Ẩn họa sau những tiếng mìn "xẻ thịt" Núi Hồng

Vụ sập núi Lèn Cờ tại huyện Yên Thành (Nghệ An) một lần nữa cảnh báo mức độ an toàn tại các mỏ đá khu vực miền Trung. Hiện nay trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh cũng có nhiều mỏ đá mất an toàn lao động, ẩn chứa những nguy hiểm khó lưòng cho người dân.

Thợ đá luôn trong trình trạng nguy hiểm
Thợ đá luôn trong trình trạng nguy hiểm

“Đục khoét” núi Hồng

Núi Hồng, sông Lam xưa nay không chỉ đẹp, kỳ vĩ và thơ mộng mà còn là những địa linh, danh thắng của đất nước. Vậy mà, việc khai thác đá một cách ồ ạt đã và đang khiến cảnh quan nơi đây có nguy cơ trở thành hoang phế. Những năm qua, việc khai thác đá bừa bãi của con người, khiến núi Hồng trở nên nham nhở. Theo thống kê, tại khu vực Cộng Khánh, thuộc thị xã Hồng Lĩnh hiện có tới 12 Cty, xí nghiệp chuyên khai thác đá với quy mô lớn. Khi có được giấy phép trong tay, các doanh nghiệp ồ ạt đưa máy móc hiện đại vào “xẻ thịt” núi Hồng. Hàng ngày, dọc theo hai bên dãy núi phía Đông và Tây, những tiếng mìn nổ ầm ầm, những cỗ máy nghiền đá luôn chạy hết công suất, những chiếc xe tải hạng nặng hối hả ra vào trên các con đường tạo nên một vùng khói bụi mù mịt bao bọc lấy cả thung lũng rộng lớn ở đây

Một vùng không gian luôn vẩn đục khói mìn và bụi đá
Một vùng không gian luôn vẩn đục khói mìn và bụi đá

Việc khai thác đá là hoạt động kinh doanh có lợi, nó nhằm giúp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội, thực tế từ viêc khai thác đá đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Không thể phủ nhận nghề làm đá là một trong những nghề tạo công ăn việc làm cho người dân, hầu hết các hộ giàu trên địa bàn Hồng Lĩnh đều có liên quan hay làm nghề đá. Nhưng điều mấy năm gần đây cho thấy một hệ lụy của việc khai thác đá một cách vô tội vạ và không có ý thức của ngưòi dân. Thực tế việc khai thác đá đã ảnh hưởng tới tầng lớp địa chất, thổ nhưỡng, làm cho hệ sinh thái động, thực vật bị biến hình, thậm chí nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Ngày ngày phải chứng kiến ngọn núi Hồng bị “cắt xẻ” từng miếng một cách không thương tiếc, nhiều người dân rất bức xúc. Ông Đào Trọng Vinh bức xúc nói: Sống ở đây từ rất lâu, hàng ngày cứ thấy nổ mìn, là lòng tôi lại quặn đau. Phải chứng kiến từng bầy chim, động vật, thâm chí cây cối tan tác không biết về đâu, tôi buồn lắm, nhưng biết làm răng?

Hiểm họa luôn vẫy gọi

Qua khảo sát các khu mỏ đá ở Công Khánh chúng tôi nhận thấy, các mỏ đá ở đây phân bố dày đặc, khâu xử lý kém, chế độ an toàn không đảm bảo chất lượng. Minh chứng là những khu trú mìn sơ sài, giữa các mỏ sát nhau nên khi nổ mìn sẽ ảnh hưởng tới công nhân, thậm chí khâu nổ mìn còn thủ công dễ có tai nạn khi xảy ra.

Mỏ đá xã Đậu Liêu ở TX Hồng Lĩnh được nhiều doanh nghiệp tư nhân sở hữu, có nhiều mỏ đá chiếm tỉ lệ dân lao động cao, nhưng tình trạng khai thác trái phép hay mất an toàn lao động vẫn xảy ra. Bên trên là những khối đá khổng lồ, phía dưới hàng chục công nhân mải mê đập đá, bốc đá lên xe công nông. Đó là hình ảnh chung của mỗi mỏ đá nơi đây.

Mỏ đá là nơi chứa nhiều hiểm hoạ cho người dân
Mỏ đá là nơi chứa nhiều hiểm hoạ cho người dân

“Nghề này cực nhọc, nguy hiểm, nhưng vì bát cơm manh áo cho con mà phải đội nón đi làm!”- Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân mỏ đá nói. Nhìn núi Hồng bị khoét ngang thân, các phiến đá chênh vênh như sắp đổ ập xuống, thật lo cho tính mạng của những người công nhân. Suốt ngày đối mặt với nạn đá lăn, nhưng công nhân không được chủ mỏ trang bị phương tiện bảo hộ lao động đầy đủ.

Ông Phạm Bảy cho biết làm nghề chẻ đá thường phải đối mặt với nguy hiểm. “Có hàng trăm lý do để sợ nhưng sợ nhất là đá lăn” - ông Bảy nói. Ở mỗi bãi đá, người thợ không thể làm từ trên xuống mà phải làm từ dưới lên.

Cứ hì hục moi, đẽo, chẻ những khối đá phía dưới, thợ đá không lường hết khối đá bên trên bị trống chân nên đổ ập xuống. Nguy hiểm hơn, một số thợ đá còn cố tình moi trống chân để khối đá bên trên đổ xuống cho dễ làm. “Những lúc như thế phải lựa thế nhưng cũng may rủi thôi, nếu chạy sai hướng thì coi như...” - ông Bảy bỏ lửng câu nói.

Theo số liệu thống kê cho biết, do là mỏ đá tư nhân nhiều nên số công nhân không có bảo hiểm lao động chiếm 85 %, còn số ít làm doanh nghiệp nhà nước chiếm 15% có bảo hiểm lao động

Ngoài ra các mỏ đá còn ảnh hưởng tới những ngôi nhà sống xung quanh, nhiều căn nhà bị nứt nẻ, lung lay, khói bụi từ những lần nổ mìn. Cô Nguyễn Thị Hằng kể: Mỗi lần mìn nổ là y như rằng cả tấn bụi hất lên nhà tôi, đành rằng là bụi bặm còn đỡ nhưng những lần nổ mìn như vậy khiến nhà tôi lung lay, bị nứt rạn dần dần. Chị còn dẫn chúng tôi tới những chỗ nứt nẻ và than phiền, các anh thấy đó bị như thế ai mà không bức xúc. Nhiều người dân xung quanh mỏ đá còn phàn nàn về việc tiếng ồn quá lớn, nó ảnh hưởng tới sinh hoạt của gia đình. Chị Hằng còn phàn nàn: nhiều lần tiếng nổ khiến cho gia đình chị giật mình, con nhỏ hoảng sợ.

Đằng sau tấm biển này là những mỏ đá?
Đằng sau tấm biển này là những mỏ đá?

Tất cả những người sống xung quanh các mỏ đá hầu hết là những thợ đá, phu đá, hay mót đá ở các mỏ đá này, đều tỏ thái độ bức xúc về cách khai thác đá của các chủ doanh nghiệp đá. Nhắc đến chuyện mìn và đá, anh Lưu Văn Phong (ở xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) vẻ buồn bực về nhà lấy ngay tập lá đơn kêu cứu dày cộp gửi đến các cơ quan chức năng mà không thấy hồi âm cho tôi xem. Cầm những lá đơn với chi chít lời giải trình, anh Hiếu thở dài: “có mô khổ hơn như dân chúng tôi không hè? Suốt ngày lên bãi đá gửi xác mình cho đá về nhà thì sợ nhà sập, đá đè chết khi mô không biết. Tội mấy đứa nhỏ hơn mình không cẩn thận là chúng ra khỏi nhà thì bị đá ném”. Mái nhà lợp bằng phi-brô xi măng còn nguyên một lỗ thủng đút lọt cả một thanh gỗ lớn, chiếc bàn đặt máy vi tính của đứa con lớn cũng vướng nạn đá rơi, thủng một lỗ... trong gian nhà của anh Hiếu, cũng đủ để biết cuộc sống người dân nơi đây đang bị đe dọa từng ngày

Không chỉ người dân đang bị đe dọa mà ngay cả hệ sinh thái, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cây xanh trông hay ở trên núi Hồng bị xâm hại, cây lúc nào cũng phủ dày bụi bặm, nổ mìn còn làm cho cây trên núi bị đổ xuống, cây tan tác giống như vừa bị bão làm đổ. Những cây ở gần mỏ đá không sống nổi, hoặc nếu sống thì còi cọc, xác xơ. Ngoài ra các động vật cũng bị ảnh hưởng nặng nề, việc khai thác đá không có kế hoach đã làm cho động vật như: chim, dê, bò… hoảng loạn không dám trú ngụ, lên núi, hay sống gần mỏ đá.

Việc khai thác đá bằng cách nổ mìn, những tiếng nổ mìn ấy làm cho người dân sống quanh mỏ đá bức xúc. Hằng ngày người dân trên địa bàn Hồng Lĩnh phải sống trong hoang mang, lo lắng, sợ hãi…về tính mạng của mình. Hình ảnh đẹp của núi Hồng đang bị các mỏ đá phá hủy một cách không thương tiếc. Thiết nghĩ phải có một biện pháp khai thác đá hợp lý, các cơ quan, ban ngành cần có những biện pháp xử lý hiệu quả, để người dân trên địa bàn Hồng Lĩnh không còn phải hoang mang, sợ hãi mỗi khi mìn nổ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast