Dịch COVID-19 nóng lên toàn thế giới

Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 gia tăng tại nhiều khu vực, chủ yếu do hai biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 lây lan nhanh chóng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận số ca nhiễm nCoV đã tăng 18% tại 110 quốc gia, đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4. Đợt gia tăng chủ yếu do sự lây lan của biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5, có lợi thế lây nhiễm và khả năng né tránh miễn dịch hiệu quả.

BA.4 và BA.5 chiếm 55% tổng số ca mắc mới

Theo WHO, 4 khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng nhiều nhất là Đông Địa Trung Hải, châu Âu, Đông Nam Á và châu Mỹ. Trên toàn cầu, số ca tử vong vẫn đang ở mức trung bình, nhưng tăng tại ba vùng Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Mỹ.

Tuần trước, WHO ghi nhận 4,1 triệu ca nhiễm mới. Tổ chức cho rằng con số này thấp hơn so với thực tế, bởi nhiều quốc gia đã giảm tỷ lệ xét nghiệm. Mỹ, Brazil, Italy và Trung Quốc báo cáo nhiều ca mắc mới nhất.

Tại cuộc họp ngắn hôm 29/6, Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PAHO) của WHO cho biết số ca nhiễm tăng ở cả 4 tiểu vùng châu lục, mức tăng mạnh nhất là tại Nam Mỹ (24,6%).

WHO cho biết các biến chủng phụ BA.4 và BA.5 tiếp tục chiếm ưu thế trong đợt lây lan mới. Cả hai có chung đột biến khiến khả năng lây truyền cao hơn. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy virus có thể trốn tránh miễn dịch một cách hiệu quả.

Dịch COVID-19 nóng lên toàn thế giới

Hành khách tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 8/6. Ảnh: Nikkei

Đại dịch đang thay đổi nhưng chưa kết thúc

Tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Đại dịch đang thay đổi, nhưng nó chưa kết thúc. Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng đó chưa phải là tất cả”. Ông một lần nữa bày tỏ sự lo ngại về việc giảm tỷ lệ xét nghiệm và giải trình tự gene của các quốc gia. Điều này khiến công tác giám sát khả năng bùng phát, việc theo dõi sự phát triển của virus trên toàn thế giới bị ảnh hưởng.

Đánh giá tình hình tiêm chủng toàn cầu, ông Tedros nhận định 58 quốc gia đạt được mục tiêu phủ vaccine cho 70% dân số vào giữa năm như khuyến nghị của WHO. Tỷ lệ tiêm phòng trung bình của các quốc gia thu nhập thấp là 13%. Ông kêu gọi các nước tiêm vaccine cho 100% nhân viên y tế và người trên 60 tuổi càng sớm càng tốt.

Đối với người dân nói chung, theo ông Tedros, điều quan trọng là tăng cường khả năng miễn dịch, giảm mức độ nghiêm trọng và tác động lâu dài của Covid-19.

“Ngay cả những ca nhiễm tương đối nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình chung, khiến trẻ em không được đi học, người lớn không thể đi làm, gây gián đoạn kinh tế và chuỗi cung ứng”, tiến sĩ Tedros nói.

Nhu cầu với vaccine thế hệ tiếp theo

Ông Tedros cho biết việc cập nhật vaccine hiệu quả với các biến chủng virus đang phát triển là rất hợp lý. Tuy nhiên, với chiến lược này, các loại vaccine sẽ luôn đi sau tốc độ đột biến của nCoV. Ông nhận định thế giới cần loại vaccine phổ quán, ngăn chặn được các chủng virus corona nói chung, bao gồm các biến chủng hiện tại và tương lai.

Pfizer hôm 29/6 cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm loại vaccine này trên người vào cuối năm nay.

Dịch COVID-19 nóng lên toàn thế giới
Theo Thục Linh (VNE)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast