“Đánh bạc” với mưa lũ!

Trên khuôn mặt ông Nguyễn Thành Lâm (xóm Bình Tân -Hương Bình – Hương Khê hằn lên nỗi lo khi mùa mưa bão sắp tới. Đã 3 năm nay, từ khi đập Đá Bạc bị vỡ, 5 nhân khẩu trong ngôi nhà ông luôn ở trong tình trạng bị lũ cuốn trôi bất cứ lúc nào. Đó cũng là tâm trạng chung của hàng nghìn người dân Hương Khê khi không ít công trình hồ đập ở Hương Khê đang xuống cấp nghiêm trọng...

Sự xuống cấp của các công trình hồ đập ở Hương Khê:

Đập Đá Bạc ( Hương Bình- Hương Khê) chỉ còn lại cái xác
Đập Đá Bạc ( Hương Bình- Hương Khê) chỉ còn lại cái xác

Nỗi lo trước mùa mưa bão

Chúng tôi có mặt tại chân đập Đá Bạc (Hương Bình) vào một ngày giữa tháng 8. Con đập dài 30m được người dân ở đây xây dựng từ năm 1975 đã tan tành sau trận lũ lịch sử năm 2006. Thân đập chỉ còn là những tảng đá khổng lồ bị nước lũ kéo đi khá xa, để lại cảnh hoang tàn của nó. Tuổi tác và sự không đầu tư đã khiến con đập không thắng nổi sức tàn phá của thiên nhiên. Ông Lâm vẫn nhớ như in cái đêm vỡ đập kinh hoàng cách đây 3 năm. 5 con người, 5 sinh mạng trong gia đình ông đã phải cuống cuồng tìm sự sống giữa biển nước mà không kịp mang theo thứ gì. Chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, ngôi nhà ông và hơn 500 hộ dân ở các xóm Bình Tân, Bình Thành, Bình Trung, Bình Minh, Bình Thái đã chìm trong biển nước.

Cơn lũ đi qua, người dân Hương Bình cũng phải trở lại cuộc sống thường nhật của mình, nhưng con đập ngăn dòng chảy và tưới tiêu cho phần lớn đất canh tác trong xã đã tan tành. Đã có không ít lần chính quyền xã kiến nghị lên các cơ quan chức năng xây dựng con đập mới nhưng người dân ở đây vẫn phải mòn mỏi chờ đợi. Ông Trần Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết: “Với lưu vực lòng hồ rộng đến 18km2, đập Đá Bạc có khả năng tưới cho 450 ha đất canh tác trong vùng và nắn dòng chảy tránh tình trạng sạt lở vào khu dân cư. 3 năm nay đập vỡ, khả năng tưới tiêu thấp nên mùa màng của người dân Hương Bình cũng kém đi nhiều.”

Cũng theo ông Bình, lúa chỉ còn năng suất 1,4 tạ/sào, ngô, khoai sắn đều cho năng suất kém. Cũng do vỡ đập, dòng chảy bắt đầu lấn dần vào khu dân cư và không ít nhà dân đang phải đối mặt với cảnh nhà trôi theo dòng nước lúc nào không hay. Con đập cách hộ dân gần nhất vài chục mét và cách khu dân cư tập trung gần 1km thì khả năng đó là hoàn toàn có thể.

5 công trình có nguy cơ vỡ

Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, trong năm 2006 và 2007, toàn huyện có đến gần 30 công trình hồ đập lớn nhỏ bị cuốn trôi. Trong số đó, do thiếu nguồn kinh phí, các đập như đập Dài (Phúc Trạch), đập Cây Sắn (Lộc Yên), đập Khe Nậy (Hòa Hải) và đập Đá Bạc vẫn chưa được xây mới. Theo một thống kê mới đây, Hương Khê còn có 5 công trình thủy lợi khác có nguy cơ vỡ trong năm 2009. Điển hình như đập Khe Vôi (thân cống thượng lưu bị sập nước, chảy ngoài mái đập vào cống và ra sau đập), đập Cây Chanh (nước chảy ngoài thân cống qua thân đập), đập tràn Khe Vôi (mái, thân, tiêu năng bị xói lở, rò rỉ qua thân tràn), tràn đập Nước Đỏ, đập Khe Dam, tình trạng sập cống, hở mang cống của đập Nhà Vân đang đe dọa tính mạng của 80 hộ dân vùng hạ lưu.

Hiện toàn huyện Hương Khê có đến trên 140 công trình thủy lợi lớn nhỏ, phần lớn được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Đa số trong đó đều do người dân tự thi công, do thiếu kinh phí nên đang xuống cấp một cách trầm trọng. Kết quả tổng hợp kiểm tra các công trình xây dựng cơ bản tại các xã, thin trấn trước mùa mưa lũ năm 2009 của Hương Khê có đến 32 công trình thủy lợi, 12 công trình giao thông trong tình trạng hư hỏng.

Ông Đinh Hữu Tân – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, đề xuất các phương án xử lý và trình bổ cứu kinh phí hỗ trợ, tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn hẹp nên đến nay, một số công trình hư hỏng nặng vẫn chưa được xử lý.”

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast