Nợ xấu gia tăng, Hà Tĩnh triển khai nhiều giải pháp xử lý

(Baohatinh.vn) - Đến ngày 31/10/2018, nợ xấu chiếm 1,57% tổng dư nợ trên toàn địa bàn, tăng 0,21% so với cuối năm 2017. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp với ngành ngân hàng xử lý hiệu quả nợ xấu.

Nợ xấu gia tăng, Hà Tĩnh triển khai nhiều giải pháp xử lý

Khách hàng đến làm thủ tục vay vốn tại Ocenbank Hà Tĩnh

Đến thời điểm này, tổng dư nợ của Oceanbank Hà Tĩnh đạt trên 370 tỷ đồng, trong đó, nợ xấu chiếm tới hơn 50%. Ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Oceanbank Hà Tĩnh, cho biết: “Năm 2011, Tổng Công ty Sông Hồng (TP. Hà Nội) vay Oceanbank Hà Tĩnh 191,9 tỷ đồng để thi công Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. Nhà máy đã đi vào hoạt động 2 năm song doanh nghiệp chưa thể trả nợ cho ngân hàng, bởi hiện nay, Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa có kết luận cuối cùng về tổng mức đầu tư của dự án trọng điểm quốc gia này. Theo đó, giai đoạn từ 2012 – 2014, Oceanbank Hà Tĩnh đã phải gia hạn nợ cho doanh nghiệp này. Từ sau năm 2014 lại nay, số vay này đã chuyển sang nợ xấu”.

Thực tế cho thấy, khách hàng chưa có nguồn trả nợ là một nguyên nhân khiến nợ xấu đội lên cao. Theo ông Phan Viễn Đông – Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh: “Đến ngày 31/10/2018, nợ xấu chiếm 1,57% tổng dư nợ trên toàn địa bàn, tăng 0,21% so với cuối năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu khiến nợ xấu tăng là do khách hàng sản xuất kinh doanh thua lỗ dẫn đến chậm trễ việc trả nợ.

Ngoài ra, có 9/11 chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã phát sinh nợ xấu. Đến cuối tháng 10/2018, dư nợ xấu chiếm 117,57 tỷ đồng, chiếm 76,76% tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67. Nhìn chung, các chủ tàu có tâm lý chây ì trả nợ, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hồi vốn”.

Nợ xấu gia tăng, Hà Tĩnh triển khai nhiều giải pháp xử lý

Hiện có 9 chủ tàu vay vốn theo nghị định 67/2014/NĐ-CP đã phát sinh nợ xấu

Trước thực trạng nợ xấu ngân hàng gia tăng, ngày 21/11/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đã có văn bản số 7310/UBND-TH1 về việc tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu theo đúng quy định.

Nợ xấu gia tăng, Hà Tĩnh triển khai nhiều giải pháp xử lý

Hà Tĩnh đang triển khai nhiều giải pháp xử lý nợ xấu

Đồng thời, giao các địa phương, sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 22/8/2017 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trường hợp phát sinh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh để tháo gỡ, xử lý hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

"Để giải quyết nợ xấu, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 05/CT-NHNN và Chỉ thị 06/CT-NHNN. Chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, đảm bảo an toàn vốn vay. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” - ông Phan Viễn Đông thông tin thêm.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast