửi tặng anh sau".

Triển lãm ảnh "Lý Tự Trọng - sáng mãi tên anh". Ảnh: Lệ Thủy
Triển lãm ảnh "Lý Tự Trọng - sáng mãi tên anh". Ảnh: Lệ Thủy

Ông Lê Hải Đường - Phó bí thư Đảng uỷ xã đưa tôi ra thăm nhà thờ Lý Tự Trọng, cũng là nền cũ của Cụ Lê Văn Đạt ở ngày xưa. Bên nhà thờ hai cây dừa xanh đang tỏa rộng bóng, lối vào sạch sẽ, thâm nghiêm. Vẫn ngôi nhà gỗ ba gian như ngày nào, nhưng lần này có thêm hai bức tượng bằng thạch cao phủ màu xanh của vợ chồng cụ Đạt và một tấm ảnh lớn chụp toàn bộ chân dung những người trong gia đình. Tôi nghe đứa cháu nội của anh Trọng, người đang trông coi ngôi nhà thờ này cho biết " Tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Văn hóa - TT - Du lịch đang có dự án cải tạo nhà thờ mở rộng khuôn viên hơn 2ha. Dự kiến đến năm 2014 kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng sẽ khánh thành. Chắc chắn lúc ấy du khách sẽ đến với địa chỉ Đỏ nhiều hơn".

Thắp hương tưởng niệm trước anh linh người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên của thế hệ trẻ Việt nam, tôi như nghe lời anh vọng tới: " Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không thể là con đường nào khác ". Vâng bước tiếp theo anh tuổi trẻ Việt Xuyên không bao giờ phụ lòng anh. Khi họ hiểu được nhiệm vụ của thanh niên là cống hiến thì bản lĩnh và hành động của anh đã thành gương soi hậu thế. Mỗi lần những cô gái chàng trai mười tám đôi mươi, với sức trẻ tràn đầy sinh lực lên báo công với anh là mỗi ngày quê hương Việt Xuyên ngời lên sắc xanh mới. Chắc anh mãn nguyện với lớp trẻ quê anh "nói đi đôi với làm ". Họ biết đổi mới về tầm nhìn, họ biết đổi mới về tầm nghĩ. Họ biết khiêm tốn học để sớm thành thợ trong nhà máy thành thầy trên giảng đường. Biết gìn giữ thuần phong mỹ tục văn hoá cội nguồn, biết rèn mình trong cuộc sống, đi đầu trong đấu tranh chống các tệ nạn tiêu cực xã hội cho quê nhà bình yên.

Ông Trần sĩ Anh - Bí thư Đảng uỷ xã Việt Xuyên tâm sự " Đảng chúng tôi mạnh khi có một hệ thống tổ chức chính trị vững vàng . Đặc biệt tổ chức đoàn thanh niên từ cán bộ đoàn xã đến đến thôn khi được cấp uỷ giao nhiệm vụ đều hăng hái xung phong. Trong nhiều năm qua, chúng tôi thường xuyên bồi dưỡng kết nạp những đoàn viên ưu tú nhất vào đảng, nhờ vậy chúng tôi đã trẻ hoá được đội ngũ từ cấp uỷ đến chính quyền địa phương ".

Tôi đã gặp anh Lê Văn Cảnh - một thanh niên trẻ, kiện tướng nuôi vịt giỏi nhất vùng. Xuất thân trong một gia đình rất nghèo, Cảnh đã đi lên bằng hai bàn tay trắng và sự năng động của bộ óc . Nhà Cảnh ở gần bờ sông Vách Nam, anh lợi dụng địa thế này thuận lợi cho nghề nuôi vịt. Để hiểu biết kỹ kiến thức nuôi vịt anh đi tìm hiểu một số một số mẫu hình rồi tham khảo kỹ thuật nuôi vịt qua sách báo, trên mạng. Khi đã lĩnh hội được kiến thức anh mua tre nứa, giang mây để làm rạo thả vịt.. Hiện nay chuồng vịt của Cảnh đã lên tới 3500 con. Mỗi ngày anh thu về khoảng 2000 quả trứng . Cảnh bảo tôi: " Nuôi vịt phải chịu khó không chịu khó không thức khuya dậy sớm, không biết vệ sinh chuồng trại và cho vịt ăn tốt làm sao vịt để ra nhiều trứng được ". Năm nào cũng vậy nghề nuôi vịt của Cảnh chẳng thất bát bao giờ. Ngày chưa có vợ Cảnh đã thay bố mẹ nuôi hai em ăn học trưởng thành. Năm nào cũng vậy tiền vịt giống và trứng vịt anh bán ra thu lãi từ 30 triệu -50 triệu đồng. Lê Văn Cảnh đã nhiều lần được mời đi báo cáo điển hình thanh niên tiên tiến của tỉnh.

Từ mẫu hình của Cảnh nhiều thôn trên đất Việt Xuyên đang gây dựng vốn liếng của mình làm giàu trên chính quê hương. Nhiều chủ hộ trẻ hiện nay có dư thóc từ 2tấn - 3tấn trong nhà.

Tôi nhìn xã Việt Xuyên lồng lộng dưới trời thu xanh, ngan ngát màu xanh cây trái đang đơm hoa kết nụ và đẹp hơn cả là niềm tin đỏ thắm trong sắc xanh tràn đầy nghị lực tuổi trẻ .

10- 2009

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast